Đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp để tăng cơ hội học nghề cho học sinh phổ thông

08:35, 30/09/2024

Nam Định là địa phương được đánh giá có nền tảng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển. Trên địa bàn tỉnh, ngoài các cơ sở đào tạo nghề ở các hệ cao đẳng, trung cấp, còn có một Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, 9 Trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thành phố. Đây được xem là cơ hội cho người học nói chung, học sinh tốt nghiệp THPT và THCS nói riêng có nhiều lựa chọn học nghề, thuận lợi thúc đẩy phân luồng học sinh phổ thông.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thực hành tại Xí nghiệp may Vị Hoàng (Tổng Công ty May 10).
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thực hành tại Xí nghiệp may Vị Hoàng (Tổng Công ty May 10).

Để thu hút học sinh vào học nghề, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được các cơ sở GDNN chú trọng tổ chức ngay tại các trường THCS, THPT thông qua nhiều hình thức, nội dung. Cùng với đó, các cơ sở GDNN chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người học để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thích ứng với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số.

Ông Trần Văn Độ, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX tỉnh cho biết, năm học 2023-2024 Trung tâm đã phối hợp các trường THCS trên địa bàn thành phố Nam Định thực hiện giảng dạy, bổ sung kiến thức chương trình hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho trên 3.000 học sinh lớp 8; giảng dạy - tư vấn phân luồng cho 3.382 học sinh lớp 9 theo chương trình của Bộ GD và ĐT; giảng dạy, ôn tập chương trình nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định và một số trường THPT trên địa bàn huyện Mỹ Lộc (cũ) với tổng số 2.684 học sinh. 100% học sinh tham gia ôn tập và thi nghề phổ thông đều được cấp chứng chỉ với tỷ lệ khá và giỏi đạt trên 90%. Ngoài ra Trung tâm còn kết hợp với Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm GDTX Trần Phú... tổ chức giảng dạy, ôn tập và thi nghề phổ thông để thi lấy giấy chứng chỉ nghề phổ thông cho học viên. Cũng theo ông Độ: năm học 2024-2025, Trung tâm ưu tiên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THCS, học sinh cuối cấp, nhằm làm tốt công tác phân luồng, phục vụ công tác tuyển sinh và củng cố nhận thức về nghề nghiệp cho học sinh. Phối hợp chặt chẽ với các trường THCS, THPT trong tỉnh để tăng cường tư vấn hướng nghiệp theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh.

Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực tự “làm mới” để thu hút người học như tập trung đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm. Một trong những đơn vị như vậy là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Ông Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng cho biết: Năm học này, trường đã tuyển được 1.500 học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng ở các nghề: Hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, may thời trang, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, điện tử dân dụng, công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, chăn nuôi - thú y, nuôi trồng thủy sản, đúc dát đồng mỹ nghệ, gia công thiết kế sản phẩm mộc, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn... Quá trình học tập, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan trải nghiệm thực tế hoặc học sản xuất tại doanh nghiệp. Hoạt động này vừa giúp các em được củng cố kiến thức chuyên môn đã học tại trường, vừa tạo cơ hội để các em tiếp xúc trực tiếp với môi trường sản xuất công nghiệp. Trường cũng đang triển khai mô hình kết hợp đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp theo phương thức vừa học tại trường, vừa được thực hành sản xuất tại doanh nghiệp. Trường có xe đưa đón học sinh, sinh viên từ trường đến doanh nghiệp để học thực hành, sản xuất. Đồng thời, thành lập bộ phận kết nối với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu vị trí việc làm, số lượng tuyển dụng; từ đó đề xuất ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo và tuyển dụng cho học sinh, sinh viên của trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang hợp tác với trường, hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng như: Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty Điện lạnh Hòa Phát… Mô hình đào tạo này không chỉ giúp doanh nghiệp được tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà tuyển dụng tìm được nguồn lao động có chất lượng, mà còn góp phần tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Qua thống kê của nhà trường những năm gần đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm đạt từ 95% trở lên.

Một số cơ sở GDNN khác trên địa bàn tỉnh cũng đã dần khắc phục được một số khó khăn như: Đào tạo chưa gắn với thị trường lao động, quy mô đào tạo nhỏ, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo chưa hợp lý..., để kịp thời bắt nhịp với những đổi mới trong công tác tuyển sinh như tăng cường liên kết, thực tập, trải nghiệm thực tế, nghiên cứu thị trường, tổ chức các tọa đàm, cuộc thi dành riêng cho khối trường nghề..., để phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, để đào tạo sát nhu cầu thực tế, trường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức liên kết đào tạo kép cho học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên các ngành may và thiết kế thời trang được đi học tập và thực tập trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Trường còn phối hợp với Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty May Enter.B để cùng với cán bộ của doanh nghiệp tổ chức giảng dạy ngay tại doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên của trường. Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định cho biết: Năm học 2024-2025, trường tuyển trên 1.200 chỉ tiêu hệ trung cấp, cao đẳng các ngành nghề: cắt gọt kim loại, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ may, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, kế toán doanh nghiệp, may thời trang, sửa chữa thiết bị may, tin học văn phòng. Qua khảo sát nhu cầu người học, thị trường lao động và các doanh nghiệp có liên kết với nhà trường trong công tác đào tạo kép, trường đang tập trung đẩy mạnh đào tạo ngành nghề công nghệ ô tô, bên cạnh các ngành nghề truyền thống: May thời trang, thiết kế thời trang, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ kỹ thuật nhiệt... Trong đó, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ thông tin, may thời trang là các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, thiết kế thời trang là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.

Trong điều kiện cạnh tranh tuyển sinh ngày càng gay gắt do tâm lý xã hội vẫn chú trọng. đề cao việc học đại học, các trường đại học thì tăng số nguyện vọng cho học sinh lựa chọn, kéo dài thời gian tuyển sinh ảnh hưởng đến nguồn đầu vào cho các trường dạy nghề của tỉnh và sự cạnh tranh giữa chính các cơ sở GDNN trên địa bàn, cùng với việc tranh thủ những ưu tiên, quan tâm của Nhà nước và địa phương theo từng giai đoạn, cho từng ngành nghề đào tạo, các cơ sở GDNN tại tỉnh xác định phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, mở rộng hợp tác để tự tìm lối đi, tự tạo cơ hội phát triển cho mình. Theo đó, các nhà trường phối hợp thực hiện tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT; tăng cường cung cấp các thông tin cho người học về các chính sách miễn học phí, chính sách học liên thông các trình độ cao đẳng, đại học, chính sách việc làm sau tốt nghiệp trường nghề; nắm bắt nhanh nhu cầu lao động của thị trường và thực hiện hiệu quả việc đào tạo nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo như tăng cường chất lượng đội ngũ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; mở rộng chương trình, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đơn giản hóa tiêu chuẩn để thu hút người học như: xét tuyển trên cơ sở kết quả công nhận tốt nghiệp phổ thông mà không cần thi tuyển. Trong bối cảnh các nhà tuyển dụng hiện không còn quá chú trọng tới bằng cấp mà quan tâm nhiều hơn tới kỹ năng làm việc thực tế nên việc thường xuyên được thực hành, thực tập chính là lợi thế của học sinh các cơ sở GDNN trong tìm kiếm việc làm.

Với những nỗ lực đó, cộng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, năng động của thị trường lao động biết trọng dụng lao động có tay nghề vững vàng, đào tạo bài bản, hứa hẹn các cơ sở GDNN sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com