Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông Nguyễn Văn Bổng, ở xã Hải Tây (Hải Hậu) - người lính giải phóng năm xưa.
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 8/1968, chàng thanh niên Nguyễn Văn Bổng mới 17 tuổi đã dùng liềm để cứa vào tay lấy máu, khai tăng tuổi để viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ (sự kiện này đã 3 lần được ghi trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hải Tây). Khi đó, tình hình chiến sự đang diễn ra ác liệt, Nguyễn Văn Bổng được xét tuyển và nhập ngũ tại Sư đoàn 338, Tiểu đoàn 15, Đại đội 1 đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa. Huấn luyện được ít ngày, Nguyễn Văn Bổng nhận lệnh đi B, trải qua hành quân 105 ngày thì đến huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, ông và đồng đội trực tiếp ra chiến trường chiến đấu. Trong những năm tháng đầu tiên tham gia với vai trò là một trinh sát, ông đã xông pha nơi chiến trường ác liệt và bị thương phải lui về tuyến sau điều trị. Năm 1970, sau khi ổn định sức khỏe, ông tiếp tục ra chiến trường và làm nghĩa vụ quốc tế, tham gia chiến đấu tại Campuchia. Trong những năm tháng chiến đấu ở đây, ông đã có những kỷ niệm không thể nào quên khi cả 3 tiểu đội chỉ còn lại một mình sống sót. Khi đó, địch truy quét rất gay gắt vào lực lượng của ta đang đóng quân ở Campuchia, với vai trò là tiểu đội trưởng, ông cùng 2 tiểu đội khác trực tiếp bảo vệ dinh tổng trưởng tỉnh Sihanouk (Campuchia). Trong một trận càn, pháo của địch dội liên tiếp suốt từ 4 giờ 30 sáng đến 2 giờ chiều, trung đội của ông đã chiến đấu dũng cảm, quyết liệt với nhiều phương án. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị chấn thương sọ não, gãy 2 xương bàn chân, vỡ xương chày… Đến khi nghe tin sét đánh về cả trung đội chỉ còn lại một mình sống sót, Nguyễn Văn Bổng lại lịm đi, dù trung đội đã lập chiến công bắn hạ máy bay địch…
Dù trong người mang nhiều vết thương, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Bổng vẫn luôn đam mê đọc sách và sáng tác văn học nghệ thuật. |
Sau khi điều trị vết thương, ổn định sức khỏe, ông được phân công về Tỉnh đội Bình Phước, trực tiếp tham gia vào “Mùa hè đỏ lửa” tại thị trấn Lộc Ninh, góp phần cùng với đồng đội làm chủ cụm cứ điểm chi khu Lộc Ninh, giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh (là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng). Sau đó, ông cùng đồng đội di chuyển về thị xã An Lộc (Bình Phước), trong một trận đánh, Nguyễn Văn Bổng tiếp tục bị thương và được đưa sang Campuchia điều trị. Cũng từ đây ông được cử học tiếng Campuchia một cách bí mật để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn trưởng đơn vị. 2 năm sau, ông được đơn vị điều động làm Trung đội trưởng Trung đội đặc công Đoàn 10 Rừng Sác. Từ một lính trinh sát chuyển sang đặc công với bao thử thách ông đều cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông lại bị thương và được đưa về địa đạo Củ Chi điều trị. Sau khi khỏi, ông trở lại Tân Biên (Tây Ninh) tiếp tục công việc trợ giúp Sư đoàn trưởng đơn vị cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ngày 26 đến 30/4/1975, ông Bổng đã trực tiếp tham gia đánh từ cửa biên Tây Nam về Gò Dầu (Tây Ninh) rồi tiến về giải phóng Sài Gòn. Ngày 1/5/1975, ông tiếp tục đứng trong đội quân bảo vệ cho lực lượng diễu binh mừng ngày Giải phóng Thống nhất đất nước.
Năm 1976, sau nhiều năm chiến đấu, ông Nguyễn Văn Bổng được phục viên trở về địa phương, được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai, hạng Ba, được kết nạp vào Đảng. Cũng từ những tháng ngày trong quân ngũ, ông đã học được nhiều điều, trong đó là những kiến thức từ những cuốn sách của những người đồng đội… giúp ông có thêm kiến thức để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương và đoạt được những giải thưởng báo chí, văn học sau này.
Năm 1977, ngay sau khi phục viên, ông Nguyễn Văn Bổng trở về quê hương tích cực, năng nổ tham gia các phong trào của địa phương và được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch xã, Trưởng Công an xã Hải Tây. Năm 1979, với vai trò là Chủ tịch UBND xã, ông trực tiếp làm nhiệm vụ tuyển quân và đưa quân lên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). Năm 1985, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Hải Tây và giữ chức vụ này trong suốt 25 năm liền đến khi nghỉ hưu. Với tinh thần học hỏi, luôn đau đáu niềm mong ước giúp nhân dân được đổi đời từ phát triển kinh tế trên đồng đất quê hương, ông đã đi học tập các nơi, xem xét thổ nhưỡng quê mình và mạnh dạn phát động cả xã thâm canh kết hợp trồng lúa và cà chua. Chỉ vài năm, nhân dân Hải Tây giàu lên bởi có cà chua xuất khẩu và trở thành địa phương đầu tiên của cả huyện và tỉnh làm cây vụ đông. Bản thân ông khi đó được mệnh danh là “nhà cà chua học”. Hải Tây trở thành điểm sáng được các tỉnh phía Bắc về học tập, được Chính phủ tặng Cờ thi đua và nhiều lần đón Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về thăm. Bản thân ông Bổng được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh 10 năm liền.
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Bổng về hưu và tập trung cho việc sáng tác văn học nghệ thuật, niềm đam mê của ông từ những ngày trong chiến trường và được kết nạp hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nam Định từ năm 2001. Ông sáng tác rất nhiều thể loại, từ thơ, ký sự, phóng sự, ghi chép, tùy bút, truyện ngắn, tản văn, phê bình nghiên cứu, viết nhạc. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã xuất bản như: Dế ra đồng (tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn 2011), Thơ Nguyễn Bổng (NXB Hội Nhà văn 2015); Các giải thưởng VHNT: Ký “Lời khẩn cầu của dòng sông” đạt giải Ba Báo Nông nghiệp: Giải Nhì thơ, giải Ba thể loại ký của Hội VHNT Nam Định và Ủy ban Dân số tỉnh tổ chức năm 2002. Giải Nhì ký sự cuộc thi về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân” của Hội VHNT Nam Định, Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp Nam Định tổ chức năm 2000. Giải Nhì ký sự của Ủy ban quốc gia, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương năm 2004. Giải Nhì thể loại ký của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2010. Giải B truyện ngắn Hội VHNT Nam Định 2012. Giải Nhất thể loại ký “Có một vùng quê như thế” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2011… và gần đây là nhiều giải thưởng khác do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Văn nghệ, Hội VHNT Trường Sơn… tổ chức. Ông đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật toàn quốc.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin