Trong tháng 7/2024, do diễn biến bất thường của thời tiết nên trên địa bàn tỉnh và thành phố Nam Định hay có mưa lớn cục bộ, thậm chí có mưa to đến rất to với lưu lượng từ hàng chục mm/giờ. Đặc biệt từ đêm ngày 23/7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn thành phố Nam Định đã xảy ra mưa lớn (lượng mưa đo được khoảng 34 mm/giờ) gây áp lực thoát nước lên một số tuyến đường, phố vốn là các điểm dễ ngập của thành phố Nam Định như: Hàng Thao, Văn Cao, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu, Máy Tơ, Trần Hưng Đạo (kéo dài), Phan Đình Phùng, Trần Phú… gây cản trở cho người và phương tiện lưu thông.
Công nhân Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định xử lý ngập cục bộ trên đường Trần Hưng Đạo trong đợt mưa lớn cuối tháng 7-2024. |
Mặc dù là một trong những đô thị được đánh giá làm khá tốt về công tác thoát nước song trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tuyến đường, khu vực dễ bị ngập khi có mưa to. Để nâng cao khả năng thoát nước đô thị, ứng phó hiệu quả với các tình huống diễn biến bất thường của thời tiết, những năm qua, thành phố Nam Định đã chủ động đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp hạ tầng đô thị, thoát nước của hàng loạt tuyến đường, phố. Trong năm 2023, thành phố Nam Định đã hoàn thành thi công 6 công trình do UBND thành phố làm chủ đầu tư; trong đó có dự án cải tạo hè đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Trần Nhân Tông) với tổng mức đầu tư 28,3 tỷ đồng. Cùng với đó là các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, phố Hàn Thuyên (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Phù Nghĩa), Hoàng Văn Thụ, Hàng Đồng, Nguyễn Trãi, Bạch Đằng… cũng được thành phố hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những tháng đầu năm 2024, thành phố đã hoàn thành thi công hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp hè đường: Bắc Ninh (đoạn Lê Hồng Phong - Hai Bà Trưng), Trần Quốc Toản (đoạn từ Phạm Hồng Thái - Trần Hưng Đạo), Vị Xuyên, Nguyễn Hiền (đoạn từ đường Trần Đăng Ninh đến ngã 6 Năng Tĩnh), Trần Phú (đoạn từ Hoàng Diệu đến ngã 6 Năng Tĩnh), hai bên tượng đài Trần Hưng Đạo và trong khuôn viên công viên Vị Xuyên mở rộng, cải tạo, nâng cấp một số đảo giao thông và đài phun nước công viên Vị Xuyên mở rộng... Đang tiếp tục triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án cải tạo, nâng cấp đường Hàng Sắt, Bến Ngự; cải tạo, nâng cấp hè các tuyến đường: Văn Cao (đoạn từ ngã 6 Năng Tĩnh đến đường Song Hào), Trần Nhật Duật, đường Phù Nghĩa (đoạn từ đường Hàn Thuyên đến đường Trường Chinh) và Hàn Thuyên (đoạn từ đường Phù Nghĩa đến đường Thái Bình)... Với các dự án cải tạo hè, đường, hệ thống thoát nước đã hoàn thành và đang được triển khai đảm bảo tiến độ không chỉ góp phần thay đổi cảnh quan đô thị thành phố Nam Định theo hướng văn minh, hiện đại mà còn giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa lớn ở một số tuyến đường, phố.
Bên cạnh đó, để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu mùa mưa bão, UBND thành phố Nam Định đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định xây dựng kế hoạch, tổ chức trực 100% quân số trong những ngày thời tiết có những diễn biến bất thường, đặc biệt là ứng phó hiệu quả với tình hình ngập úng cục bộ ở một số trọng điểm. Trong trận mưa lớn đêm 23/7/2024 do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 2; từ 5 giờ sáng Công ty đã cử cán bộ, nhân viên trực tiếp đến các điểm ngập sâu, mở nắp cống tháo nước. Do vậy, ở một số điểm trũng, thấp của thành phố vốn trước đây “chỉ cần mưa là ngập” như: khu vực chân cầu Đò Quan; đường Văn Cao và khu vực ngã 6 Năng Tĩnh; ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Trường Chinh nay đã được cải thiện đáng kể. Chị Nguyễn Thị Thảo làm việc trong cơ quan có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, ngay sát khu vực chân cầu Đò Quan cho biết: “Có lẽ trong toàn thành phố, khu vực trũng nhất, ngập nhanh nhất mỗi khi trời mưa là ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng - Hàng Thao - cầu Đò Quan. Có những trận mưa lớn, khu vực này thường xuyên ngập từ 40-50cm hoặc cao hơn và phải cả buổi nước mới rút; người và phương tiện qua lại khu vực này trong những ngày mưa ngập vô cùng vất vả; nhiều người đi xe máy cố tình chạy qua điểm ngập đã bị chết máy, phải gọi cứu hộ. Sau khi thành phố hoàn thành cải tạo hè đường Trần Hưng Đạo, trong đó có hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước, tình hình ngập tại khu vực này đã cải thiện đáng kể. Trong trận mưa lớn đêm 23/7 vừa qua, khu vực chân cầu Đò Quan hầu như không bị ngập, người và phương tiện lưu thông thuận tiện, an toàn”.
Không chỉ tại khu vực chân cầu Đò Quan, nhờ các dự án cải tạo hè đường được thành phố triển khai thực hiện và hoàn thành trước mùa mưa bão đã cải thiện tối đa chất lượng môi trường sống của nhiều hộ dân trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Nam ở đường Văn Cao (đối diện cổng chợ Năng Tĩnh) cho biết: “Trước đây, mỗi khi trời mưa to là các hộ dân sống hai bên đường rất khổ, nước ngập tràn qua vỉa hè, mỗi khi có ô tô chạy qua là nước tràn vào cả nhà. Một số nhà cũ, làm từ lâu, nền thấp, không có điều kiện cải tạo nâng nền nên cứ trời mưa là phải đắp bao cát chặn nước. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, kể cả trận mưa lớn vừa qua khu vực đường Văn Cao và ngã 6 Năng Tĩnh thoát nước tương đối tốt. Mưa nhỏ, thời gian ngắn thì hầu như không ngập; nếu mưa lớn kéo dài thì cũng chỉ ngập mấp mé vỉa hè và nước cũng rút nhanh, sau khi tạnh mưa khoảng 30 phút là nước rút hết”.
Để nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước, ứng phó với tình trạng thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, UBND thành phố Nam Định; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước bảo đảm hoạt động, khả năng tiêu thoát nước; tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không lấn chiếm, xả rác, xây bít cống, cửa ghi tiêu nước. Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định tập trung huy động lực lượng tổ chức duy tu, nạo vét bùn trên các tuyến cống, hố ga, vớt bèo, rác cửa xả, nhặt thu gom phế thải và làm cỏ mái kênh tiêu, tăng tiết diện dòng chảy để tăng năng lực thoát nước. Bảo dưỡng, vận hành trạm bơm, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để vớt bèo, rác tại các trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột; thực hiện bơm tiêu nước đệm và duy trì mực nước thấp tại 2 trạm bơm tiêu này, đồng thời chủ động điều tiết nước bằng phai cống từ sông Vĩnh Giang ra, vào các tuyến kênh, mương, cống của thành phố. Phân công lực lượng thường trực để mở nắp cống ga nhằm tăng khả năng thu và tiêu nước nhanh; phát hiện và xử lý sớm những điểm bị tắc cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Tiếp tục rà soát các quy hoạch thoát nước bảo đảm hướng tuyến, lưu lượng thoát nước làm cơ sở triển khai nghiên cứu, thực hiện các dự án đầu tư nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thoát nước mưa, nước thải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, ưu tiên kiểm soát ngập cho khu vực trọng điểm, có giải pháp ứng phó với mưa lớn như các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: Tràng Thi và Trần Quốc Toản (đoạn từ đường Hà Huy Tập đến đường Hoàng Hoa Thám); Chu Văn; Ngô Gia Tự (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Trường Chinh); Lương Văn Can; Đông Mạc (đoạn từ đường Ngô Tất Tố đến đường Huỳnh Tấn Phát); Nguyễn Văn Cừ; các tuyến Hoàng Diệu, Năng Tĩnh, Nguyên Hồng và đường Phan Đình Giót (đoạn từ đường Nguyên Hồng đến đường Hoàng Diệu); nâng cấp tuyến đường kênh thoát nước Mạ Điện (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Nguyễn Bính).
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin