Tròn 18 tuổi, anh Phạm Văn Thế, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) tham gia hiến máu nhân đạo lần đầu. Từ đó cho đến nay, anh Thế đã có trên 60 lần hiến máu, trở thành người hiến máu tình nguyện nhiều nhất tỉnh. Chia sẻ về hành động của mình, chàng trai trẻ cho biết: “Với tôi, câu nói “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại” thật thấm thía, ý nghĩa. Vậy nên còn sức khỏe là tôi còn đi hiến máu. Tôi cũng mong sẽ tiếp tục vận động được nhiều người tham gia hiến máu để giúp đỡ những bệnh nhân cần máu lúc nguy cấp”.
Anh Phạm Văn Thế, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) được vinh danh là một trong số 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội. |
Tốt nghiệp THCS, do điều kiện hoàn cảnh gia đình, Phạm Văn Thế rời quê lên Hà Nội kiếm sống. Lên thủ đô, Thế thuê nhà ngay sát Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. “Ở cạnh Viện Huyết học là “cơ duyên” đầu tiên dẫn tôi đến với hành trình tham gia hiến máu tình nguyện sau này. Hàng ngày, tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân cần máu để cấp cứu, điều trị tại Viện. Tôi còn thường xuyên được nghe qua hệ thống loa truyền thanh của Viện tuyên truyền về hoạt động hiến máu nhân đạo cũng như ý nghĩa, tác dụng… của hiến máu. Những điều đó rất tự nhiên giúp tôi nhận thức được giá trị của “mỗi giọt máu cho đi”, thể hiện nghĩa cử cao đẹp giữa người với người. Vì vậy, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi đã quyết định đi hiến máu”, anh Thế chia sẻ. Cũng theo anh Thế, những năm đó, phong trào hiến máu chưa được quan tâm như bây giờ, số lượng người tham gia hiến máu cũng ít hơn, phần lớn do tâm lý lo sợ hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên anh Thế lại có suy nghĩ hoàn toàn khác: “Hiến máu không gây hại cũng không mất nhiều thời gian. Hiến máu thường xuyên còn giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, đảm bảo sức khoẻ. Đặc biệt, điều lớn lao mà tôi nhận lại sau mỗi lần hiến máu là cảm giác lạc quan, yêu đời hơn vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng, giúp cho những người bệnh đang cần được truyền máu tiếp tục duy trì sự sống”, anh Thế cho biết thêm.
Sau lần hiến máu đầu tiên, anh Thế đã tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến hiến máu nhân đạo, tác dụng của việc hiến máu đối với sức khỏe, ý nghĩa xã hội của việc hiến máu... Và càng tìm hiểu, anh càng cảm nhận được ý nghĩa tích cực, nhân văn của việc hiến máu, mong muốn được hiến máu nhiều lần hơn. Đến nay, trung bình mỗi năm anh Thế đều đặn tham gia hiến máu từ 3-4 lần. Ngoài tích cực tham gia các hoạt động hiến máu thường kỳ, anh Thế hiện còn đăng ký số điện thoại của mình tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình nguyện làm “Ngân hàng máu sống” sẵn sàng hiến máu khi người bệnh cần gấp. Cũng không hiếm những lần giữa đêm hôm, đầu giờ sáng, trong giờ làm việc, anh bỏ hết mọi công việc, giờ nghỉ ngơi để vào viện hiến máu khi bệnh viện cần. Do tính chất công việc cơ động, anh Thế còn thường xuyên tham gia hiến máu ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. “Đi làm, đi công tác, đi thăm người ốm, thậm chí đi chơi, biết ở đâu tổ chức hiến máu hoặc bệnh viện nào cần máu, tôi đều đến, không nề hà. Đối với tôi, điều quan trọng hơn cả là những giọt máu của mình đã kịp thời giúp cho ai đó cần”, anh Thế khẳng định.
Ngoài việc trực tiếp tham gia hiến máu nhân đạo, anh Phạm Văn Thế còn là một tuyên truyền viên tích cực đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp… cùng tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Để công tác hiến máu lan tỏa đến nhiều người hơn, anh còn thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin về hiến máu, lịch trình hiến máu cũng như giải đáp mọi thắc mắc của người dân về hoạt động hiến máu nhân đạo trên facebook, zalo của mình, góp phần lan toả rộng rãi phong trào hiến máu đến cộng đồng. Mỗi đợt hiến máu, anh thường vận động được từ 3-4 người thân, bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng... Từ năm 2023 đến nay, anh đã vận động được gần 200 lượt người hiến máu tình nguyện. Hành động đẹp của anh Thế đã “truyền lửa” đến nhiều người. Nguyễn Thị Việt Nga, sinh viên Trường Đại học Điều Dưỡng Nam Định cho biết: “Em đã gặp anh Thế nhiều lần trong các chương trình hiến máu tình nguyện do Ban Vận động hiến máu tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức. Mỗi lần đến hiến, anh không chỉ hiến số lượng máu lớn mà còn tranh thủ thời gian tuyên truyền, vận động, chăm sóc những người hiến máu khác. Có những lần em còn bắt gặp anh đi hiến máu với khoảng cách tương đối gần nhau. Thấy anh nhiệt tình như vậy, những người trẻ như chúng em cũng được “truyền lửa” theo”.
Vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa là người tích cực cổ vũ tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, anh Phạm Văn Thế trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo. Nhận xét về hành trình hiến máu không ngừng nghỉ của anh Thế, đồng chí Phạm Minh Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh khẳng định: “Anh Phạm Văn Thế là một tấm gương tiêu biểu, luôn tiên phong, tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh. Với trên 60 lần sẵn sàng “sẻ giọt máu đào” để “trao niềm hy vọng” cho những người bệnh cần truyền máu, việc làm của anh Thế không phải ai cũng có thể làm được”. Ghi nhận những thành tích của anh trong công tác hiến máu nhân đạo, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Tỉnh Hội Chữ thập đỏ đã tặng anh nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương… Tháng 6/2024, anh vinh dự được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vinh danh là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.
Tạm biệt anh Phạm Văn Thế trong một buổi trưa tháng 8 đầy nắng, chúng tôi hỏi anh có mong muốn, nhắn nhủ gì không, anh cho biết: “Khoa học hiện đại không thể sản xuất được máu, vì vậy máu từ người hiến là nguồn duy nhất để giúp những người bệnh cần truyền máu được điều trị, cấp cứu kịp thời. Tôi mong mọi người, nhất là các bạn trẻ cần hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện. Để rồi, mỗi giọt máu hồng đó từng phút, từng giờ mang theo tình yêu thương từ trái tim truyền đến trái tim, “trao đời sự sống”, lan toả những điều tốt đẹp, nhân văn trong xã hội”.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin