Quan tâm đào tạo nghề cho hội viên khiếm thị

08:23, 07/08/2024

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 cán bộ, hội viên Hội Người mù (HNM), trong đó có 2.600 người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em khiếm thị đang trong độ tuổi đến trường. Những năm qua, HNM tỉnh luôn chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp người khiếm thị phát huy khả năng lao động, có thu nhập ổn định, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Lớp học chữ nổi cho trẻ em khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức.
Lớp học chữ nổi cho trẻ em khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức.

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy chữ, dạy nghề, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, HNM tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên, lựa chọn, giới thiệu các hội viên của Hội tham gia các lớp đào tạo nghề do HNM Việt Nam tổ chức. Hàng năm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HNM tỉnh) đã tổ chức lớp học chữ nổi và tin học văn phòng nâng cao cho hội viên HNM các huyện, thành phố. Mặc dù Trung tâm vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng với tâm huyết và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tích cực hỗ trợ, giáo dục, động viên hội viên nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Nghề xoa bóp, tẩm quất được xem là một trong những việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe của người khiếm thị, vì vậy HNM tỉnh luôn chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề xoa bóp, tẩm quất cho nhiều hội viên, giúp họ cải thiện đời sống. Đến nay, toàn tỉnh có 4 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do HNM tỉnh quản lý, gần 50 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên làm chủ, thu hút khoảng 800 hội viên tham gia. Anh Trần Anh Văn, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HNM tỉnh) chia sẻ: “Bản thân tôi là người khiếm thị nên hiểu những thuận lợi, khó khăn của các học viên khi làm nghề tẩm quất. Do trình độ của các học viên khác nhau, có người đã làm nghề lâu năm, có người mới bắt đầu vào nghề nên trong quá trình giảng dạy, tôi sẽ nhắc lại những kiến thức cơ bản của nghề tẩm quất để tất cả học viên cùng ôn lại, cùng hiểu và thực hành những kỹ năng mới. Các học viên đều rất chăm chỉ, hào hứng, say mê nên không khí lớp học rất sôi nổi, hiệu quả học tập cũng cao hơn”. Hàng năm, Hội tổ chức các cuộc thi, các lớp học nâng cao tay nghề cho hội viên, trong đó Hội thi tẩm quất, xoa bóp dành cho hội viên HNM các huyện và thành phố năm 2024 thu hút 11 thí sinh là hội viên có tay nghề đến từ 10 HNM các huyện, thành phố trong tỉnh. Các thí sinh trải qua 2 phần thi gồm: phần thi lý thuyết và thực hành xoa bóp, bấm huyệt. Qua Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp đã bồi dưỡng các kỹ thuật viên xoa bóp tẩm quất, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về nghề xoa bóp tẩm quất của người mù, quan tâm phát triển nghề trong cộng đồng người mù ở địa phương; đồng thời để HNM tỉnh lựa chọn thí sinh tham gia Hội thi tay nghề tẩm quất xoa bóp toàn quốc do HNM Việt Nam tổ chức trong năm 2024. Anh Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch HNM huyện Vụ Bản đoạt giải Nhất hội thi, chia sẻ: “Tham gia cuộc thi là dịp để tôi rèn luyện kỹ năng, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, vừa là dịp để tôi được gặp thêm nhiều người có cùng hoàn cảnh, để giao lưu, trao đổi, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong nghề và cuộc sống”.

Bên cạnh đó, HNM tỉnh đã tích cực chủ động tìm kiếm, tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm để giúp đỡ cho hội viên có việc làm, thu nhập ổn định. Các cấp hội đã đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế từng bước xóa đói, giảm nghèo. Các hội viên đều vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, hoàn trả gốc lãi đúng thời gian quy định. Nhiều hội viên HNM mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi, tạo việc làm, xây dựng được nhà ở, mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt, nuôi dạy các con trưởng thành. Tiêu biểu như các hội viên Trần Thanh Tâm, Phạm Thị Hạnh, hội viên HNM Ý Yên với doanh thu bình quân mỗi tháng từ 40-45 triệu đồng; Hội viên Trần Thị Nhung, HNM Nam Trực đã tự mở cơ sở bấm huyệt tại nhà, tạo công ăn việc làm cho 5 hội viên với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; cơ sở xoa bóp bấm huyệt của chị Phạm Thị Ngà, hội viên HNM huyện Giao Thủy tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 3,5-4 triệu đồng/người/tháng…

Phát huy những kết quả đạt được, HNM tỉnh tiếp tục vận động hội viên, phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, giúp người khiếm thị có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để nhiều người khiếm thị có điều kiện học nghề, vươn lên có cuộc sống ổn định.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com