Sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiềm ẩn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi với “muôn hình vạn trạng”. Đối tượng thường lợi dụng lòng tham, niềm tin hoặc sự sợ hãi của người bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Người dân cần cẩn trọng, tránh bị lợi dụng, lừa đảo khi dùng các trang mạng xã hội. |
Thực tế, chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội. Số vụ việc nạn nhân tố cáo với cơ quan công an và cơ quan chức năng cũng rất ít bởi số tiền bị chiếm đoạt không quá lớn hoặc có những người “vì ngại”, xấu hổ nên không dám trình báo cơ quan chức năng. Lợi dụng thực tế này, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lừa đảo những người “nhẹ dạ” trên môi trường mạng internet. Chị Nguyễn Thị Thủy, ở huyện Nam Trực được 1 tài khoản facebook lạ nhắn tin giới thiệu công việc làm trên mạng với yêu cầu đơn giản là chị chỉ cần xem các clip quảng cáo sản phẩm là hoàn thành nhiệm vụ. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ chị sẽ nhận được phần thưởng là tiền qua tài khoản ngân hàng cá nhân; những lần sau, mức tiền thưởng sẽ cao hơn lần trước đó. Vì thấy “việc nhẹ lương cao” nên chị Thủy đã tìm hiểu thêm thì được đề nghị cung cấp thêm số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tên chủ thẻ, tên ngân hàng… Được nghe nhiều trường hợp cung cấp thông tin cá nhân bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản nên chị Thủy không trả lời lại và chặn ngay tài khoản facebook trên. Không may mắn như chị Thủy, anh Trần Văn Hải ở thành phố Nam Định vì nhẹ dạ nên đã bị lừa số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh cũng được 1 tài khoàn facebook lạ gửi cho một đường link truy cập và hướng dẫn cài đặt app (ứng dụng). Theo đó, việc của anh là thanh toán số tiền trên hóa đơn trong app yêu cầu. Sau khi hệ thống báo nhận tiền thì số tiền gốc và lãi từ 20-40% tiền gốc sẽ được trả lại vào tài khoản. Làm theo lời hướng dẫn, lần đầu tiên anh chuyển tiền thì nhanh chóng nhận lại được cả tiền gốc và lãi. Lần thứ 2, thứ 3 cũng thế. Mỗi lần số tiền cần thanh toán lại lớn hơn. Đến lần thứ 4 chuyển tiền đi nhưng không nhận được tiền trả lại, anh liên hệ lại tài khoản facebook trên thì nhận được câu trả lời đợi hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo sẽ trả gộp luôn một lần. Vì muốn lấy lại được tiền nên anh đã nhiều lần chuyển thêm số tiền hàng trăm triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau nhưng không thấy hồi âm.
Theo các cơ quan chức năng, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Thế nhưng các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng mua lại của người khác, địa bàn hoạt động chủ yếu ở nước ngoài nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, tố giác các đối tượng sẽ xóa dữ liệu, hủy thiết bị, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định đối tượng phạm tội cũng như quá trình củng cố, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều đơn vị, địa phương đã quán triệt, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân trên địa bàn nắm, hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đặc biệt, trước thông tin cảnh báo một số đối tượng mạo danh cán bộ Công an gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử VNeID giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID hoặc kích hoạt tài khoản định danh điện tử từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và Cửa hàng CH Play (đối với hệ điều hành Android), chỉ thực hiện kích hoạt tài khoản trên ứng dụng VNeID hoặc địa chỉ https://vneid.gov.vn. Không chia sẻ thông tin tài khoản định danh điện tử cho người khác (mật khẩu ứng dụng, mật khẩu tài khoản định danh điện tử, mã OTP, passcode truy cập ví giấy tờ trên ứng dụng VNeID), chỉ xuất trình các thông tin trên khi được lực lượng chức năng có thẩm quyền yêu cầu, tuyệt đối không xuất trình hoặc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin giấy tờ cho các đối tượng lạ mặt, không phải cán bộ hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, không bật chế độ cài ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại hoặc tự ý cài đặt các ứng dụng rác, phần mềm gián điệp, có nguy cơ gây mất an toàn cho thiết bị. Tuyệt đối không cấp quyền truy cập vào camera, hình ảnh, danh bạ, tin nhắn, vị trí, trợ năng trên điện thoại cho các ứng dụng lạ, không chính thống; không chuyển tiền cho người lạ; không đăng nhập vào các đường link lạ; không tham gia các hoạt động thực hiện nhiệm vụ mua bán hàng online trên các trang thương mại điện tử khi chưa có hiểu biết đầy đủ. Không cung cấp mã OTP của mình cho người khác; không cung cấp bất kì nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác; không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền, chứng minh tài chính, nộp phạt trên mạng xã hội, qua zalo. Với tất cả các thông tin nhờ chuyển tiền, vay tiền, bình chọn... đều cần phải xác minh lại qua số điện thoại; hạn chế tối đa trường hợp bị tội phạm tiếp cận và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo cần thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin