Một lòng sắt son với Đảng

09:00, 30/08/2024

Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), chúng tôi có dịp gặp 2 đảng viên cao tuổi Đảng. Điểm chung giữa những con người “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu) là tinh thần yêu nước, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, nguyện một lòng sắt son với Đảng.

Ông Trần Văn Toàn (bên phải) phường Hạ Long (thành phố Nam Định) kể về những kỷ niệm trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, công tác.
Ông Trần Văn Toàn (bên phải) phường Hạ Long (thành phố Nam Định) kể về những kỷ niệm trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, công tác.

Trong căn nhà nhỏ của đảng viên Trần Văn Toàn, sinh năm 1937, 65 năm tuổi Đảng ở số nhà 9E, Ô 19, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) những ngày này rộn rã niềm vui. Trong câu chuyện, ký ức của ông đã đưa chúng tôi về với những năm tháng thanh xuân tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi. Năm 1952, khi mới qua tuổi 15 được vài tháng, ban ngày ông Toàn sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Thanh niên, làm du kích, buổi tối tranh thủ thời gian tham gia dạy học tại các lớp bình dân học vụ ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) quê ông. Nhớ lại khoảng thời gian này ông Toàn kể: “Thời đó gian khổ, nguy hiểm lắm nhưng thanh niên chúng tôi ai cũng đều nhiệt huyết như vậy. Tôi nhớ nhất là những lớp học “tạm” được dựng lên ở khắp nơi trong xã, dưới những mái nhà tranh đơn sơ, ẩn sau gốc cây to, trong đình làng hoặc bất cứ chỗ nào có thể ngồi được. “Học sinh” thì đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Vì thiếu thốn, học cụ của các lớp thường được tận dụng từ đồ dùng hàng ngày. Chúng tôi dùng chõng tre làm bàn, bảng có khi là bức tường, cánh cửa hay tấm phản dựng lên. Gạch non, than củi và đất sét làm phấn, bút là thân cỏ vót nhọn, lấy “mực” từ bất cứ hoa và cây gì có thể ra màu”… Khó khăn là thế nhưng cũng theo ông Toàn, những năm đó, tinh thần học tập của người dân trong các làng, xã rất cao. Ông kể thêm: “Các lớp bình dân học vụ xuất hiện nhiều “như nấm sau mưa” trong các thôn xóm. Đến đêm, hàng nhóm người kéo đến đình làng để tham dự lớp học. Đối với chúng tôi, chiến thắng giặc dốt cũng là ghi công cho Tổ quốc trong cuộc cách mạng này. Do đó, ai cũng yêu, có trách nhiệm với công việc của mình. Chỉ trong vòng vài tháng, hầu hết dân làng đều thuộc bảng chữ cái và háo hức học thêm”. Tham gia dạy lớp bình dân học vụ một thời gian, ông Toàn sau đó được làm giáo viên chính thức tại Trường cấp I, xã Mỹ Hà rồi Trường Bồi dưỡng Văn hoá cán bộ huyện Mỹ Lộc. Năm 1960, ông Toàn được kết nạp Đảng. Từ năm 1965 đến năm 1967, ông làm cán bộ tài chính Văn phòng huyện Mỹ Lộc rồi cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Nam Hà, Ban Nông nghiệp tỉnh Nam Hà, chuyên viên Uỷ ban Nông nghiệp Hà Nam Ninh, tham gia đoàn chỉ đạo điểm cơ giới hoá huyện Nam Ninh… Tháng 1/1988, ông quay lại với bục giảng, là giáo viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Hà Nam Ninh cho đến khi về hưu. 

Về nghỉ hưu, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, ông Toàn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại phường, tổ dân phố. Theo đó, ông có nhiều nhiệm kỳ là tổ trưởng, phó bí thư chi bộ rồi bí thư chi bộ Tổ dân phố số 24 (nay là Tổ dân phố số 5). Ở cương vị nào ông cũng luôn phát huy tốt vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố. Ghi nhận những đóng góp tích cực, ông Toàn đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Bằng khen thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy hiệu Bình dân học vụ, “Chiến sĩ diệt giặc dốt”, Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn…

Hàng ngày ông Nguyễn Khắc Đình, đường Trần Cao Vân, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) vẫn đọc báo, cập nhật tin tức địa phương.
Hàng ngày ông Nguyễn Khắc Đình, đường Trần Cao Vân, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) vẫn đọc báo, cập nhật tin tức địa phương.

Đảng viên 76 năm tuổi Đảng Nguyễn Khắc Đình, sinh năm 1929, trú tại đường Trần Cao Vân, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định). Từ năm 1946 đến năm 1948, ông tham gia Ban chấp hành rồi đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Tiến (Ý Yên). Ngày 30/11/1948, ông chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong các năm 1948-1951, ông Đình là phó bí thư chi bộ xã, cán bộ văn phòng Huyện uỷ Ý Yên. Năm 1951, trong một lần tham gia hoạt động du kích, ông Đình bị giặc Pháp bắt giam 9 tháng. “Hồi ấy mặc dù nhỏ con nhưng tôi “gan” lắm. Giặc Pháp tràn vào làng càn phá, chúng tôi kiên cường bám trụ, giữ vững địa bàn, phối hợp với bộ đội đánh Pháp”, ông Đình kể. Bắt được ông Đình, giặc Pháp đưa ông về giam tại nhà tù Máy Chai (thành phố Nam Định). Tại đây, ông Đình liên tục bị hỏi cung, tra tấn bắt khai ra tên, tuổi những đồng chí đã tham gia hoạt động du kích cùng, các cơ sở cách mạng. 9 tháng trong tù giam, tôi không đếm hết những trận đòn “thừa sống thiếu chết”. Tuy nhiên, trước mọi đòn roi của kẻ thù, tôi cương quyết thực hiện “3 không” (không biết, không nghe, không thấy), ông Đình kể tiếp. Không khai thác được thông tin, giặc Pháp buộc phải thả ông. Ra tù, ông Đình nung nấu thêm quyết tâm đánh giặc, giải phóng quê hương, đất nước. Chính vì vậy, ông càng tích cực tham gia hoạt động cách mạng hơn. Kiên trung, nhiệt tình, khéo léo trong thực hiện các nhiệm vụ mà tổ chức giao phó, ông Đình được Đảng tín nhiệm, giao các trọng trách quan trọng. Ông từng kinh qua các chức vụ Trưởng Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ý Yên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nam Định, Nam Hà, Hà Nam Ninh; Tỉnh ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Nam Ninh…. Ở cương vị nào, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, ông Đình đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những đóng góp của đảng viên Nguyễn Khắc Đình, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước…

Ấn tượng đọng sâu đậm trong chúng tôi về những đảng viên “cao tuổi Đảng” là tinh thần kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng, đảng viên kiên trung, họ đã đóng góp tuổi xuân, trí tuệ, công sức để dựng xây, bảo vệ đất nước. Những đảng viên “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng” ấy là “nhân chứng sống” truyền lửa, khơi dậy niềm tự hào cho các thế hệ tiếp theo trên hành trình viết tiếp những trang sử mới vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam Anh hùng, bất khuất.

Bài và ảnh: Hoa Quyên


Từ khóa:

Một lòng sắt son

với Đảng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com