Những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp kiên trì thực hiện công tác truyền thông và thông tin đối ngoại (TTĐN) tại khu vực biên giới biển, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển trên địa bàn tỉnh.
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Trường THCS Giao Lạc (Giao Thủy). |
Tuyến biên giới biển của tỉnh dài 72km với 13 nghìn ha rừng đặc dụng ngập mặn, hàng nghìn ha bãi bồi, 4 cửa sông lớn. Địa bàn khu vực biên giới biển gồm 19 xã, thị trấn của 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, không chỉ có tiềm năng khai thác phát triển kinh tế mà còn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại của tỉnh và khu vực. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chương trình phối hợp giữa Sở TT và TT và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Nam Định chung sức, chung lòng bảo vệ biển, đảo”; tổ chức trình chiếu triển lãm số 3D về chủ đề biển, đảo; tọa đàm trao đổi về bảo vệ chủ quyền biển, đảo giữa các nhân chứng lịch sử, cán bộ, văn nghệ sĩ với học sinh tại 3 huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; lồng ghép tuyên truyền TTĐN với các hoạt động quảng bá hình ảnh quê hương, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, nét văn hoá đặc sắc của tỉnh đến bạn bè và du khách.
Với vai trò là cơ quan định hướng thông tin tuyên truyền và quản lý cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, Sở TT và TT chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, đảo đến bà con ngư dân nói riêng và nhân dân nói chung. Xây dựng tủ sách, xuất bản ấn phẩm TTĐN và phát hành các tài liệu tuyên truyền; tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ văn hoá; tập huấn công tác TTĐN cho cán bộ chuyên trách, lãnh đạo chủ chốt, người phát ngôn của chính quyền các địa phương khu vực biên giới biển.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với chính quyền các xã khu vực biên giới biển tổ chức tuyên truyền cho hàng nghìn lượt quần chúng nhân dân vùng ven biển về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Công ước, pháp luật quốc tế về biển, đảo; căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo pháp luật quốc tế; vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế khu vực biên giới biển. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tranh chấp trên biển, đảo để xuyên tạc, kích động, gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023 các đơn vị BĐBP đứng chân trên địa bàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; nắm chắc tình hình địa bàn; tham mưu, xử lý tốt các vấn đề về liên quan đến an ninh trật tự, tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm… tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các phương tiện nghề cá hoạt động trên các vùng biển và triển khai hiệu quả các đợt cao điểm phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng 36 mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn” với 557 phương tiện, hơn 1.360 thành viên; 27 tổ tự quản bến bãi với 695 thành viên tham gia. Đây là kênh thu thập thông tin quan trọng của ngư dân về các hoạt động vi phạm, nhất là hoạt động của các tàu thuyền nước ngoài, xâm phạm vào vùng biển nước ta, để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
Bên cạnh đó, các Đồn biên phòng nhận đỡ đầu 35 cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”; tổ chức tặng hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các đơn vị còn tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân nhân dân khu vực biên giới biển qua các chương trình “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản”; “Xuân biên cương - Tết hải đảo”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách...
Thời gian tới, 2 đơn vị tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Chú trọng tuyên truyền kết quả thực hiện Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 22/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và đẩy mạnh tuyên truyền về quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển kinh tế biển; Luật Biên phòng Việt Nam. Làm tốt công tác tuyên truyền định hướng tư tưởng dư luận nhân dân khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; đảm bảo xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin