Theo quy định từ năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), các trường mầm non không được dạy trước chương trình lớp 1, dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, trên thực tế, khi trẻ đang còn ở giai đoạn lớp 5 tuổi nhiều phụ huynh đã cho con tập đọc, rèn chữ trước cả năm để yên tâm khi vào lớp 1.
Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Quang Trung (Vụ Bản) trong một giờ học nhận biết hình khối. |
Ở các trường tiểu học trong tỉnh, thời gian này các em học sinh lớp 1 đã đến trường để làm quen với môi trường mới. Ngoài việc làm quen với thầy cô, bạn bè và được trang bị những kỹ năng, quy định ở trường tiểu học, các em bắt đầu được làm quen với sách vở, học cách cầm bút, viết nét… Tại nhiều trung tâm, nhóm lớp ở thành phố Nam Định còn tổ chức các lớp tiền tiểu học với các nội dung, trong đó có dạy chữ cho học sinh bậc mầm non, điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt. Tuy nhiên, một số giáo viên dạy lớp 1 ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho rằng, dù mới đến trường được ít buổi nhưng nhiều học sinh đã khá tự tin khi cô giáo cho làm quen với các nét, thậm chí nhiều em mạnh dạn phát biểu đã biết đọc rồi. Đây là hậu quả của việc phụ huynh cho con đi học trước chương trình trước khi vào lớp 1. Các em này thường ít bỡ ngỡ, rụt rè và ít vất vả hơn trong việc học. Tuy nhiên do không được dạy một cách bài bản, các em rất dễ mắc những lỗi về tư thế ngồi, cầm bút sai, phát âm... Từ đó, trẻ có thể bị vẹo lưng, cận thị và khiến trẻ dễ mỏi tay và điều này càng ảnh hưởng nhiều khi học lên các lớp trên. Đó là lý do tại sao không ít cô giáo tiểu học đã rất vất vả khi phải rèn lại cho các em. Chị Thanh Hồng, ở đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết: "Bé nhà tôi là con thứ hai nên rút kinh nghiệm tôi không cho con đi học thêm "tiền tiểu học" buổi nào. Con tôi học mẫu giáo trường công nên các cô giáo cũng chỉ dạy theo đúng quy định của Bộ GD và ĐT, không dạy trước chương trình. Tuy nhiên mới đi học được ít buổi tại trường tiểu học con tỏ vẻ lo lắng vì nhiều bạn nói rằng đã biết đọc, biết viết rồi”. Phần lớn giáo viên khi được hỏi đều có chung nhận xét, từ khi trẻ học sách giáo khoa chương trình mới, đa số các em trong lớp đã được học chữ trước, để biết những thứ cơ bản như bảng chữ cái, viết các nét vững, đánh vần các vần đơn giản, biết cộng trừ trong phạm vi 10. Tuy nhiên cũng có nhiều em được học trước đã biết đọc, biết viết nên khi học những bài mới ở lớp khá chủ quan. Vì vậy, phụ huynh có con sắp vào lớp 1, khi ở nhà chỉ cần cho con nhận biết bảng chữ cái, các chữ ghép đơn giản… kèm cho bé đọc được chữ ghép để sau nhớ lâu hơn. Mua cho bé vở tập tô hoặc những bộ chữ đồ chơi để con nhìn hình ảnh để nhớ chữ nhanh hơn.
Theo các chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục lớp 1 được thiết kế để giúp các em bước đầu làm quen với chữ viết và số học. Chương trình, sách giáo khoa mới nặng hay nhẹ là do giáo viên. Bởi các cô được giao quyền linh hoạt trong dạy học làm sao đảm bảo mục tiêu cần đạt cuối kỳ, cuối năm. Tất cả các tiết học của trẻ sẽ phải được tiến hành đầy đủ, cho dù học sinh đã biết chữ trước hay chưa. Thế nên, dù trẻ học trước hay không thì các bài học vẫn được diễn ra hoàn toàn từ đầu. Vào lớp 1 chính thức thì học kỳ 2, bé mới viết chính tả (nghe - viết). Khi bé đọc được thành thục thì mới viết chính tả tốt hơn nên giai đoạn "tiền tiểu học" không nên vội vã viết chính tả, như vậy là quá sớm. Hơn nữa hiện nay chương trình của Bộ GD và ĐT, lớp 5 tuổi được xây dựng rất khoa học. Các hoạt động được cụ thể hóa theo từng chủ điểm, chuyên đề phù hợp với năng lực, nhận thức của trẻ trong từng giai đoạn. Các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa để trẻ lớp 5 tuổi được làm quen với môi trường tiểu học như tham gia các buổi tham quan trường tiểu học, sinh hoạt ngoại khóa… để mở rộng hiểu biết, bổ sung kỹ năng ứng xử, giao tiếp; được giáo dục các nhóm kỹ năng chủ yếu như: Thực hiện các quy định về học tập, sinh hoạt; tự phục vụ bản thân; thực hiện các hoạt động theo yêu cầu, chỉ dẫn của giáo viên; tự nhận thức, bảo vệ bản thân và người xung quanh khi có sự cố; phối hợp theo nhóm với các bạn trong hoạt động học tập, vui chơi… Điều này có nghĩa, trẻ lớp 5 tuổi đã được chuẩn bị đủ các kiến thức, kỹ năng, thể lực, cách giao tiếp, ứng xử… Ở các trường mầm non, học sinh sẽ được học kỹ năng sống, là một trong những kỹ năng quan trọng để chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1. Nhà trường sẽ chú trọng rèn kỹ năng chào hỏi, tự phục vụ bản thân... chuẩn bị tâm thế, rèn thể lực, tạo thói quen chủ động, độc lập và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động học tập tại trường tiểu học; đồng thời trẻ được làm quen với chữ cái thông qua các hoạt động như: tập tô, nhận diện chữ cái… và phép toán trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi “thêm, bớt”… và một số hình đơn giản như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, chữ nhật. Các em biết hướng đọc và viết theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải; được trang bị các kiến thức về môi trường xã hội, tự nhiên, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, rèn nền nếp, ý thức cá nhân… Đây là nền tảng cho bé học theo kịp chương trình ở lớp 1.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều phụ huynh cho con học các lớp tiền tiểu học ở các trung tâm, nhóm lớp để làm quen với các bộ môn thể thao, các trò chơi vận động, kỹ năng ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự, kỹ năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân, kỹ năng tập trung, chú ý, kỷ luật, làm việc nhóm... Với chương trình học được xây dựng cụ thể, logic, khoa học gồm 8 lĩnh vực: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Việt, Kỹ năng sống, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Tin học và hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tăng cường năng lực giao tiếp tiếng Việt và tiếng Anh với các hoạt động nghe - nói được thiết kế theo chủ đề gần gũi với học sinh lớp 1 thông qua các bộ môn Tiếng Việt, Tiếng Anh... Chị Ngọc Vân ở đường Hàng Cau (thành phố Nam Định cho biết: “Khác với bậc mầm non, khi vào lớp 1 con sẽ phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, hoạt động học tập... Do đó, mình nghĩ con cần phải có thời gian thích ứng, làm quen với môi trường mới để con được rèn các kỹ năng giao tiếp, ghi nhớ, kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ bản thân... nên đã đăng ký cho con tham gia lớp "tiền tiểu học". Hiện tại con đã đi học hè tại trường tiểu học và khá tự tin”.
Với sự chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng của các trường mầm non, phụ huynh không cần nôn nóng cho con đi học thêm, học trước chương trình, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường để trẻ được giáo dục theo đúng chuyên môn, có đủ hành trang vững bước vào lớp 1.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin