Những năm qua, huyện Nam Trực đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Dạy kỹ năng sống cho học sinh tại Trường Tiểu học Nam Hồng (Nam Trực). |
Cùng với việc chỉ đạo tổ chức hội nghị học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW nghiêm túc, hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, ngành GD và ĐT huyện kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục trong Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng giai đoạn, từng năm, qua đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Đặc biệt, chỉ đạo ngành GD và ĐT huyện đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền Nghị quyết, gắn nội dung vào nhiệm vụ của đơn vị trong chỉ đạo chuyên môn, các buổi tập huấn, hội thảo, cuộc thi, hội thi và các phong trào thi đua. Qua đó đã phổ biến sâu rộng, tác động tạo chuyển biến nhận thức, tư tưởng đến mọi cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh, học sinh và đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ đó đồng thuận ủng hộ ngành trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT.
Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học toàn huyện đạt những kết quả tích cực. Hệ thống trường học các cấp cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hiện 100% các trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, 97% trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giáo viên các cấp học được chuẩn hóa, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với những điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực được chăm lo củng cố, hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD và ĐT, các nhà trường đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Các trường chủ động thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh: tăng cường sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Cụ thể, việc đổi mới chương trình và chuẩn hóa nội dung giáo dục mầm non (GDMN) theo hướng giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1. Việc đổi mới phương pháp dạy học tiểu học theo hướng hiện đại, chọn mô hình dạy học theo hướng mở, phù hợp từng môn học, lớp học; trong đó, tăng cường các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn thông qua các bài tập ứng dụng; đổi mới hình thức dạy học, đưa một số tiết học ra ngoài không gian lớp học; đổi mới các hoạt động giáo dục (tổ chức liên hoan phát triển năng lực; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ môn học; tổ chức các sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ”, Vioedu, Trạng nguyên Tiếng Việt, thi Kể chuyện về Bác Hồ..., góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường). Cấp THCS, các trường chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Việc đổi mới phương pháp dạy học thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức dạy học các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM theo tinh thần dạy học liên môn; xây dựng và dạy học các chủ đề STEM với nội dung bám sát nội dung chương trình của các môn học, học sinh được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua các hoạt động...
Các hình thức tổ chức trải nghiệm, tổ chức câu lạc bộ môn học, thể thao, nghệ thuật cũng được các nhà trường quan tâm phát triển, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng, sở trường, trong đó các nhà trường tổ chức trải nghiệm, hướng nghiệp dạy nghề thông qua mô hình giáo dục STEM cho học sinh với nhiều hình thức ở nhiều bộ môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Địa lí, Công nghệ... Qua đó đã phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong việc tham gia các hoạt động giáo dục.
Các nhà trường thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tại các nhà trường, nhiều lượt giáo viên đã ứng dụng CNTT trên lớp học và soạn bài giảng điện tử. Các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chuẩn bị các điều kiện để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Giáo viên các nhà trường đã tích cực tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử cấp tỉnh do Sở GD và ĐT tổ chức. Qua cuộc thi, việc đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT của giáo viên trong dạy học đã được nâng lên rõ rệt. Năm học 2023-2024, một số trường: Mầm non Nam Mỹ, Tiểu học thị trấn Nam Giang, THCS thị trấn Nam Giang, THCS Nguyễn Hiền, đã triển khai thí điểm sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu của VNPT và Smas của Viettel) hỗ trợ công tác quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hướng đến là người học; phần mềm quản trị nhà trường đã đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ GD và ĐT.
Cùng với đó, các đơn vị trường học thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh bám sát quan điểm chỉ đạo và các quy định, hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT về mục tiêu cần đạt của từng môn học (về kiến thức, kỹ năng, thái độ) của học sinh của từng cấp học. Việc đổi mới kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, THCS được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình rèn luyện trong suốt năm với kết quả thi, kiểm tra cuối năm học. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện ngày càng được khẳng định và giữ vững (kỳ thi học sinh giỏi lớp 8, 9 cấp tỉnh năm học 2022-2023, huyện đạt giải Nhất toàn đoàn; kỳ thi học sinh giỏi lớp 8, 9 cấp tỉnh năm học 2023-2024, đạt giải Nhì toàn đoàn).
Việc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT ở Nam Trực đã góp phần giữ vững thành tích nhiều năm liên tục trong tốp đầu tỉnh về chất lượng giáo dục. Nhiều năm liền ngành GD và ĐT huyện được Sở GD và ĐT đánh giá là đơn vị tiêu biểu xuất sắc, ở nhóm các đơn vị dẫn đầu khối Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố về chất lượng. 100% cơ sở GDMN thực hiện theo Chương trình GDMN sửa đổi; thực hiện có hiệu quả chuyên đề phát triển vận động; chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Khối trường tiểu học, hàng năm số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 99,7-100%, trong đó tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Có từ 99,93-99,95% số học sinh hoàn thành kết quả đánh giá các môn học, trong đó mức hoàn thành tốt đạt 71,6-87,5%. Học sinh được đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất xếp loại đạt trở lên chiếm tỷ lệ 99,8% trong đó xếp loại tốt là 99,3%-99,7%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS của huyện hàng năm đều đạt 100%. Chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 đại trà được giữ vững, số học sinh THCS đỗ vào các trường THPT công lập hàng năm đạt 80-85%, mỗi năm có khoảng 80-90 học sinh đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi duy trì đạt kết quả cao. Thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh trong 6 năm học gần đây, đoàn Nam Trực liên tục xếp trong tốp đầu (Nhất, Nhì, Ba). Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng, góp phần vào sự nghiệp GD và ĐT của huyện. Đến nay toàn huyện có 37.850 “Gia đình học tập” (đạt 66%); 585 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 224 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”; 105 đơn vị được công nhận đơn vị học tập, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin