Đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh an toàn, chất lượng

08:54, 23/08/2024

Một năm học mới lại bắt đầu, học sinh mầm non, tiểu học trong tỉnh chuẩn bị trở lại với những bữa ăn trưa, bữa xế (ăn nhẹ buổi chiều) tại trường sau kỳ nghỉ hè ăn cơm nhà. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn bán trú tại trường học đang là một trong những vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh cũng như toàn xã hội. 

Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non xã Hải Lý (Hải Hậu).
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non xã Hải Lý (Hải Hậu).

Trên địa bàn tỉnh có 327 trường học gồm: 229 trường mầm non, 89 trường tiểu học, 8 trường THCS, 1 trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Chuẩn bị cho năm học mới, nhiều trường học đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bếp ăn bảo đảm đủ các điều kiện về vệ sinh ATTP, thành lập tổ giám sát nhập thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Chị P.H.Q. ở ngõ 45 phố Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) năm nay có con vào học mầm non chia sẻ: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi trong năm học này là việc cho con ăn bán trú tại trường, bởi cháu hơi gầy và kén ăn. Do vậy, tôi rất mong việc tổ chức bữa ăn bán trú được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm để các bữa ăn cho các cháu đảm bảo chất lượng, đa dạng dinh dưỡng, sạch sẽ, an toàn. Có như vậy, phụ huynh như chúng tôi mới yên tâm làm việc khi con em học tại nhà trường”.

Mỗi khi bước vào năm học mới, cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ, các trường có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng, quan tâm thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo ATTP cho bếp ăn bán trú, hạn chế để xảy ra các sự cố về ATTP. Để bữa ăn bán trú đảm bảo an toàn, chất lượng, các nhà trường đã thực hiện nghiêm các tiêu chí quy định về an toàn trường học; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm nhập về sử dụng và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; tuân thủ quy trình giao - nhận, lưu mẫu theo quy định.

Tại Trường Mầm non xã Hải Lý (Hải Hậu), việc chăm sóc trẻ, nuôi ăn bán trú luôn được đặt lên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Kim Anh: Việc chăm sóc và chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển hài hòa, cân đối. Năm học 2024-2025, nhà trường tổ chức nuôi ăn bán trú cho 637 cháu. Về cơ sở vật chất, trường có 2 khu, 2 bếp ăn độc lập thuận tiện cho việc giao nhận, chế biến hợp vệ sinh. Mỗi bếp ăn đều có khu vực sơ chế thực phẩm riêng, bếp nấu riêng đảm bảo quy trình "bếp ăn một chiều". Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, đảm bảo đủ lượng, đủ chất, tỷ lệ giữa các chất cân đối, an toàn trong việc lựa chọn thực phẩm, nhà trường phối hợp với phụ huynh tìm các nhà cung cấp thực phẩm đủ năng lực đảm bảo để ký hợp đồng. Hàng ngày, phụ huynh được mời cùng tham gia tiếp nhận thực phẩm với nhà trường vào các buổi sáng để giám sát chất lượng thực phẩm giao nhận đảm bảo theo đúng hợp đồng đã ký kết. Phụ huynh cũng được mời tham gia công tác nấu ăn cho trẻ, dự giờ ăn của trẻ để góp ý kiến cho bữa ăn của trẻ hàng ngày được phong phú, hấp dẫn và chất lượng. Thực đơn được nhà trường thay đổi theo ngày, theo mùa; các món ăn không lặp lại trong 2 tuần, có trên 10 loại thực phẩm trong ngày. Mỗi bữa ăn của trẻ luôn đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm (đạm, đường, chất béo, vitamin). Ngoài ra nhà trường còn sử dụng sữa và các loại chế phẩm của sữa để tăng thêm calo cho trẻ. Thực phẩm nhập vào có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi. Khâu chế biến thức ăn luôn đảm bảo dinh dưỡng, ngon, hợp khẩu vị và ATTP. Trong quá trình làm việc, tất cả nhân viên bếp ăn đều thực hiện đầy đủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Khu vực bếp đảm bảo luôn sạch sẽ, gọn gàng, đồ dùng, dụng cụ luôn được tẩy trùng, phơi khô. Công tác vệ sinh, an toàn cho trẻ được ưu tiên hàng đầu. Đồ dùng cá nhân của trẻ như khăn mặt, ca, cốc uống nước được đánh dấu để trẻ nhớ và dùng riêng, thường xuyên được luộc bằng nước đun sôi để khử khuẩn. Các cô luôn chú ý rèn cho trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân, nên ở trường, tất cả học sinh mẫu giáo đều có ý thức tự kê bàn ghế cũng như thu dọn gọn gàng sau khi ăn, tự xúc ăn và ăn hết suất. Trước và sau bữa ăn, trẻ đều biết tự vệ sinh cá nhân một cách nền nếp. Nhà trường còn tận dụng diện tích trong khuôn viên để tổ chức trồng rau sạch vừa để học sinh trải nghiệm lao động, nhận biết quá trình và kết quả sinh trưởng của cây trồng, qua đó giáo dục trẻ biết quý trọng thành quả lao động do mình và cha mẹ làm ra. Các loại rau này còn được sử dụng trong bữa ăn bán trú, bảo đảm vệ sinh ATTP. Với sự chăm chút cho bữa ăn bán trú của trẻ như vậy nên nhiều năm qua, trường luôn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ. 

Tại Trường Tiểu học Cửa Nam (thành phố Nam Định), đơn vị mới đi vào hoạt động, nhà trường đã chú trọng có kế hoạch, giải pháp đảm bảo ATTP bữa ăn trường học. Trường đã thành lập ban quản lý bếp ăn bán trú, lên kế hoạch tổ chức bán trú, thành lập tổ giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà trường, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong tổ, phân công kiểm tra công tác bán trú theo tuần. Cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác bán trú đều tham gia tập huấn nghiệp vụ đầy đủ về công tác vệ sinh ATTP do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức và được cấp chứng nhận. Trường họp với Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp để lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm đảm bảo, có hồ sơ năng lực đủ điều kiện hoạt động về ATTP. Nhân viên phục vụ tại bếp có giấy khám sức khỏe, có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP. Hiện tại, bếp và nhà ăn của trường đã được xây mới đảm bảo rộng rãi, khang trang, sạch sẽ. Khu vực nhà bếp bố trí cách biệt khu ô nhiễm, thiết kế theo nguyên tắc "một chiều" từ khâu sơ chế, chế biến, chia thức ăn; có tủ lưu mẫu, dụng cụ lưu mẫu, dụng cụ thu gom rác thải có nắp đậy, có đủ bồn rửa, nước sát trùng tay và có tủ đẩy vận chuyển đến khu vực ăn của các lớp... Trường bố trí sổ ghi chép, sổ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đầy đủ, rõ ràng, đúng quy định. Bữa chính có đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đủ định lượng theo thực đơn bữa chính, bữa phụ...

Bước vào năm học mới, để có bữa ăn học đường vừa an toàn vừa đủ dinh dưỡng, các nhà trường đang nỗ lực bảo đảm cơ sở vật chất bếp ăn, nhà ăn bán trú và thực hiện nghiêm túc quy trình của bếp ăn bán trú theo quy định. Trong đó, các trường chú ý lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào, hướng tới mục tiêu vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. 

Việc làm tốt công tác tổ chức ăn bán trú cho học sinh sẽ góp phần đảm bảo ATTP trong các trường học, thực hiện tốt các mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và học sinh, hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và béo phì, đảm bảo học sinh có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực khi bước vào năm học mới.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com