Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (Sở LĐ-TB và XH), có chức năng thực hiện chính sách trợ giúp cho đối tượng xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống như trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi mất nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo, người khuyết tật đặc biệt nặng, người lang thang xin ăn, các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, phục hồi chức năng cho người tâm thần, dạy nghề, phục hồi về trí tuệ, khả năng giao tiếp cho trẻ khuyết tật còn khả năng lao động, còn khả năng tiếp thu nghề để hòa nhập cộng đồng.
Khám sức khỏe cho các đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. |
Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng; dạy nghề, phục hồi chức năng và thực hiện trợ giúp xã hội cho 254 đối tượng tại trụ sở chính ở huyện Xuân Trường (167 đối tượng) và cơ sở 2 ở thành phố Nam Định (83 trẻ em khuyết tật); quản lý tạm thời 4 đối tượng lang thang xin ăn. Với mục tiêu chăm lo, quản lý nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ, đúng quy định thời gian qua, Ban giám đốc Trung tâm đã triển khai, tổ chức và thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, viên chức, người lao động theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo”, gắn với tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Qua đó đã tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi trong đơn vị, khơi dậy và động viên tính chủ động sáng tạo, lương tâm, trách nhiệm nghề, phát huy kinh nghiệm, sáng kiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên, phát huy sức mạnh tập thể trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy nghề cho các diện đối tượng.
Trung tâm triển khai tốt việc tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng diện bảo trợ xã hội như trẻ em mồ côi, người tâm thần, ngươi già neo đơn, người lang thang xin ăn; dạy nghề, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đối với các diện đối tượng đang nuôi dưỡng và học nghề tại Trung tâm. Phân công cán bộ, chia ca kíp hợp lý đảm bảo thường trực 24/24 giờ trong ngày để quản lý, chăm sóc đối tượng. Đối với người già, người tàn tật nặng không tự phục vụ sinh hoạt của bản thân được, Trung tâm đã bố trí, sắp xếp, phân công cụ thể một số viên chức để thường xuyên chăm sóc. Đối với trẻ em đi học, đơn vị cử cán bộ đưa đón và hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập. Trung tâm còn cung cấp thông tin và hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội. Tất cả các đối tượng đều được chăm sóc điều trị bệnh, như: chăm sóc sức khỏe ban đầu; sử dụng thuốc để điều trị bệnh; sơ cứu khi cần thiết; trong trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền, đơn vị làm các thủ tục cho đi các tuyến bệnh viện để điều trị và cử cán bộ đi cùng quản lý, chăm sóc.
Trung tâm có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Đối với đối tượng là người tâm thần, được cấp thuốc điều trị hướng thần theo tuyến đúng quy định. Trung tâm tổ chức tư vấn đồng cảnh cho các diện đối tượng nhằm hỗ trợ về mặt tâm lý giữa những người đồng cảnh với nhau để họ lắng nghe nhau và cùng nhau chia sẻ và vơi bớt mặc cảm; tổ chức các hoạt động như thể dục buổi sáng để nâng cao thể chất, xem ti vi, giải trí... Một số đối tượng có sức khỏe được tổ chức cho lao động liệu pháp, như: trồng rau, quét dọn vệ sinh...
Thực hiện công tác quản lý, dạy nghề và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cơ sở 2, Trung tâm đã tổ chức chương trình dạy văn hóa, dạy nghề may và nghề mộc, phục hồi chức năng ngôn ngữ và thể chất cho đối tượng theo chương trình kế hoạch. Tổ chức thi kiểm tra, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tư vấn tìm việc làm cho đối tượng hết thời hạn được ra khỏi Trung tâm. Trung tâm phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật có khả năng lao động để nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu mong muốn và nguyện vọng học nghề của các em; khảo sát một số cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có đào tạo nghề nhằm đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương; thực hiện tư vấn, kết nối học và dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ ngay chính tại cơ sở đào tạo nghề nơi trẻ theo học. Khi tiếp nhận trẻ khuyết tật, Trung tâm cung cấp dịch vụ điều trị y tế ban đầu; phục hồi chức năng, trợ giúp trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng. Thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng trong và ngoài giờ, đảm bảo an toàn cho đối tượng và tài sản của đơn vị. Vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), Tết Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu…, Trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ cho các em và được đón nhiều tổ chức, đoàn thể trong, ngoài tỉnh đến thăm, tặng quà bánh kẹo, đồ chơi, quần áo, giầy dép.
Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách cũng như các chế độ tiêu chuẩn, định mức, quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế. Công khai, đơn giản hoá thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tăng cường đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác của cán bộ trong đơn vị. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của Trung ương, của tỉnh, trụ sở chính được xây dựng, đưa vào sử dụng các hạng mục công trình; tại cơ sở 2 thường xuyên sửa chữa nâng cấp; được đầu tư, mua sắm bổ sung trang bị, đồ dùng phương tiện dạy nghề và học văn hóa cho trẻ khuyết tật và đồ dùng sinh hoạt khác cho đối tượng.
Mặc dù gặp không ít những khó khăn, song với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ được nâng lên, đặc biệt là công tác điều trị bệnh đối với người tâm thần. Tiếp nhận kịp thời các đối tượng lang thang (cần bảo vệ khẩn cấp). Chất lượng công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có chuyển biến tích cực từ đó sức khoẻ của đối tượng được nâng lên. Chất lượng dạy nghề và phục hồi chức năng cho đối tượng được cải thiện tích cực, đảm bảo đúng theo các quy định, nâng cao sức khoẻ của đối tượng. Đối với người tâm thần, số lượng đối tượng lên cơn kích động giảm 60%; số bệnh nhân ổn định về bệnh lý đạt trên 80%; không xảy ra trường hợp đánh nhau giữa các đối tượng dẫn đến chết người hoặc gây thương tích. Đối với trẻ em khuyết tật, được học nghề, phục hồi chức năng, nhiều em đã tái hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm còn gặp một số khó khăn như: 2 cơ sở cách xa nhau nên đôi lúc gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đối tượng phục vụ, trợ giúp của Trung tâm đa dạng thành phần, lứa tuổi; trong đó người già cô đơn không nơi nương tựa do tuổi cao, sức yếu nên dễ xảy ra những tai biến, trí nhớ giảm sút. Công tác quản lý, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trẻ khuyết tật cũng gặp những khó khăn do các cháu ở nhiều dạng tật khác nhau đòi hỏi phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ giáo dục chuyên biệt và chương trình giáo dục khác nhau, nhận thức của nhiều cháu hạn chế, gia đình phần đa có hoàn cảnh khó khăn ít có điều kiện quan tâm. Đối tượng tâm thần nặng hay lên cơn kích động; việc điều trị, quản lý, nuôi dưỡng người tâm thần phân liệt - diện đối tượng phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác tuyển nhận trẻ em khuyết tật vào học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Trung tâm còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhất là cán bộ y tế chuyên khoa tâm thần và giáo viên giáo dục chuyên biệt và dạy nghề.
Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ tạo điều kiện của Trung ương, của tỉnh, đầu tư cơ sở vật chất. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, viên chức, người lao động, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều trị, nuôi dưỡng các diện đối tượng bảo trợ xã hội; dạy nghề, dạy văn hóa phục hồi chức năng, bổ sung chương trình giáo trình phù hợp với đối tượng trẻ khuyết tật; triển khai thực hiện tốt các hoạt động công tác xã hội trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin