Bài I: Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng thiếu bền vững
(Tiếp theo và hết)
Bài II: Giải pháp đồng bộ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Trên cơ sở các đánh giá, phân tích khách quan, thấu đáo về những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT); nguyên nhân thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) những tháng đầu năm 2024, đồng chí Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh yêu cầu, những tháng cuối năm, Ban ATGT tỉnh, các sở, ban, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh và UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT đã đề ra; thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm TNGT khi hoạt động giao thông được dự báo có xu hướng gia tăng, nhiều công trình mới được đưa vào khai thác.
Xóa lối đi tự mở trên địa bàn phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. |
Theo phân tích của Công an tỉnh, những tháng đầu năm 2024, trong số 145 vụ TNGT đường bộ, làm chết 77 người, bị thương 95 người, có 70 vụ va chạm giao thông làm 80 người bị thương; 72 vụ TNGT nghiêm trọng làm 71 người chết và 15 người bị thương; có đến 3 vụ TNGT rất nghiêm trọng làm 6 người chết. Trong đó, về phương tiện, mô tô (108 vụ), ô tô (34 vụ) là chủ yếu; đáng chú ý có 5 vụ xe ba bánh tự dựng. Về tuyến đường xảy ra tai nạn chủ yếu là quốc lộ (59 vụ), đường tỉnh (31 vụ) và đường nông thôn (46 vụ). Về nạn nhân, có 22 vụ nạn nhân lứa tuổi học sinh, làm 10 người chết, 19 người bị thương; 5 vụ có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông làm 3 người chết, 4 người bị thương; 5 vụ phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tự dựng). Hầu hết TNGT có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, không chấp hành quy tắc an toàn khi tham gia giao thông (tránh vượt không an toàn, không chấp hành đèn tín hiệu, không nhường đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát; lái xe sau khi sử dụng rượu, bia...).
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNGT đường sắt (tăng 3 vụ, tương đương tăng 75%) làm 6 người chết (tăng 5 người, tương đương tăng 500%); trong đó địa bàn thành phố Nam Định xảy ra đến 4 vụ TNGT đường sắt làm 4 người chết; địa bàn huyện Ý Yên xảy ra 2 vụ làm 2 người chết, huyện Vụ Bản xảy ra 1 vụ may mắn không gây thiệt hại về người. Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo Kế hoạch số 66/KH-UBND của UBND tỉnh về xóa lối đi tự mở qua đường sắt đến năm 2025, toàn tỉnh chỉ đóng được 2 điểm, quá ít so với số lượng còn lại cần xóa theo kế hoạch trong giai đoạn đến hết năm 2025 là 67 lối.
Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Giao Thủy cho biết: Những tháng đầu năm 2024, huyện Giao Thủy đã huy động tối đa lực lượng cho công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn huyện, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; công tác tuần tra kiểm soát đã được duy trì thường xuyên, khép kín địa bàn từ huyện đến xã, thị trấn cho nên tình hình ATGT cũng có chuyển biến tích cực, không xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tình hình TNGT trên địa bàn huyện vẫn còn phức tạp, xảy ra 13 vụ làm 7 người chết và 7 người bị thương. Một trong những nguyên nhân là một số tuyến đường mới đưa vào khai thác, chưa đầy đủ trang thiết bị bảo đảm ATGT, người tham gia giao thông chưa quen đường trong khi ý thức chấp hành quy tắc bảo đảm ATGT kém. Chẳng hạn trên tuyến đường bộ ven biển mới hoàn thành đưa vào khai thác từ đầu tháng 6/2024 đã xảy ra đến 4 vụ TNGT và hàng chục vụ va chạm giao thông. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Giao Thuỷ chạy qua 10 xã, có tới 81 điểm giao cắt với đường tỉnh, đường huyện, liên xã, liên xóm. Nhà thầu thi công đã bố trí hệ thống cảnh báo ATGT tại các nút giao, nhưng cốt nền của tuyến đường bộ ven biển cao hơn so với các tuyến đường địa phương nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, va chạm tại các nút giao. Trước tình hình gia tăng TNGT tại các nút giao với đường bộ ven biển, UBND huyện Giao Thuỷ đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã có tuyến đường bộ đi qua thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo trên hệ thống truyền thanh của xã, cổng thông tin điện tử của huyện cũng như các nhóm mạng xã hội… Bên cạnh đó, trước khi có chủ trương điều chỉnh, bổ sung các hạng mục đảm bảo ATGT của dự án đường bộ ven biển, UBND huyện đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo UBND các xã khẩn trương lắp đặt hệ thống biển báo, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc tại các nút giao với đường bộ (100% các nút giao với đường bộ ven biển được UBND các xã làm gồ giảm tốc).
Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh cho biết: Thời gian qua, Công ty đã chủ động phối hợp với thành phố Nam Định, các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên và lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; đang triển khai xây dựng mô hình đoạn đường sắt kiểu mẫu “đường tàu, đường hoa”; duy trì mô hình “đoạn đường ông, cháu cùng chăm” trên địa bàn huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định. Hiện tại, toàn quốc chỉ còn 4 "điểm đen" về ATGT đường sắt thì riêng địa bàn tỉnh còn 2 điểm tại các xã Yên Hồng (Ý Yên) và Mỹ Thuận (Mỹ Lộc). Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra toàn bộ các lối đi tự mở, các đường ngang đã đầu tư nhưng chưa hoàn thành để tiếp tục thực hiện, góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu kiềm chế, kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và đề ra 7 nhóm giải pháp để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT những tháng cuối năm 2024. Theo đó, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban ATGT các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và của tỉnh về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy. Các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông; duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình về đảm bảo trật tự ATGT. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Sở Giao thông Vận tải rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo; phát hiện những điểm, cung đường có nguy cơ xảy ra TNGT cao để có biện pháp sớm khắc phục; đẩy nhanh tiến độ xử lý các “điểm đen” TNGT trên các tuyến quốc lộ; các đoạn tuyến bị xuống cấp, hư hỏng mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT; tăng cường quản lý Nhà nước về các lĩnh vực chuyên ngành... Ban ATGT các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền trật tự ATGT trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; có trách nhiệm quản lý lòng đường, vỉa hè, vận động nhân dân không dựng rạp hiếu, hỉ trên đường giao thông, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ; quản lý bến thủy hàng hóa, hành khách và phương tiện chở khách theo quy định.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin