Nhân Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9/7): Để du lịch Nam Định phát triển toàn diện, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập

20:15, 08/07/2024

Cùng với các địa phương trong cả nước, du lịch tỉnh đã và đang được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nam Định ngày càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động; thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, hợp tác, giao lưu văn hóa.

Du khách trải nghiệm du lịch điền dã trong tour du lịch cộng đồng của Ecohost Hải Hậu.
Du khách trải nghiệm du lịch điền dã trong tour du lịch cộng đồng của Ecohost Hải Hậu.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển du lịch: Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại theo hướng phát triển bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực ngành Du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Giai đoạn 2018-2023, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật: giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện, bưu chính viễn thông, xử lý môi trường… và cơ sở vật chất chuyên ngành Du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí...). Tại 2 khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu) và Quất Lâm (Giao Thủy), hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển du lịch của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương, diện mạo các khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy) đang có nhiều thay đổi. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch, trong đó có việc nâng cấp các tuyến đường đã giúp du khách tiếp cận các điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn, rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ người dân và khách du lịch. Các dịch vụ du lịch được nâng tầm chất lượng; các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách cũng được chú trọng nâng cao… Hạ tầng du lịch trải nghiệm cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư với những kết quả tích cực bước đầu. Nổi bật tại Vườn quốc gia (VQG)  Xuân Thủy (Giao Thủy) với các chương trình tham quan du lịch như: du thuyền cửa Ba Lạt; xem chim di trú; trải nghiệm điền dã, du khảo đồng quê (khám phá, trải nghiệm đời sống của người dân địa phương). Ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, nhiều gia đình tự đầu tư xây dựng mô hình cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cộng đồng (homestay).

Hệ thống giao thông trong tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, kết nối các khu, điểm du lịch trong vùng đồng bằng sông Hồng tạo thuận lợi cho việc thiết kế thành các tour du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. Thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nam Định với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam đã hình thành và phát triển các tuyến, sản phẩm du lịch như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh bao gồm: Đền Trần - Chùa Tháp, Phủ Dầy (Nam Định) kết nối với Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Keo (Thái Bình), Chùa Tam Chúc (Hà Nam), Chùa Hương (Hà Nội). Tuyến du lịch này được tổ chức gắn với các dịp lễ hội tín ngưỡng truyền thống như: Hội chợ Viềng Xuân, lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy… tạo nên nét độc đáo của sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, thu hút hàng triệu du khách khắp cả nước và du khách nước ngoài đến tham quan, chiêm bái mỗi năm. Các tuyến du lịch sinh thái đa dạng, sinh động gồm: VQG Xuân Thuỷ, khu du lịch sinh thái Núi Ngăm (Nam Định) kết nối với khu du lịch sinh thái Tràng An, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, VQG Cúc Phương (Ninh Bình), VQG Cát Bà (Hải Phòng). Cùng với đó, du lịch làng nghề của tỉnh cũng có lợi thế phát triển với các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như: làng nghề trồng hoa, cây cảnh, đúc đồng, chạm khắc gỗ, sơn mài, làm kèn đồng, làm muối, nước mắm, làm miến dong, bánh đa, dệt vải…

Tín hiệu đáng mừng trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch của tỉnh là đến nay, một số hãng lữ hành trong nước khi thiết kế tour đã đưa những địa danh, khu, điểm du lịch tiêu biểu của Nam Định vào chương trình lựa chọn điểm đến du lịch như: các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, Ecohost Hải Hậu, làng nghề truyền thống… Đội ngũ các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong tỉnh ngày càng phát triển và khẳng định được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường như: Công ty Cổ phẩn Du lịch Nam Định, Công ty Cổ phẩn Thương mại và Du lịch Thiên Ân, Công ty Cổ phẩn Thương mại và Du lịch Huyền thoại Bắc Bộ (Tonkin Legends)… đã chủ động liên kết các nhà đầu tư, quan tâm các hình thức phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển của tỉnh.

Gian hàng
Gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch Nam Định trong một sự kiện văn hóa.

Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Cục Du lịch (Bộ VH, TT và DL) tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch Nam Định làm cơ sở xây dựng Bản đồ số tài nguyên du lịch Việt Nam. Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, như: Tổ chức Triển lãm “Ảnh đẹp Du lịch Nam Định”, phát động Cuộc thi “Ảnh nghệ thuật Nam Định”, xuất bản “Cẩm nang Du lịch Nam Định” và “Bản đồ Du lịch Nam Định”; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nam Định, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức chương trình khảo sát điểm đến VQG Xuân Thủy và một số khu, điểm du lịch, dịch vụ du lịch tại tỉnh nhằm tăng cường liên kết, hợp tác du lịch giữa các tỉnh trong cụm 6 tỉnh duyên hải phía Bắc, đặc biệt là giữa 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình; phối hợp Viện Phát triển du lịch châu Á truyền thông về tiềm năng, định hướng phát triển du lịch Nam Định trên ấn phẩm song ngữ “Du lịch Việt Nam - Dịch vụ và giải trí” (Vietnam Travel, Services and Entertainment); phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, công nghệ số để quảng bá, xúc tiến du lịch, hướng dẫn tham quan tại các sự kiện kinh tế, vân hóa lớn của quốc gia tổ chức tại Nam Định… Năm 2024, lần đầu tiên Sở VH, TT và DL chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nam Định tổ chức gian hàng giới thiệu Du lịch Nam Định tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) tổ chức tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đặc trưng của Nam Định như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái tự nhiên, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)... Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch của tỉnh như: VQG Xuân Thủy, Ecohost Hải Hậu, làng nghề ươm tơ Cổ Chất, kẹo Sìu Châu Kim Thành Hoa, phở xưa Nam Định… đã mang đến hội chợ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ẩm thực, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP được du khách ưa chuộng. Tại Hội chợ, Hiệp hội Du lịch Nam Định đã ký biên bản hợp tác phát triển du lịch với hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên và Thái Nguyên; mở ra hướng đi mới liên kết, hợp tác để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cũng trong năm 2024, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện seri chương trình truyền hình “Hành trình di sản”: “Nam Định vào xuân”; chương trình du xuân “Tấm hộ chiếu của người Việt”; ghi hình phim tài liệu “Những nhà hàng cổ ở châu Á” tại Nam Định. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2024 có khoảng 1,18 triệu lượt khách tới các điểm tham quan du lịch của Nam Định; tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 312 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “liên kết chặt chẽ - phối hợp nhịp nhàng - hợp tác sâu rộng - bao trùm toàn diện - hiệu quả bền vững”. Trong đó chú trọng quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành Du lịch. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành Du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch. Tập trung phát triển du lịch xanh, du lịch số. Đẩy mạnh liên kết vùng để hình thành động lực tăng trưởng du lịch; hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia kinh doanh, cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; phát triển đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch tại các khu vực tập trung đông khách du lịch. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com