Những năm qua, các cấp công đoàn huyện Trực Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, từng bước đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), góp phần tích cực vào đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Công nhân Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam (Trực Ninh) tích cực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024. |
Đồng chí Trương Quốc Khánh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Trực Ninh cho biết: Trên địa bàn huyện có 131 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với trên 23 nghìn đoàn viên công đoàn, chiếm 99,8% tổng số CNVCLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Để tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia học tập và làm theo Bác, Ban Chấp hành Công đoàn huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các tổ chức CĐCS thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ. Hàng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho CNVCLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán với mức thưởng bằng 1 tháng tiền lương; phối hợp với CĐCS tổ chức chương trình Tết sum vầy cho CNLĐ tại 11 lượt doanh nghiệp có đông CNLĐ, như Công ty TNHH: Kiara Garments Việt Nam, Giầy AMARA Việt Nam... Tổ chức thăm hỏi, động viên đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, có thân nhân là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Các cấp Công đoàn trong huyện thực hiện tốt Chương trình số 07/CTr-LĐLĐ ngày 04/5/2019 của LĐLĐ tỉnh Nam Định về chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” giai đoạn 2019-2023. Tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tích cực ủng hộ hơn 457 triệu đồng, hỗ trợ xây mới 10 nhà, sửa chữa 3 nhà cho 13 đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đời sống của CNVCLĐ trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, thu nhập bình quân của CNVCLĐ khoảng 6,7 triệu đồng/người/tháng trở lên. Các tổ chức CĐCS đều thực hiện tốt việc nâng mức lương tối thiểu vùng, lương cơ sở và đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động... Việc học và làm theo Bác ở các cấp Công đoàn huyện Trực Ninh còn được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua trong đoàn viên, CNVCLĐ với nhiều hoạt động thiết thực như thông qua việc phát động các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào thi đua chung của LĐLĐ huyện, mỗi CĐCS đều có sự đổi mới, linh hoạt trong phương thức tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với tình hình của đơn vị và ngày càng phát triển về quy mô, hiệu quả, tạo động lực cho CNVCLĐ phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ các phong trào thi đua, ngày càng xuất hiện nhiều đoàn viên, CNVCLĐ giỏi được biểu dương, khen thưởng với các công trình, sáng kiến, ứng dụng khoa học - công nghệ được áp dụng vào thực tiễn sản xuất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiêu biểu như CĐCS ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã vận động đội ngũ cán bộ, đoàn viên, nhà giáo thi đua học và làm theo Bác thông qua phát động các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. 100% giáo viên các nhà trường đăng ký “các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” theo liên môn với phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”; tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm tiếp tục được đẩy mạnh, khơi dậy tinh thần tự học và sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng rộng rãi trong các nhà trường đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và dạy học. Kết quả ngành Giáo dục huyện có tổng số 1.552 sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên được công nhận. Ngoài ra, Công đoàn ngành phối hợp với chuyên môn triển khai xây dựng trường học hạnh phúc theo Hướng dẫn số 260/HD-CĐN ngày 30/12/2019 của Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định; tích cực tuyên truyền, vận động giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú cho học sinh học tập trung nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng thi học sinh giỏi; tích cực tham gia hội thi giáo viên giỏi các cấp...
Đối với khối doanh nghiệp, các tổ chức CĐCS vận động CNLĐ thi đua học và làm theo Bác thông qua phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, khắc phục khó khăn, phát huy năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều sáng kiến cải tiến công nghệ, khoa học kỹ thuật của CNLĐ được áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Các phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động được thực hiện gắn liền với hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”, Tháng An toàn vệ sinh lao động, “Tuần lễ Nước sạch vệ sinh môi trường”, Ngày Môi trường thế giới và việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được 100% CĐCS trong huyện tích cực tham gia hưởng ứng. Trong đó, phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, được các cấp công đoàn tích cực phối hợp với chuyên môn triển khai có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động, nhất là trong các doanh nghiệp cường độ lao động cao, doanh nghiệp có đông CNLĐ.
Nhờ tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua học và làm theo Bác, trung bình hàng năm Công đoàn huyện Trực Ninh có 18% CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 80% CĐCS hoàn thành tốt nhiệm vụ; có trên 85% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở... Để phong trào học và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tổ chức công đoàn và CNVCLĐ, thời gian tới, LĐLĐ huyện Trực Ninh tiếp tục làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, đồng thời thường xuyên biểu dương, khen thưởng nhân rộng những tấm gương tiêu biểu xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua; tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp cùng chung tay góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin