Chủ động phòng, chống tội phạm mua bán người

08:50, 31/07/2024

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người (MBN) nói riêng có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Để chủ động phòng, chống tội phạm MBN, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán người và khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách và phụ nữ xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán người và khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách và phụ nữ xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Thực hiện Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình phòng, chống MBN; Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch: Phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030; Thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống MBN, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống MBN (30/7) năm 2024.

UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt các biện pháp công tác nghiệp vụ để phòng, chống MBN. Tăng cường nắm tình hình, bám sát địa bàn, rà soát, lập danh sách các đường dây, băng ổ nhóm, cá nhân có biểu hiện liên quan đến các hành vi MBN, trẻ em, tổ chức cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Quản lý chặt chẽ các đối tượng đã có tiền án về các tội MBN, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biển, địa bàn giáp ranh; tăng cường rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, khu vui chơi, giải trí (nơi tội phạm thường xuyên lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội)… chủ động phát hiện các hành vi, dấu hiệu hoạt động MBN để xác minh, tổ chức xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ. Tiếp nhận kịp thời các thông tin tố giác, tin báo tội phạm về tội phạm MBN và khẩn trương triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân.

Cùng với quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tội phạm MBN, các ngành chức năng, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh xác định công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa là giải pháp then chốt, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân nhất là đối với phụ nữ và trẻ em về phòng, chống MBN. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng chuyên mục, tin, bài, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống MBN; về phòng, chống MBN phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau, thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm MBN thường sử dụng như: Móc nối để tuyển mộ, lừa gạt, đưa phụ nữ, trẻ em (chủ yếu là trẻ sơ sinh) ra nước ngoài, bằng hình thức đi du lịch, tham quan, ký kết làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động hoặc đi bằng đường "tiểu ngạch”; lợi dụng những mối quan hệ sẵn có để móc nối hoặc quay về Việt Nam tuyển mộ, lừa gạt; mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân; đối tượng thường bị nhắm đến là trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ nữ có trình độ học vấn thấp… thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok, hoặc gặp trực tiếp, sau đó dùng thủ đoạn lừa gạt để thực hiện hành vi mua bán. Tổ chức cấp phát 15 nghìn tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, MBN đến cơ sở. Đồng thời vận động người dân hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; nâng cao cảnh giác, chủ động tố giác các hành vi, đối tượng có dấu hiệu phạm tội MBN và các tội phạm khác.

Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức 5 hội nghị tập huấn cho trên 500 cán bộ, hội viên về kiến thức Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống MBN, kiến thức phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm, phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình… Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống MBN (30/7). Các cấp Hội Phụ nữ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống MBN và phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mại dâm cho hội viên và nhân dân, tiêu biểu là trên các trang website của Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố và 145 fanpage chính thống; 308 nhóm facebook; 1.630 nhóm zalo của các cấp Hội và tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt. Hội LHPN còn xây dựng chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Tỉnh Đoàn… tổ chức truyền thông theo cụm, địa bàn dân cư nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm cho hội viên và các tầng lớp nhân dân. Các sở, ngành lồng ghép trong các cuộc họp nội bộ nội dung tuyên truyền phòng, chống MBN trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, người lao động gắn với phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, Công an tỉnh phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm MBN.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH, Hội LHPN tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về. Đối với các trường hợp chị em phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về từ các cửa khẩu biên giới, Hội LHPN các cấp phối hợp tích cực cùng các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp nhận, gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ về tiền mặt và một số vật dụng sinh hoạt cá nhân. Phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp đến tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị buôn bán trở về làm các thủ tục hành chính về nhân thân như cấp lại Căn cước công dân, làm giấy khai sinh hoặc giúp vay vốn tạo việc làm... Phối hợp Sở LĐ-TB và XH tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Hội LHPN các cấp liên hệ, kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ nơi ở, việc làm, xây nhà mái ấm tình thương để chị em bị mua bán trở về sớm có việc làm, thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Thời gian tới, các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan báo chí, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nhất là tại địa bàn có nhiều người nghiện ma túy, tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm và MBN. Các lực lượng chức năng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN; làm tốt công tác quản lý Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; kiên quyết không để bọn tội phạm buôn bán người lợi dụng hoạt động. Tăng cường công tác điều tra, truy tố các vụ án MBN, đưa ra xét xử công khai để giáo dục, răn đe, trấn áp tội phạm. Mỗi người dân cũng cần đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đấu tranh chống lại các loại tội phạm, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm MBN.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com