Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên, học sinh hút thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng; có tới 75-80% đối tượng của thuốc lá điện tử là giới trẻ, trong đó đa số là học sinh. Việc sử dụng thuốc lá điện tử khiến giới trẻ đang phải đối mặt với không ít hệ lụy nguy hiểm về sức khỏe, thậm chí méo mó về nhân cách.
Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh tại Trường THCS Hải Ninh (Hải Hậu). |
Mối nguy thuốc lá điện tử thâm nhập học đường
Trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện ở một số trường việc học sinh lén lút sử dụng hoặc mang thuốc lá điện tử và dung dịch có chứa chất gây nghiện đến trường học. Điều đáng nói, hầu hết các em đều được phổ biến và biết rõ nhà trường quy định cấm tuyệt đối việc mang theo, sử dụng thuốc lá điện tử nhưng vẫn cố tình vi phạm, rủ nhau lén lút sử dụng vào giờ ra chơi hoặc sau khi tan học. Mới đây, tại một trường THCS trên địa bàn thành phố có trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử bị phát hiện, Ban Đạo đức nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã kịp thời ngăn chặn, cảnh báo tới gia đình. Cũng tại một trường THPT trên địa bàn thành phố, giáo viên đã bắt gặp học sinh vào nhà vệ sinh sử dụng thuốc lá điện tử và lôi kéo bạn bè tham gia. Sau khi xảy ra vụ việc này, nhà trường đã yêu cầu học sinh viết cam kết, gặp gỡ gia đình để trao đổi phối hợp quản lý, thậm chí đã buộc học sinh này phải thôi học khi cố tình tái diễn vi phạm. Còn tại một số trường THCS ở một huyện gần thành phố Nam Định thì nhà trường và công an xã đã phải cảnh báo đến gia đình, cộng đồng về việc có hiện tượng học sinh bị các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dụ dỗ hút thuốc lá điện tử, thưởng tiền nếu các em rủ thêm bạn bè cùng hút.
Đáng lưu ý, đa số trường hợp phát hiện học sinh hút thuốc lá điện tử đều từ giáo viên và nhà trường chứ không phải gia đình. Thậm chí nhiều phụ huynh cho biết không hề biết gì về thuốc lá điện tử, nếu có nhìn thấy và con em nói là đồ chơi hoặc dụng cụ học tập thì cũng tin vì một số loại thuốc lá điện tử có thể được làm trá hình dưới dạng thỏi soi, cây bút, viên kẹo... Đặc biệt với các loại cặp sách hiện nay có nhiều ngăn nhỏ, các em cất giữ thuốc lá điện tử rất khó để gia đình phát hiện.
Theo cơ quan chuyên môn, thuốc lá điện tử chứa nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Thậm chí, dung dịch thuốc lá điện tử còn có thể được pha chế, bổ sung ma túy, hương liệu của một số loại trái cây như ổi, xoài, bưởi, vải..., và một số chất gây nghiện khác để dễ sử dụng mà khó bị phát hiện. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc do thuốc lá điện tử với những hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại sức khỏe người dùng như tế bào gốc của não bị hủy hoại, kéo theo nguy cơ suy giảm trí nhớ, khả năng nhận thức và học tập, thay đổi tính cách, có nhiều hành động thất thường. Sử dụng thuốc lá điện tử còn là nguy cơ khiến học sinh bị lôi kéo gia nhập các nhóm thanh, thiếu niên hư, gia tăng tình trạng bạo lực học đường, gây mất an toàn, bất ổn trong trường học, thậm chí khiến người sử dụng có thể bị tử vong.
Tác hại của thuốc lá điện tử đã được cảnh báo. Việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử cũng đã được các cấp, ngành liên quan thực hiện rất quyết liệt, nhất là tại các trường học. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học sinh vẫn gia tăng đáng báo động bởi thuốc lá điện tử dễ mua, dễ sử dụng. Trong khi đó, do đặc thù tâm lý tuổi mới lớn ưa khám phá, khẳng định bản thân, học sinh rất dễ tìm đến và lén lút sử dụng thuốc lá điện tử.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Để ngặn chặn tình trạng hút hút thuốc lá điện tử trong học sinh, thời gian qua, các ngành Giáo dục, Công an, Y tế đã phối hợp chặt chẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về tác hại của hút thuốc lá điện tử.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh, sinh viên và học viên; nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đối với sức khỏe và môi trường xung quanh; đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của đơn vị; lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào giảng dạy trong các môn học phù hợp với cấp học và các hoạt động giáo dục.
Để ngăn chặn việc thuốc lá điện tử trong học sinh, một số trường như THCS Nghĩa Hải, THCS Nghĩa Lợi, THCS thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); THCS Tam Thanh, THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) đã tích cực đưa các nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử lên trang web của nhà trường để cảnh báo học sinh. Nhiều trường THCS trên địa bàn huyện Hải Hậu, từ đầu năm học hoặc định kỳ, đã tổ chức nói chuyện chuyên đề; tích hợp nội dung tuyên truyền phòng chống hút thuốc lá điện tử trong giờ sinh hoạt lớp, giờ dạy của các môn như Giáo dục công dân, Sinh học; tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá và thuốc lá điện tử; phối hợp trạm y tế xã, thị trấn lồng ghép trong buổi “Sinh hoạt dưới cờ” nội dung tuyên truyền với chủ đề: Tuyên truyền “Tác hại của thuốc lá điện tử” và ký cam kết “Không sử dụng thuốc lá điện tử” cho toàn thể học sinh. Trường THPT Nguyễn Đức Thuận (Vụ Bản), với cách làm sáng tạo, đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng, hình thành kỹ năng phòng, chống ma tuý, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma tuý, trong đó có thuốc lá điện tử cho học sinh. Đầu năm học, trường phát động phong trào cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống ma tuý và tổ chức cho 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh ký cam kết không sử dụng trái phép chất ma tuý, không có hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý. Trong năm học, trường đã đưa các tài liệu giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý vào chương trình giáo dục ngoại khoá và hoạt động trải nghiệm dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung các buổi ngoại khoá, toạ đàm, các tiết học trải nghiệm trên lớp, trải nghiệm dưới cờ.
Trong năm học 2023-2024, cán bộ quản lý, giáo viên và hơn 800 học sinh nhà trường đã cùng tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến về giáo dục pháp luật với chủ đề: “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội ”. Nhà trường phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo tới cha mẹ tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Mỗi lớp đều có nhóm zalo hoặc nhóm facebook, messenger chung để thông tin được kịp thời từ đó kết hợp với gia đình nhắc nhở, giáo dục học sinh phòng ngừa, tránh xa tệ nạn ma tuý, nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử. Đồng thời, trường cũng xây dựng kênh tố giác qua môi trường mạng xã hội và phát động các cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh kịp thời cảnh báo về những trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý trong trường học, trong khu dân cư, trên không gian mạng, tại các cơ sở kinh doanh trong khu vực… để phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Cuối năm học vừa qua, trường đã chỉ đạo Đoàn trường tổ chức cuộc thi “Trường học không ma tuý” cho học sinh nhằm tuyên truyền Luật Phòng chống ma tuý và tăng cường hiểu biết, trang bị kiến thức cho học sinh về hiểm họa, tác hại của ma túy đối với sức khỏe; giúp học sinh nhận diện về các loại ma tuý, đặc biệt là các loại ma tuý tổng hợp núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử với nhiều tên gọi khác nhau... để từ các em lan tỏa thông điệp cần phổ biến tới người thân, gia đình và toàn xã hội.
Thời gian tới, trường tiếp tục triển khai các tài liệu giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý vào chương trình giáo dục chính khoá dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Giáo dục cảm xúc, Hoá học... Trong đó, nội dung tuyên truyền lồng ghép vào môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm ma tuý, xử lý hành vi có liên quan đến tệ nạn ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về lối sống lành mạnh, kỹ năng ứng xử và hành động kiên quyết không tham gia tệ nạn ma túy; nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc phát hiện, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào nhà trường, gia đình và xã hội. Đối với bộ môn Hóa học, tập trung phổ biến các khái niệm cơ bản, thành phần cấu tạo, tác hại của ma túy. Với bộ môn Giáo dục cảm xúc, tập trung phổ biến dấu hiệu nhận biết người nghiện ma tuý, tình hình phát triển của tệ nạn ma túy, các biện pháp phòng ngừa lạm dụng ma túy...
Để ngăn chặn những hệ lụy nguy hiểm từ thuốc lá điện tử, cùng với sự vào cuộc của nhà trường và các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, quản lý con em của mình về thời gian, tiền bạc, quan hệ bạn bè và thói quen sinh hoạt hàng ngày để sớm phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện khác lạ, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, định hướng con tới lối sống tích cực, lành mạnh. Từ đó, giúp các em có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh trước tác hại của thuốc lá điện tử.
Bài và ảnh: Vân Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin