Ý Yên thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động

08:24, 27/06/2024

Huyện Ý Yên hiện có khoảng 239.300 người trong độ tuổi lao động. Xác định công tác giải quyết việc làm (GQVL) cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường cơ hội việc làm cho người lao động.

Công ty Cổ phần Thương mại Minh Hương, xã Yên Trị tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Công ty Cổ phần Thương mại Minh Hương, xã Yên Trị tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Hàng năm, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác đào tạo nghề, GQVL cho người lao động như: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gắn với đào tạo nghề, GQVL cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện; Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp cùng Ủy ban MTTQ huyện, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai công tác đào tạo nghề, GQVL cho người lao động, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện, của đơn vị, địa phương. Xác định công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh huyện, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của Đảng, Nhà nước, của tỉnh cho các diện đối tượng; công tác xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong việc học nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình… với nhiều hình thức như: truyền thông qua mạng xã hội, trên hệ thống đài truyền thanh, bản tin, lồng ghép vào các hội nghị, buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, sinh hoạt các câu lạc bộ, các hoạt động tình nguyện...

Cùng với công tác tuyên truyền, những năm qua UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề cho người lao động. Hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo, GQVL gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, thực hiện kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho từ 400 đến 800 lao động nông thôn, chủ yếu là nghề may công nghiệp, mộc dân dụng, kỹ thuật chế biến món ăn, trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà, vịt… Tỷ lệ thanh niên học nghề chiếm gần 30%, chủ yếu học nghề may công nghiệp và đa số các học viên sau khi học nghề đều được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận vào làm việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng năm cũng đào tạo cho từ 2.000 đến 3.000 lao động làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Phát huy thế mạnh có nhiều làng nghề truyền thống như: Đúc đồng mỹ nghệ Tống Xá, thị trấn Lâm; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xã Yên Ninh; tre nứa chắp, sơn mài xã Yên Tiến...; các ngành nghề: may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh ở các xã Yên Trị, Yên Bình, Yên Thọ..., UBND huyện đã có nhiều biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 420 doanh nghiệp thu hút gần 12 nghìn lao động.

Huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp GQVL cho người lao động, trong đó, nổi bật là các hoạt động hỗ trợ cho vay vốn; tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động… Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND xã, thị trấn, tuyên truyền, vận động lao động có nhu cầu tìm việc làm tham gia Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Đây là địa chỉ tin cậy để các lao động có thể tìm hiểu nhiều nội dung về hướng nghiệp và việc làm, về thị trường lao động trong và ngoài nước; các cơ hội việc làm cho người dân, từ đó góp phần tích cực vào việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; triển khai hướng dẫn đến từng thôn, xóm, tổ dân phố thực hiện thu thập thông tin người tìm việc trên địa bàn để cập nhật vào cơ sở dữ liệu; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo nguyện vọng. Huyện đang triển khai đồng bộ đến tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố việc thu thập thông tin cơ bản về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp của người lao động, thực trạng sử dụng lao động để làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trên địa bàn huyện để xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu của huyện Ý Yên về thị trường lao động gắn với việc chuyển đổi số của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, GQVL cho lao động nông thôn ở huyện Ý Yên còn gặp một số khó khăn như: Trên địa bàn huyện có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nhưng chưa đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp, tay nghề còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm và thu nhập không ổn định.

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, GQVL cho người lao động, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các văn bản của bộ, ngành Trung ương và các chủ trương, chính sách của tỉnh. Chú trọng những nghề người lao động có thể chuyển đổi phù hợp với thị trường hiện nay, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Phát huy vai trò các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ huynh học sinh, Hội Khuyến học và các tổ chức xã hội khác trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề. Gắn nhiệm vụ đào tạo nghề với thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, tổ chức xét duyệt đúng đối tượng, giải ngân kịp thời các dự án, đồng thời thường xuyên kiểm tra các đơn vị nhận ủy thác, hộ vay vốn, đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn vay, thu hút lao động tham gia. Thực hiện tốt công tác thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp của người lao động; thông tin về thực trạng sử dụng lao động để làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trên địa bàn huyện. Khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn để thu hút, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Bài và ảnh: Minh Tân
 



giúp việc nhà giữ em bé Tổng hợp tin đăng tim viec lam mới nhất đơn hàng kỹ sư xây dựng đi nhật Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorksCập nhật mẫu cv xin việc mới nhất Aniday

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com