Vụ Bản chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

08:23, 07/06/2024

Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống lớn tổ chức dài ngày và nhiều bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nên huyện Vụ Bản luôn xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong thực hiện các chính sách, pháp luật đảm bảo ATTP.

HĐND huyện giám sát việc thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Enter B Nam Định.
HĐND huyện giám sát việc thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Enter B Nam Định.

Từ thực tế, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân chưa nhận thức đầy đủ về Luật ATTP và các quy định về đảm bảo ATTP; vì lợi nhuận kinh tế chưa tự giác chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP. Mặc dù chưa để xảy ra trường hợp nguy hiểm đến tính mạng người dân nhưng đây là “đầu mối” tiềm ẩn nguy cơ về ATTP. Để khắc phục vấn đề này, UBND huyện đã có Văn bản số 261/UBND-YT ngày 27-3-2024 về việc bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm năm 2024. Trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ mất ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trọng tâm vào các dịp cao điểm bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi về  ATTP… Mỗi tổ chức hội, đoàn thể, xã, thị trấn phối hợp tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP; tuyên truyền các mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác đảm bảo ATTP; công khai các cơ sở vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, huyện cử cán bộ phụ trách công tác ATTP của huyện, xã, thị trấn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác đảm bảo ATTP nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn. Chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên địa bàn; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp...

Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát về ATTP được thực hiện có hiệu quả góp phần kiểm soát ATTP trong quá trình sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu... UBND huyện, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện đã nghiêm túc chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện; chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP phù hợp với tình hình của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất; tăng cường quản lý Nhà nước về thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn. Công tác kiểm tra về ATTP được phân công cụ thể cho từng ngành theo từng nhóm sản phẩm thực phẩm để tránh sự chồng chéo, trùng lặp; công tác phối hợp liên ngành tương đối chặt chẽ. Qua đó, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP góp phần làm cho thị trường thực phẩm lành mạnh, an toàn hơn.

Trong tháng 4-2024, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện đã tổ chức giám sát hoạt động của bếp ăn tập thể tại một số doanh nghiệp trên địa bàn có cung cấp từ 100 suất ăn trở lên; qua giám sát đã phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình tổ chức cung cấp suất ăn cho công nhân. Trong đó, Công ty TNHH Enter B Nam Định có một số hạn chế cần khắc phục như: Thiếu ánh sáng khu bếp chế biến, khu nhà ăn; vệ sinh môi trường khu vực xung quanh nhà bếp, công tác khử khuẩn bếp ăn, nhà ăn chưa đảm bảo; hợp đồng cung cấp thực đơn, ghi chép thực đơn bữa ăn hàng ngày, lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định. Tại Công ty TNHH Victory Việt Nam, công tác bảo quản mẫu thức ăn chưa đúng quy định, xung quanh khu vực nhà ăn chưa được đảm bảo vệ sinh. Công ty TNHH May giầy da Vĩnh Thắng thực hiện việc lưu mẫu thức ăn hàng ngày chưa đúng quy định, chưa thực hiện kiểm thực bước ba và để công nhân ăn tại chỗ làm việc, nguy cơ mất vệ sinh ATTP rất cao. Tại Công ty TNHH Geu - Lim C&F chưa có phòng thay đồ riêng cho nhân viên bếp; hồ sơ kiểm thực 3 bước ghi chưa rõ ràng. Đoàn giám sát đã yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm chỉnh tiếp thu ý kiến và nhanh chóng khắc phục những hạn chế mà các thành viên trong đoàn đã nêu; chấp hành các quy định về ATTP, thực hiện tốt các khâu kiểm soát từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, góp phần làm tốt công tác đảm bảo ATTP, nâng cao sức khỏe cho công nhân.

Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ lẻ, tính chất tự phát, gây khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài ra, hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu về rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản. Tại các chợ, cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác, hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực chợ chưa đầy đủ... làm cho công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các chợ gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương trên địa bàn huyện chưa xử lý kiên quyết và kịp thời những vi phạm quy định về ATTP.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP nhằm thay đổi trong nhận thức, hành vi về ATTP trong cộng đồng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Củng cố đội ngũ thanh tra, kiểm tra liên ngành, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP và đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP từ huyện đến các xã, thị trấn, bảo đảm mọi hoạt động phù hợp với Luật ATTP. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Quản lý chặt chẽ vệ sinh ATTP các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Bố trí hợp lý đội ngũ chuyên trách ATTP từ huyện đến các xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP ở các cấp trên địa bàn huyện. Tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh ATTP trong nhân dân nhằm thay đổi hành vi ATTP trong cộng đồng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com