Trong năm 2023, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Nam Định đã thụ lý 1.082 vụ việc các loại, giải quyết 1.071 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,98%. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Tòa án đã thụ lý 493 vụ việc các loại, đã giải quyết được 411 vụ việc, đạt tỷ lệ 83%, các vụ còn lại đang tiếp tục giải quyết. Công tác xét xử, giải quyết các loại án của TAND thành phố đều bảo đảm đúng pháp luật, không có án bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử; hình phạt áp dụng đối với các bị cáo đều đảm bảo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi và nhân thân của người phạm tội trong từng vụ án, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
Thư ký Tòa án nhân dân thành phố Nam Định trao đổi nghiệp vụ xây dựng hồ sơ vụ án. |
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Chánh án TAND thành phố Nam Định cho biết: “Để đạt kết quả trên, hàng năm TAND thành phố tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, thiết thực nhằm làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu giải quyết các loại án theo nghị quyết của Tòa án cấp trên giao”. Đơn vị đã đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, xây dựng các phiên tòa điển hình để cán bộ, công chức trong cơ quan có thể rút ra kinh nghiệm xét xử; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, hạn chế việc mở phiên tòa xét xử; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan để giải quyết những vụ án khó khăn, phức tạp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký tòa án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của TAND thành phố Nam Định có tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng giải quyết. Các vụ án hình sự đều được xét xử trong thời hạn luật định, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong quá trình chuẩn bị xét xử; việc xử phạt bị cáo bị tù nhưng cho hưởng án treo, việc áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, trong quá trình xét xử, nhận thấy nhiều tính chất, mức độ hành vi phạm tội vẫn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới tiếp tục có chiều hướng gia tăng như: cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; tội phạm xâm hại tình dục trẻ em..., TAND thành phố đã chủ động phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát cùng cấp lựa chọn các vụ án điểm để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa xét xử kịp thời để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Đơn cử như các vụ án: Vũ Văn P phạm tội: “Mua bán trái phép chất ma túy”, Trần Bá N phạm tội “Mua bán hàng cấm”; Nguyễn Đức D và đồng bọn phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Nguyễn Anh Đ và đồng bọn phạm tội tàng trữ mua bán trái phép tài khoản ngân hàng...
Trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, TAND thành phố đã khắc phục được tình trạng để án quá hạn theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật. Không có các vi phạm trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; xác định thiếu hoặc sai tư cách người tham gia tố tụng; không xem xét đầy đủ yêu cầu của đương sự hoặc giải quyết vượt quá yêu cầu; việc thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện; áp dụng pháp luật không đúng. Các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại đơn vị đã chú trọng công tác hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tòa án, qua đó giảm số lượng các vụ án phải đưa ra xét xử. Vì vậy số vụ án hòa giải thành công hàng năm đều đạt tỷ lệ trên 70%, góp phần ổn định chính trị xã hội; kết quả giải quyết các vụ án đúng pháp luật đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên đương sự, nhất là phụ nữ và trẻ em trong các vụ án hôn nhân gia đình.
Điểm nổi bật khác trong nâng cao chất lượng xét xử các vụ án là TAND thành phố đã tổ chức tốt phiên tòa rút kinh nghiệm đối với thẩm phán theo quy định của TAND tối cao. Hàng năm, các thẩm phán đều thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn các vụ án để đăng ký, báo cáo lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định phê duyệt đưa ra xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa và chuẩn bị tốt các nội dung theo đúng như hướng dẫn của TAND tối cao. Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo tốt hơn trong công tác xét xử, nhất là chỉ đạo đội ngũ thẩm phán trong công tác rèn luyện kỹ năng điều hành phiên tòa, coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa, cần nghiêm túc khắc phục những mặt còn tồn tại, phát huy những kết quả đã đạt được, làm tốt công tác chuẩn bị phiên tòa để việc tổ chức các phiên tòa đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Từ năm 2023 đến nay, TAND thành phố Nam Định đã tổ chức xét xử 33 phiên toà rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, TAND thành phố Nam Định duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế “Tổ chức và hoạt động của Hội thẩm TAND”; sau các phiên tòa hội thẩm đều thực hiện rút kinh nghiệm việc xét xử. Từ năm 2023 đến nay, Đoàn Hội thẩm nhân dân thành phố tham gia xét xử 1.399 vụ án. Các hội thẩm đã thể hiện rõ vai trò cùng với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tổ chức tốt việc xét xử, ra các bản án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, TAND thành phố Nam Định cũng triển khai, thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật và có hiệu quả các hoạt động công tác khác như: Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; cải cách hành chính tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động xét xử, sử dụng phần mềm trợ lý ảo, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án... hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin