Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học nền tảng đầu tiên, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục ở những cấp học tiếp theo. Xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động này, năm học vừa qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã có những đổi thay vượt bậc để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hoạt động trải nghiệm phong tục đón Tết cổ truyền các vùng miền của Trường Mầm non xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Ấn tượng khi đến Trường Mầm non xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đó là từ khuôn viên đến phòng học đều mát mẻ và sạch sẽ, các lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động. Trẻ được tham gia và tự khám phá ở các góc hoạt động, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thực hành và sáng tạo.
Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hiển Khánh Trần Thị Hạt cho biết: Để đạt kết quả tốt về chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ, trước tiên nhà trường đã chú trọng làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đảm bảo tốt việc nuôi dưỡng các cháu. Đặc biệt, trường tiến hành cải tạo môi trường giáo dục theo hướng tận dụng các không gian trong và ngoài lớp học để thiết kế các khu vui chơi, các góc hoạt động đa dạng, phong phú, mang tính sáng tạo, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng lựa chọn các hoạt động chơi theo ý thích và theo hướng trải nghiệm.
Để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, trường áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, thực hiện chương trình GDMN và phát triển chương trình giáo dục nhà trường. Năm học 2023-2024, trường đã cho 100% nhóm lớp triển khai mô hình góc dạy học STEAM và tổ chức cho giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn đi học tập, tìm hiểu về các phương pháp giáo dục mới để vận dụng vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thực hiện nội dung chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ em làm trung tâm” và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”, trường tổ chức các hội thi, các buổi trải nghiệm, lễ hội cho trẻ. Thông qua các hoạt động: Tiệc buffet, tiệc sinh nhật, trải nghiệm gói bánh chưng, trải nghiệm tham quan cánh đồng lúa, bé tập làm nghề nông, bé tập làm chú bộ đội, hội thi an toàn giao thông..., trẻ được thực hành và trải nghiệm, mạnh dạn phát huy tính sáng tạo và tự tin hơn trong mọi hoạt động và giao tiếp. Bên cạnh đó, nhiều tiết học được các cô giáo tổ chức dưới các hình thức độc đáo, sáng tạo, khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, kích thích, lôi cuốn trẻ hào hứng, tích cực tham gia hoạt động, tiếp nhận kiến thức tự nhiên, không gò ép. Trường Mầm non xã Hiển Khánh đang là một minh chứng rõ nét về thay đổi môi trường giáo dục theo chiều hướng chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ.
Trường Mầm non xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) luôn nỗ lực đem đến cho trẻ sự phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất và trí tuệ, được nhiều phụ huynh đặt niềm tin. Để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ, trường rất chú trọng công tác tổ chức nuôi ăn bán trú, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an toàn cho trẻ. Ban giám hiệu trường thường xuyên kiểm tra giám sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ hàng ngày trong các lớp học. Trường xây dựng thực đơn theo tuần, theo mùa phù hợp; đặc biệt chú trọng tìm nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn và thực hiện nghiêm túc các quy định về VSATTP tại bếp ăn của trường. Đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra các khâu trong quy trình nấu ăn một cách chặt chẽ; thực hiện công khai tài chính nuôi ăn, công khai thực đơn ở nơi thuận tiện, dễ thấy cho cha mẹ trẻ quan sát.
Để giáo dục toàn diện trẻ thông qua môi trường giáo dục bên ngoài lớp học, bằng khả năng sáng tạo và những đôi bàn tay khéo léo, giáo viên đã biến các khu trải nghiệm như: Khu chợ quê, khu spa... trở thành môi trường lý tưởng mang đến cho trẻ những trải nghiệm “số hóa” tuyệt vời. Trẻ hào hứng khi được tham gia mua bán, quét mã QR, trao đổi hàng hóa, sử dụng các dịch vụ làm đẹp dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Các trải nghiệm ngoài trời cùng cây xanh cũng khiến trẻ vô cùng hào hứng như cùng cha mẹ quét mã QR tìm hiểu về các loại cây trên sân trường, đo cây, so sánh và đưa ra kết quả. Trường cũng tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ nhân ngày lễ hội, các sự kiện quan trọng mang ý nghĩa giáo dục như: Tết Trung thu, Ngày hội đến trường, Tết cổ truyền, Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày sinh nhật Bác, Ngày Quốc tế Thiếu nhi... Giáo viên tích cực áp dụng các phương pháp, mô hình giáo dục tiên tiến trong thực hiện chương trình GDMN như STEM/STEAM; Montessori phù hợp quy định của chương trình, phù hợp với điều kiện của lớp và phù hợp khả năng, nhận thức của trẻ.
Đặc biệt, chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, từ kế hoạch giáo dục năm học, trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của lớp với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Tổ chức nhiều hoạt động theo chủ đề làm quen với các hoạt động ở trường tiểu học qua hình thức kết nối lớp học trực tuyến; giao lưu bóng đá, các trò chơi dân gian, văn nghệ và tham quan trường tiểu học..., giúp trẻ có kỹ năng tự chăm sóc bản thân, chuẩn bị toàn diện về thể chất, phẩm chất, kỹ năng, tâm thế để trẻ vào học lớp 1.
Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 230 trường mầm non (226 trường công lập, 4 trường tư thục). Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đã được thực hiện tốt. Với chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”, các cơ sở GDMN đã tiếp tục thực hiện nghiêm chương trình GDMN theo quy định, triển khai phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm tích hợp, toàn diện, lấy trẻ làm trung tâm. 100% cơ sở GDMN đã áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM, một số cơ sở áp dụng phương pháp giáo dục Montessori trong tổ chức một số hoạt động giáo dục, giúp trẻ được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, được “học bằng chơi, chơi mà học”.
Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, các trường mầm non tích cực tham mưu chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng theo hướng hiện đại, thuận lợi cho công tác nuôi ăn bán trú; chú trọng nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể lực cho trẻ thông qua xây dựng thực đơn đảm bảo chất lượng, đa dạng loại thực phẩm, năng lượng theo khuyến nghị tận dụng nguồn thực phẩm tại địa phương, đảm bảo an toàn thực phẩm. 100% cơ sở GDMN tổ chức nuôi ăn bán trú và đảm bảo an toàn trong công tác nuôi bán trú. 100% cơ sở GDMN được Phòng GD và ĐT huyện, thành phố công nhận trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm, thể thấp còi, thừa cân béo phì giảm so với đầu năm học.
Đồng chí Bùi Thị Minh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD và ĐT cho biết: Với mục tiêu xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm, nhiều trường mầm non đã có sự thay đổi toàn diện cả về cảnh quan môi trường bên trong và bên ngoài lớp học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được khai thác hiệu quả để trẻ phát triển toàn diện về vận động, trí tuệ và các phẩm chất, năng lực. Các trường cũng tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng kiến thức để đổi mới phương pháp, hình thức GDMN; bước đầu áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới phù hợp thực tiễn địa phương như: phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em của nhà giáo dục Ý Maria Montessori, phương pháp giáo dục liên môn (STEM) để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay, cấp học mầm non trong toàn tỉnh đã đổi mới từ môi trường đến các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ, Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đã có nhiều thay đổi tích cực. Đây là cơ sở để ngành học Mầm non tiếp tục triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong năm học tới, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin