Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông không ly hương” là vấn đề được các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm trong tạo việc làm cho lao động cao tuổi, giúp họ có được việc làm phù hợp, có điều kiện phụ giúp kinh tế gia đình.
Nghề làm gối mây ở xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) thu hút nhiều lao động là người cao tuổi. |
Suốt 12 năm qua, hàng trăm hội viên phụ nữ cao tuổi ở xã Hải Cường (Hải Hậu) đã tham gia sản xuất thêu thủ công ở tổ nghề nghiệp của bà Đinh Thị Phưởng. Nhận công đoạn thêu phần chân của bộ giáp đấu kiếm từ Công ty Dũng Thành (thành phố Nam Định), từ năm 2011 đến nay, tổ nghề nghiệp của bà Phưởng đã truyền dạy cho hơn 300 chị em, trong đó, đa số là các bà, các cô lớn tuổi hoặc đã về hưu. Do hàng thủ công, kỹ thuật thêu đơn giản nên rất phù hợp để các tổ viên nhận và mang hàng về nhà, tận dụng được thời gian rỗi để làm. Nhờ công đoạn thêu dễ nhớ, dễ làm, lại không thay đổi mẫu mã suốt 12 năm qua, nên thuận lợi cho các bà, các cô không phải học kỹ thuật nhiều lần. Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được Công ty Dũng Thành xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh... Hiện tổ thêu của bà Phưởng có khoảng 30 lao động là người cao tuổi, người khuyết tật, sức khỏe yếu… bình quân hàng tháng, mỗi tổ viên sẽ nhận được tiền công từ 2 đến 3,5 triệu đồng, giúp thêm một phần chi phí trang trải cuộc sống. Tổ nghề nghiệp của bà Phưởng còn là nơi các bà, các cô có thể tâm sự, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả. Được biết, xã Hải Cường có hơn 300ha diện tích đất nông nghiệp, 1 năm cấy 2 vụ lúa và trồng thêm 15ha cây vụ đông. Những tổ nghề nghiệp như của gia đình bà Đinh Thị Phưởng đã góp phần thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” ở địa phương, giúp nhiều phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ cao tuổi có thêm việc làm, thu nhập trong thời gian nông nhàn, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nghề đan cót ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) đã có truyền thống trên 300 năm. Trước đây, từ trẻ em đến phụ nữ hay thanh niên trai tráng trong làng, ai cũng thành thạo nghề đan cót. Tuy nhiên hiện nay, số lao động trong độ tuổi của địa phương hầu hết đi làm cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Bảo Minh và ở các xã lân cận nên nghề đan cót đã trở thành nghề phụ cho thu nhập chính của những người lao động cao tuổi không chỉ của làng mà rải rác trong cả xã. Hiện, toàn xã có gần 70 hộ làm nghề đan cót, với khoảng trên 100 lao động, phần lớn là người cao tuổi. Bình quân, mỗi ngày, một người đan được 5-7 lá cót; người khéo léo, nhanh tay đan giỏi một ngày có thể đan được chục lá; thu nhập bình quân đạt từ 100-150 nghìn đồng/ngày. Sản phẩm cót Vĩnh Hào hiện vẫn được thị trường ưa chuộng, được thương lái đến tận nhà đặt hàng và thu mua. Nghề đan cót cũng đang góp phần giải quyết việc làm cho đối tượng lao động cao tuổi ở Vĩnh Hào, duy trì cuộc sống ổn định.
Có được việc làm ổn định khi tuổi đã cao là niềm vui, hạnh phúc của không ít người. Tại nhiều địa phương, nhờ phát huy nghề truyền thống và sự năng động trong phát triển kinh tế của các cơ sở sản xuất, đã tạo việc làm, thu nhập tăng thêm cho người lao động lớn tuổi, giúp họ có điều kiện nâng cao đời sống, sức khỏe, tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều người trên, dưới 60 tuổi không có việc làm ổn định, không có lương hưu và không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nên nhu cầu việc làm rất lớn. Ở tuổi ngoài 50, cô Trần Thị Thúy ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) tỏ ra ái ngại khi đề cập chuyện học nghề để chuyển đổi công việc. Trước đây, cô làm công nhân cho một công ty may tư nhân, nhưng kể từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, công ty cắt giảm lao động vì không tìm kiếm được đơn hàng, những lao động lớn tuổi phải nghỉ việc. Ở nhà một thời gian, cô Thúy loay hoay vì chưa tìm được việc làm phù hợp để trang trải cuộc sống. Mục tiêu trước mắt của cô là sớm tìm được việc làm như là giúp việc nhà, phụ quán, trông trẻ… Trường hợp của vợ chồng chú Nguyễn Văn Tuấn ở thành phố Nam Định còn gặp khó khăn hơn khi cả 2 cùng lúc đều mất đi công việc khi ở độ tuổi ngoài 50. Trước đây, vì kinh tế khó khăn, cô chú cùng nhau vào Bình Dương lập nghiệp. Người kinh doanh tự do, người làm công nhân da giày, cuộc sống ổn định nơi đất khách. Nhưng từ năm 2022, do làm ăn thua lỗ, nên cô chú phải khăn gói về quê để giảm chi phí thuê nhà và sinh hoạt. Từ đó đến nay, cô chú vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp vì ít có công ty nào tuyển dụng mới, nếu có thì hồ sơ cũng bị loại vì lớn tuổi. Cô chú đã đóng bảo hiểm xã hội đủ năm, mong muốn của cô là kiếm được công việc phù hợp chờ đến tuổi nghỉ hưu, còn chú thì đang tìm kiếm công việc lao động chân tay nhưng đến hiện tại vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe.
Hiện nay, tại một số doanh nghiệp cắt giảm nhiều lao động cho thấy đa số là lao động phổ thông và có độ tuổi trên 40. Mất việc khi lớn tuổi lại khó tìm việc làm mới khiến không ít người lao động lúng túng. Nhiều người sống trong tâm trạng hoang mang khi công ty đang rà soát, cắt giảm lao động lớn tuổi, nhất là khi đã có hơn 10-15 năm đóng bảo hiểm xã hội, nay muốn làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu cũng khó. Với quan niệm “ốm tha, già thải” nên rất ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận người cao tuổi vào làm việc. Trong khi thực tế thị trường việc làm dành cho người lớn tuổi hiện nay khá hạn hẹp. Phần lớn người cao tuổi chỉ có thể tìm được việc làm bảo vệ, buôn bán lặt vặt, giúp việc gia đình… Những công việc có thể phát huy năng lực, kinh nghiệm của người cao tuổi không nhiều.
Thời gian tới, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy khai thác kinh nghiệm, khả năng làm việc ở người cao tuổi tốt sẽ giúp giảm gánh nặng an sinh xã hội, giảm thách thức thiếu lao động trong tương lai. Hiện tại, việc hướng nghiệp, đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lớn tuổi trong bối cảnh tỉnh Nam Định đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, phần lớn các cấp, các ngành mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, còn chương trình hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm việc làm cho người cao tuổi lại rất ít nhằm bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Đặc biệt trong bối cảnh lưới an sinh xã hội chưa bao phủ được hết người cao tuổi, rất cần có thêm các quy định của pháp luật về việc làm, giúp họ có thể tự trang trải cho cuộc sống của mình khi không có trợ cấp hay lương hưu. Trên thực tế, thời gian gần đây, số người cao tuổi “khởi nghiệp” ngày càng nhiều. Bằng vốn tri thức và kinh nghiệm tích lũy được, người cao tuổi ở các địa phương đã trực tiếp tham gia lao động, sản xuất trên các lĩnh vực nông, ngư, diêm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, thu hút hàng trăm nghìn lao động có việc làm ổn định. Phong trào người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi phát triển sâu rộng, được đông đảo người cao tuổi trong tỉnh hưởng ứng đã đạt hiệu quả thiết thực. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, nhiều tấm gương mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh có trên 1.200 điển hình người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Vì vậy, khai thác kinh nghiệm, khả năng làm việc ở người cao tuổi tốt sẽ giúp họ duy trì sức khỏe, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đồng thời giảm gánh nặng an sinh xã hội, giảm thách thức thiếu lao động trong tương lai và giải quyết vấn đề giai đoạn già hóa dân số hiện nay.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin