Toàn tỉnh hiện có trên 484 nghìn trẻ em. Thời gian qua, công tác quản lý, giáo dục và tạo sân chơi cho trẻ em trong dịp hè luôn là vấn đề được các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm, nhằm giúp học sinh có những ngày hè an toàn, bổ ích, ý nghĩa.
Trẻ em tham gia lớp học vẽ trong hè tại Xưởng mỹ thuật sáng tạo Hậu Trần Art Nam Định (thành phố Nam Định). |
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, nhận thức của người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được nâng lên, từ đó, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, khi hè đến cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ các vấn đề về trẻ em như nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ… Vào mỗi buổi chiều, đi dọc theo các tuyến đường, không ít đoạn vỉa hè, lề đường được các em biến thành sân chơi bóng đá, cầu lông và một số các trò chơi dân gian khác; các ao, hồ, kênh, mương cũng được biến thành “bể bơi”. Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc… Việc học sinh tự ý rủ nhau đi tắm sông, hồ, ao dẫn đến việc đuối nước đang là hiện trạng đáng tiếc ở nhiều địa phương. Anh Đình Quý, ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thông tin: “Nghỉ hè, trẻ em được nghỉ học nhưng trên địa bàn lại không có nhiều sân chơi đáp ứng nhu cầu vui chơi cho các em nên nhiều em đã trốn bố mẹ rủ nhau đi tắm trên các sông, ao, kênh trên địa bàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước. Vào năm 2020, đã có trẻ bị đuối nước khi tắm trên dòng kênh của xã. Vì vậy gia đình tôi luôn nhắc nhở con em mình về những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”. Không chỉ ở nông thôn, nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố Nam Định cũng lo lắng khi các con bắt đầu kỳ nghỉ hè. Chị Nguyễn Hòa ở đường Hàng Cau (thành phố Nam Định) cho biết: “Cứ mỗi dịp con nghỉ hè là cả nhà tôi lại lo lắng. Tôi cũng muốn con có thời gian nghỉ hè để thư giãn sau một năm học dài nhưng ông bà ở xa, hai vợ chồng tôi phải đi làm, không có thời gian để ở nhà với con. Biết là không nên nhưng tôi vẫn phải để các con ở nhà tự do chơi, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích khi trẻ tự chơi rất có thể xảy ra”.
Nhằm quan tâm, chăm sóc trẻ em trong kỳ nghỉ hè, sau khi kết thúc năm học, các nhà trường đều lập danh sách học sinh gửi về địa phương, kết hợp chặt chẽ với địa phương trong quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động hè bổ ích, an toàn, tạo sân chơi cho học sinh như tổ chức Tết Thiếu nhi, trại hè, tuyên truyền phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho học sinh… Đặc biệt, trong dịp hè này nhiều trường học đã kết hợp với đơn vị văn hóa các huyện, thành phố tổ chức mở lớp dạy bơi giúp trẻ em có kỹ năng cơ bản về bơi lội để phòng tránh tai nạn đuối nước. Ở các địa phương, hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ như bơi lội, võ thuật, múa, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng cần thiết đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích như: kỹ năng tham gia giao thông an toàn; kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; kỹ năng tự bảo vệ… cũng được triển khai rộng rãi, nhiều cá nhân còn đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi để trẻ em được vui chơi trong dịp hè. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa đọc cũng được nhiều địa phương, đơn vị quan tâm. Ngay từ khi học sinh chuẩn bị nghỉ hè, Thư viện tỉnh đã sắp xếp lại phòng đọc, tăng cường cán bộ và bổ sung nhiều đầu sách, nhất là truyện để các em đọc, tham khảo, mượn sách với mong muốn các em giảm bớt áp lực học tập sau một năm học.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh; công văn về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; công văn về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em; đồng thời yêu cầu các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tích cực phối hợp thực hiện. Các ban, ngành, đoàn thể và địa phương tích cực tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Đối với huyện Nghĩa Hưng, hàng năm UBND huyện đều tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi; phòng, chống đuối nước nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, nhất là đối tượng trẻ em, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước. Nhiều đơn vị đã tổ chức hoạt động dạy bơi như tại Bể bơi Trung tâm huyện, bể bơi xã Nghĩa Phú, bể bơi các trường: Tiểu học Nghĩa Phú, THCS Nghĩa Hải, THPT B Nghĩa Hưng… Ngoài ra, hàng ngày, tại các bể bơi đều có hàng trăm lượt người đến tham gia các hoạt động bơi lội.
Bên cạnh đó, để tổ chức tốt các hoạt động trong dịp hè cho thiếu nhi, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho các em có cơ hội thể hiện khả năng, năng khiếu của bản thân, các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh đã triển khai linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương như: tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”; tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, chương trình bảo vệ trẻ em. Duy trì một số mô hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động trại hè kỹ năng cho học sinh, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu… Thông qua các hoạt động, giúp các em học sinh có kỳ nghỉ hè an toàn, vui tươi, bổ ích sau một năm học tập, rèn luyện căng thẳng. Bên cạnh đó, nỗ lực nhằm giảm thiểu tổn hại trẻ em, nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung vào hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà, trao học bổng, đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; xây dựng các công trình, trường, lớp học, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ. Triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao năng lực số cho trẻ em, đặc biệt tăng cường tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức và kỹ năng cho thiếu nhi, giúp các em nhận biết và sử dụng mạng internet an toàn.
Việc quan tâm chăm lo cho học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích là điều thực sự cần thiết. Qua các hoạt động nhằm tạo điều kiện để các em vừa vui chơi, nghỉ ngơi, vừa học được những kỹ năng hữu ích nhằm phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần trong môi trường lành mạnh, an toàn nhất.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin