Một số ghi nhận từ phong trào thiết kế thiết bị dạy học số

08:51, 27/06/2024

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia trực tiếp vào các hoạt động của con người, trong đó có việc ứng dụng thiết bị dạy học số (TBDHS) vào công tác giảng dạy.

Sở GD và ĐT trao giải cho giáo viên đoạt giải tại Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định năm 2024. Dt
Sở GD và ĐT trao giải cho giáo viên đoạt giải tại Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định năm 2024. 

TBDHS là thiết bị dạy học được xây dựng/thiết kế/số hóa để sử dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số phục vụ cho công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục (CSGD) phổ thông và thường xuyên, gồm: Tư liệu dạy học (bộ tranh ảnh, video clip); Phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo; Thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác được trên máy tính; Các sản phẩm có thể sử dụng trên môi trường số để tăng cường sự trải nghiệm của người học và có thể thay thế thiết bị dạy học truyền thống.

Trước thực trạng thiếu trang thiết bị dạy học khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã phát động phong trào thiết kế TBDHS và ứng dụng TBDHS vào giảng dạy, giúp những tiết học thêm sinh động, cuốn hút. Qua đó, phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển toàn diện các kỹ năng của người học. Phong trào đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhà giáo tại các CSGD trong tỉnh. Các thầy, cô đã tích cực nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, công nghệ AI, sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy, học, kiểm tra đánh giá để đổi mới phương pháp dạy của thầy và học của trò như: Phần mềm Storyline; phần mềm Ispring; phần mềm Adobe Captive; phần mềm Thinklink; phần mềm Canva; các phần mềm trí tuệ nhân tạo để tạo hình ảnh và giọng nói như Copilot, DID, Open AI, Chat GPT… Nhiều thầy cô đã thiết kế được các phần mềm, các app, các website về thiết bị dạy học có chất lượng tốt như: Phần mềm dạy học toán; website hỗ trợ dạy học môn Giáo dục địa phương tỉnh Nam Định; app phần mềm hỗ trợ lập trình trên điện thoại di động P3... Tiêu biểu là các CSGD trực thuộc các Phòng GD và ĐT: thành phố Nam Định, huyện Hải Hậu, huyện Vụ Bản; các Trường THPT: Ngô Quyền, Nguyễn Đức Thuận, Trần Văn Lan, Lê Hồng Phong, Mỹ Tho, Nam Trực...

Tại Trường Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy), hưởng ứng phong trào làm TBDHS, ngay từ những năm đầu triển khai chương trình giáo dục mới, các giáo viên của nhà trường đã tham gia rất sôi nổi, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên trẻ đã chủ động tham gia các khoá học online, tự học, tự bồi dưỡng về CNTT để tham gia cuộc thi. Các giáo viên trong các tổ, khối chuyên môn đã họp, lên ý tưởng thiết kế và xây dựng các TBDHS, tạo thành kho học liệu. Các TBDHS khi sử dụng vào giảng dạy, học sinh rất thích thú và hào hứng trong học tập, giáo viên nhàn hơn, tiết kiệm được thời gian chuẩn bị tư liệu dạy học...

Tại Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) việc ứng dụng TBDHS vào giảng dạy mang lại rất nhiều lợi ích. Cô Nguyễn Thị Hường, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Cán bộ, giáo viên nhà trường đã tự thiết kế các phần mềm TBDHS để khai thác các kiến thức trong nội dung môn học đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục, đào tạo và phát huy tối đa các ưu điểm, tiện ích của TBDHS như: Sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi; không cần đến thiết bị dạy học trực quan trong điều kiện thiết bị dạy học còn thiếu thốn; làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn. Tại Cuộc thi “Xây dựng TBDHS tỉnh Nam Định” năm 2024, trường đã có 9 thầy, cô giáo đoạt giải cao.”

Cô giáo Phạm Thị Tính, giáo viên Trường THCS Hải Đường (Hải Hậu) đoạt giải Nhất Cuộc thi TBDHS toàn quốc năm 2023 với sản phẩm “Ngôi nhà thông minh” cho biết: "Thời gian qua tôi luôn nỗ lực vươn lên, bắt kịp xu hướng số hóa, trong đó, sản phẩm “Ngôi nhà thông minh” được thiết kế, xây dựng trên phần mềm Visual Studio, hỗ trợ trên nền tảng Microsoft. Giao diện dễ sử dụng, cấu hình nhẹ, chiếm ít dung lượng của bộ nhớ... Sản phẩm được Ban tổ chức đánh giá là một TBDHS rất hữu ích trong việc dạy học trực tiếp, trực tuyến. Khi áp dụng TBDHS này, học sinh ghi nhớ kiến thức lâu hơn, đồng thời thu hút sự chú ý của học sinh vào bài giảng, tạo hứng thú học tập cho các em; giúp học sinh có thể tự học, tự kiểm tra..., đồng thời, giúp học sinh sử dụng, tương tác trực tiếp trên môi trường số, từ đó phát huy được phẩm chất, năng lực người học".

Những năm gần đây, Sở GD và ĐT đã tổ chức các cuộc thi xây dựng TBDHS nhằm xây dựng và phát triển kho học liệu số về TBDHS có chất lượng, chia sẻ và sử dụng rộng rãi trong các CSGD; khuyến khích phong trào thiết kế, sáng tạo làm thiết bị dạy học trong giáo viên và những tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung, khắc phục những khó khăn về thiết bị dạy học tại các CSGD trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới. Cuộc thi Xây dựng TBDHS tỉnh Nam Định năm 2024 thu được tổng số 1.808 sản phẩm dự thi; trong đó, khối Phòng GD và ĐT có 1.611 sản phẩm (1.260 sản phẩm cấp tiểu học, 351 sản phẩm cấp THCS): khối trường THPT có 197 sản phẩm. Nhiều sản phẩm dự thi đã bám sát yêu cầu về thiết bị dạy học tối thiểu và chương trình giáo dục, thể hiện được mục đích, yêu cầu của bài học; được xây dựng công phu, tỉ mỉ, có ý tưởng hay, sáng tạo, đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mĩ; thể hiện được mục đích yêu cầu của bài học; có tính trực quan, định hướng hoạt động nhận thức tích cực và kích thích hứng thú, khả năng sáng tạo, tư duy học tập cho người học. Nhiều sản phẩm thiết kế đẹp từ hình ảnh đến âm thanh, có hệ thống bài tập tương tác với học sinh, khả năng tương tác với người học tốt; dễ cài đặt, dễ sử dụng, có thể tái sử dụng với các chủ đề, lớp học, môn học khác nhau. Sở GD và ĐT đã công nhận kết quả cho 1.440 sản phẩm dự thi (trong đó 31 giải Nhất, 70 giải Nhì, 113 giải Ba, 370 giải Khuyến khích và 856 sản phẩm đạt yêu cầu). Cuộc thi là cơ sở để đánh giá việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy học tại các CSGD trong tỉnh. Đồng thời, lan tỏa những cách làm hay, kho học liệu số chất lượng, phương pháp tổ chức dạy học hiệu quả để từ đó nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục trong các nhà trường.

Việc thiết kế và ứng dụng TBDHS vào quá trình dạy học đang rất cần thiết và hữu ích, nhằm bổ sung, khắc phục những khó khăn về thiết bị dạy học tại các CSGD, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Bộ GD và ĐT và phù hợp xu hướng đổi mới phương pháp dạy học trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những kết quả đã đạt được với sự tham gia hào hứng của giáo viên và sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh cho thấy tính thiết thực, kịp thời của phong trào. Để thu hút hơn nữa sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên vào thiết kế TBDHS và áp dụng TBDHS vào giảng dạy, các cơ quan quản lý giáo dục, các CSGD cần tiếp tục quan tâm, có những quy định đi đôi với giải pháp bồi dưỡng, hỗ trợ, động viên, khích lệ giáo viên trong nhà trường tích cực ứng dụng CNTT, xây dựng kho TBDHS để nâng cao chất lượng dạy của giáo viên, tăng thêm cơ hội học tập linh hoạt ở môi trường số cho học sinh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com