Học sinh trong toàn tỉnh sắp bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT. Đỗ được vào lớp 10 của các trường THPT công lập là mong muốn của phần lớn phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 65% chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập; 35% số học sinh còn lại sẽ có những lựa chọn nào? Đây đang là nỗi băn khoăn lớn của nhiều gia đình.
Phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Mỹ Trung (Mỹ Lộc) tham gia một buổi tư vấn tuyển sinh. |
Có con năm nay thi vào lớp 10, chị Thu Trà ở đường Đặng Việt Châu (thành phố Nam Định) mới thật sự thấm thía cảnh học bài cùng con. Tuy con chăm chỉ, quyết tâm cho kỳ thi sắp tới nhưng với lực học trung bình, để chọn trường phù hợp với con, chị phải cân nhắc kỹ từng trường, dựa vào điểm chuẩn các năm trước và tư vấn của giáo viên. Nhận thấy nguyện vọng của con khi đỗ vào trường THPT công lập là khá xa vời, quá sức với năng lực của con, nhiều lần khuyên con đổi nguyện vọng nhưng không thành, bởi con khẳng định đó là mục tiêu riêng và sẽ cố gắng hết sức nên chị chiều theo ý của con. Nếu không đỗ vào trường THPT công lập, con chị vẫn còn nhiều lựa chọn khác từ trường ngoài công lập, đến các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề. Còn anh Đức Quân ở huyện Trực Ninh lại xác định cho con vào học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) của tỉnh. Anh đánh giá năng lực học của con chỉ tầm trung bình, khó để “đọ” được với các thí sinh khác khi đăng ký dự thi vào trường THPT công lập trên địa bàn. Tuy vậy, anh vẫn để con đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10, với tâm lý thi để biết sức mình, “Con đỗ được thì tốt, mà không đỗ cũng chẳng sao” bởi ở độ tuổi của con, chỉ cần một môi trường học tập tốt, chưa phải áp lực xác định ngành nghề tương lai như lớp 12, miễn con cảm thấy thoải mái sẽ phát huy hết khả năng. Hiện nay, ở các Trung tâm GDNN-GDTX, học sinh sẽ được học nghề song song chương trình văn hóa, sau ba năm vừa lấy bằng trung cấp, vừa tốt nghiệp THPT.
Thực tế, hàng năm, sau kỳ thi vào lớp 10 THPT, không ít học sinh trượt các trường THPT công lập sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng không biết con đường tiếp theo sẽ như thế nào. Tuy nhiên, trượt lớp 10 trường THPT công lập không phải là “bước đường cùng” của các em học sinh. Vẫn có những ngôi trường khác đón chào các em: trường dân lập, trường nghề, hệ thống GDNN-GDTX. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm các trung tâm GDNN-GDTX của tỉnh dạy văn hóa, dạy nghề cho khoảng 6.000 học sinh, 6 trung tâm GDTX, GDNN-GDTX còn liên kết dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT cho 5 trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh với tổng số 3.138 học viên. Với các mô hình GDNN-GDTX, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa chương trình THPT. Sau khi hoàn thành chương trình văn hóa, các em sẽ có bằng tốt nghiệp THPT, trung cấp nghề và được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học.
Bên cạnh đó là hệ thống các trường ngoài công lập tuyển sinh khoảng gần 2.900 học sinh; Trường cấp III Nông nghiệp thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tuyển sinh học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, ngoài việc được dạy văn hóa, được cấp bằng THPT, sau khi tốt nghiệp học sinh được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) và chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4. Đặc biệt, năm học này, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX tỉnh nằm trên địa bàn thành phố Nam Định, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ GDTX, dạy nghề sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận được học chương trình THPT hệ GDTX. Dự kiến năm học 2024-2025, Trung tâm sẽ tuyển sinh 4 lớp 10 với 160 học sinh. Thầy giáo Trần Văn Độ, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX tỉnh cho biết: “Năm học mới 2024-2025 là năm đầu tiên tuyển sinh lớp 10 tại trung tâm nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, phụ huynh và học sinh có thể yên tâm bên cạnh việc dạy văn hóa, chúng tôi chú trọng giáo dục đạo đức, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Trong quá trình học tập, học sinh sẽ sớm được tư vấn hướng nghiệp; học nghề để sau khi tốt nghiệp các em sớm định hình được năng lực, lựa chọn được nghề nghiệp theo khả năng và thị trường lao động”. Đây cũng là một “hướng mở” khá tốt cho các em lựa chọn khi không đỗ vào các trường THPT công lập.
Những năm gần đây, từ chủ trương, chính sách, công tác định hướng phân luồng và sự đầu tư nâng cấp trường nghề đồng hành cùng hệ thống GDTX, các doanh nghiệp đã tạo nhiều cơ hội học tập, việc làm cho học sinh; từ đó thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh khi con em vào học tại các Trung tâm GDNN-GDTX và các trường nghề. Để thu hút học sinh, các trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; đẩy mạnh kết nối, liên thông đào tạo giữa các trường và doanh nghiệp; tăng thời lượng thực hành trực tiếp trên các thiết bị mới, hiện đại tại các nhà máy, xí nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên vừa học vừa làm sát với thực tiễn để từ đó có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Dù ở trường ngoài công lập, trường nghề hay các Trung tâm GDNN-GDTX, mỗi nơi đều bồi dưỡng kiến thức văn hóa và những kỹ năng khác cho các em học sinh. Bất cứ môi trường nào cũng có thể giúp đỡ các em thành công trong cuộc sống. Bên cạnh đó việc vừa học văn hóa, vừa học nghề có thể xem là cơ hội cho học sinh bởi có nhiều chính sách học bổng và chi phí học tập thấp; chương trình đào tạo ngắn hạn gắn với thực tiễn, xu thế mới giúp người học giảm bớt thời gian và dễ kiếm việc làm, nhất là khi thị trường lao động đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề. Quan trọng hơn, học tại trường nghề, các trung tâm, các em có cơ hội vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa, vừa có bằng nghề hoặc có điều kiện liên thông lên cấp bậc cao đẳng, đại học. Các em cũng có cơ hội việc làm ở trong nước hay nước ngoài với thu nhập ổn định. Đồng thời góp phần làm giảm áp lực cho các tuyến trường công, giải tỏa áp lực cho các phụ huynh, học sinh; khơi gợi, thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp hoặc tiếp tục con đường học vấn thông qua các trường liên thông.
Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có khoảng 28 nghìn học sinh lớp 9 hoàn thành chương trình THCS thi vào lớp 10; chỉ tiêu tuyển khoảng 65% học sinh vào các trường THPT công lập. Với số lượng học sinh lớn, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập có giới hạn, nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hàng năm vẫn được xem là một trong những kỳ thi khá căng thẳng. Vì vậy, bên cạnh việc động viên các con, tạo điều kiện cho các con được ôn tập tốt nhất, các bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn tâm thế và phương án nếu như kỳ vọng không được như ban đầu. Và quan trọng hơn cả, hãy biến kỳ vọng, sự ưu tiên đơn giản là sự lựa chọn. Dù không thể vào trường công lập, các em vẫn có nhiều hướng đi, nhiều cơ hội khác để đi đến thành công.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin