Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) là xu hướng tất yếu hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Là ngôi trường chất lượng cao của thành phố Nam Định với bề dày truyền thống, Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) đã đẩy mạnh CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục.
Một giờ học ứng dụng công nghệ thông tin tại Trường THCS Trần Đăng Ninh. |
Cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý. Nhà trường đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng internet, khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ dạy học và quản lý, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên sử dụng các phần mềm liên quan. Nhờ có CĐS mà công tác quản lý, dạy học được thực hiện khoa học, bài bản hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục”.
Để tạo thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng dụng CNTT, CĐS vào thực hiện nhiệm vụ, nhà trường kết nối mạng internet giúp giáo viên cập nhật thông tin kịp thời và ứng dụng trong soạn giảng. Cả 33/33 lớp học, các phòng học chức năng của trường đều được trang bị ti vi có kết nối mạng internet. Tất cả các cán bộ, giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; kỹ năng thiết kế bài giảng e-learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số; kỹ năng quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục kỹ năng về an toàn thông tin.
Ứng dụng CNTT, CĐS để đổi mới công tác quản lý, nhà trường đã triển khai áp dụng các phần mềm quản trị trường học như Vnedu, Misa, triển khai Sổ điểm điện tử, Học bạ điện tử. Các giáo viên đều được cấp chữ ký số. Nhà trường triển khai thu dịch vụ giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt và 100% phụ huynh đều thực hiện tốt. Trường chú trọng việc phát hiện các lỗ hổng bảo mật, an toàn an ninh mạng. Bước đầu mua các phần mềm để bảo đảm hệ thống máy tính vận hành hàng ngày.
Trong công tác chuyên môn, cán bộ quản lý sử dụng các phần mềm Vnedu, cơ sở dữ liệu để quản lý đánh giá xếp loại học sinh, phần mềm dạy học khi cần dạy trực tuyến như Zoom, Meet... Tất cả giáo viên cơ bản sử dụng thành thạo phần mềm Vnedu để quản lý thông tin cá nhân và thông tin học sinh của lớp. Để khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên về việc sử dụng các phần mềm: Vnedu, Google meet, Zoom, vnEdu teacher, vnEdu Connect..., giúp đội ngũ sử dụng thành thạo hơn các phần mềm vào công việc của mình. Đặc biệt, các phần mềm, các công cụ được đa số giáo viên sử dụng để tra cứu và tiếp nhận thông tin qua trang web, zalo; tạo phòng họp trực tuyến qua: Google meet, Zoom...; nhập dữ liệu nhà trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên phần mềm vnEdu; hoặc sử dụng PowerPoint để thiết kế bài giảng; sử dụng phần mềm Camtasia để làm các video; phần mềm kế toán (Misa); phần mềm xếp thời khóa biểu...
Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng tương đối thành thạo máy tính trong công tác soạn giảng và những công việc được phân công. Đặc biệt, nhiều nội dung CĐS được 100% giáo viên nhà trường tích cực thực hiện như: Đẩy mạnh học hỏi, ứng dụng CNTT vào soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng đa dạng các phương thức truyền tải thông tin, kiến thức qua: âm thanh, hình ảnh, trò chơi,… chứ không đơn thuần bằng phương pháp đọc - chép truyền thống, giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức và tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học, tiết dạy, môn học. Nhất là đối với những môn Khoa học xã hội có lượng kiến thức lớn, thì việc ứng dụng CNTT đã đem lại hiệu quả tích cực. Em Ngô Cẩm Ly, lớp 9A3 cho biết: “Các thầy, cô giáo đã ứng dụng CNTT để làm sinh động thêm bài giảng của mình. Từ đó, chúng em thấy mỗi giờ học đều hào hứng, hấp dẫn hơn, chúng em mạnh dạn, tự tin hơn khi thể hiện năng lực của mình. Ngoài ra, thông qua các hoạt động kết nối, hoạt động nhóm, chúng em có cơ hội được phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc lĩnh hội kiến thức”.
Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo thông qua việc tích cực ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động chuyên môn, nhiều thầy, cô đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đơn cử, giáo viên tự thiết kế các phần mềm thiết bị dạy học số để khai thác các kiến thức trong nội dung môn học để đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018 và biết phát huy triệt để các ưu điểm, tiện ích của thiết bị dạy học số như: Sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi; không cần đến thiết bị dạy học trực quan trong điều kiện việc mua sắm thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn; đáp ứng yêu cầu CĐS trong giáo dục. Tại cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định năm 2024”, trường có 9 thầy, cô giáo đoạt giải, gồm các thầy cô: Nguyễn Thị Hường, Phạm Thị Hải Quỳnh, Trần Thị Thùy Dương đoạt giải Nhất; Tô Thị Bình, Đào Ngọc Cao, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Bùi Xuân Quỳnh đoạt giải Nhì; Phan Thị Thơm, Bùi Thị Nhung đoạt giải Ba. Kết quả trên là minh chứng cụ thể cho tinh thần tự học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh với quá trình CĐS, đổi mới phương pháp trong dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 của cán bộ, giáo viên nhà trường.
Từ việc ứng dụng CNTT, CĐS đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của nhà trường. Nhiều năm qua, chất lượng đại trà của trường luôn ở vị trí dẫn đầu khối THCS thành phố. Tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường THPT công lập hàng năm đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT chuyên (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường chuyên của Bộ GD và ĐT) hàng năm chiếm 65-75%. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024, Trường THCS Trần Đăng Ninh giành 201 giải trong tổng số 242 giải của đơn vị thành phố Nam Định; trong đó có 15 giải Nhất, 97 giải Nhì, 61 giải Ba, 28 giải Khuyến khích, góp phần đưa thành phố Nam Định xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn, đứng đầu trong tổng số 10 huyện, thành phố tham gia kỳ thi. Trường THCS Trần Đăng Ninh cũng là cơ sở giáo dục có nhiều học sinh đạt giải nhất tỉnh. Đặc biệt, các đội tuyển: Toán 8, Sinh học 9, tiếng Anh 8, tiếng Anh 9, Tin học 9 luôn xếp thứ Nhất tại các kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Các học sinh tham dự cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ I tỉnh Nam Định năm 2024” với sản phẩm “Làm giường - bảng, bàn gấp cho trường học thiếu thốn cơ sở vật chất” đã đoạt giải Ba cấp tỉnh và giải bình chọn sản phẩm được yêu thích nhất.
Nhiệm vụ CĐS tại Trường THCS Trần Đăng Ninh đã và đang được triển khai bài bản, tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình CĐS toàn diện giai đoạn tiếp theo của nhà trường.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin