Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn tỉnh từ năm học 2020-2021, đến nay chương trình cơ bản đã đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT).
Cô và trò Trường Tiểu học Trung Thành (Vụ Bản) trong một giờ học theo phương pháp mới. |
Để thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn tỉnh, ngành GD và ĐT tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều giải pháp: Mở rộng truyền thông nội bộ thông qua xây dựng chuyên trang về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố để từng cán bộ, giáo viên hiểu, nắm chắc về chương trình GDPT tổng thể, về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, đồng thời là những tuyên truyền viên trực tiếp tuyên truyền về chủ trương này tới học sinh và phụ huynh học sinh. Qua đó các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội, phụ huynh học sinh và cộng đồng hiểu và chung tay với ngành Giáo dục trong quá trình thực hiện các nội dung đổi mới như: Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh; cải tạo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện; trong quá trình rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD và ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo chất lượng các hoạt động GD và ĐT; lựa chọn, mua sắm, sử dụng sách giáo khoa; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục… Các cơ sở giáo dục đã tích cực, sáng tạo, có nhiều giải pháp tích hợp lồng ghép các nội dung đổi mới chương trình GDPT trong sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, các hoạt động giáo dục của nhà trường; tuyên dương các giáo viên tích cực trao đổi các nội dung chuyên môn, trao đổi về chương trình GDPT mới trên hệ thống trường học kết nối, bài giảng E-Learning…
Theo đánh giá của Sở GD và ĐT, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đã bước đầu đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Theo đó, chương trình đã tăng cường các hoạt động trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thời đại; đã kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa GDPT năm 2006, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định kiểm kê sách và dụng cụ học tập chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025. |
Quá trình thực hiện, các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới; đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường. Cơ bản đội ngũ giáo viên và học sinh toàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu dạy học các môn học. Học sinh hứng thú hơn với các giờ học nhờ đổi mới cách giảng dạy, truyền đạt, giúp các em được chủ động trong việc tiếp thu tri thức, thúc đẩy tự học, mạnh dạn tham gia vào quá trình trao đổi, thảo luận, chia sẻ, trình bày, thực hành, thí nghiệm... Về phía giáo viên được giảm tải về thời lượng soạn bài, làm việc trên lớp, chuẩn bị tài liệu. Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp dạy học được các trường chú trọng; cán bộ, giáo viên các trường tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về đổi mới phương pháp dạy học do Sở, Phòng GD và ĐT tổ chức; sau tập huấn, các nhà trường đã tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn và áp dụng vào công tác dạy và học phù hợp thực tiễn; dạy học bám sát từng đối tượng học sinh; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình. Giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận tri thức và vận dụng; tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường nhằm phát huy tính sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh, tạo ra các môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất; nhiều trường được đầu tư thiết bị dạy học phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực.
Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương quan tâm tới giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục, đặc biệt là việc trang bị máy móc thiết bị đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học. Đội ngũ giáo viên được các nhà trường sắp xếp, phân công hợp lý. Theo thống kê, tỷ lệ về kết quả học tập của học sinh các khối lớp khi thực hiện Chương trình GDPT 2006 và khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 có sự chênh lệch không đáng kể (khoảng 3%). Qua đó cho thấy chương trình mới phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh toàn tỉnh.
Hiện nay, khó khăn trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới là việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD và ĐT. Do điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, các nhà trường chỉ có thể mua sắm thiết bị đơn giản, chưa tiến hành mua đồng bộ các thiết bị chuyên dùng. Khu vực thành phố, các cụm công nghiệp ở các xã, phường, thị trấn tập trung đông dân cư chịu sức ép về sĩ số học sinh/lớp đối với các trường trên địa bàn. Quá trình thực hiện đổi mới, các cơ sở giáo dục đánh giá chất lượng, nội dung sách giáo khoa GDPT: cơ bản ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng phù hợp với lứa tuổi học sinh, không có vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, dân tộc, tôn giáo; nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thể hiện trong sách giáo khoa đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục. Tuy nhiên chất lượng, nội dung sách giáo khoa vẫn còn có những hạn chế nhất định: Nội dung bài học trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách giáo khoa của các đơn vị làm sách khác nhau; hệ thống câu hỏi/bài tập luyện tập trong một số bài của một số môn còn chưa được tinh giản, chọn lọc; việc hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học trong môn học, bài học còn hạn chế; một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi sách giáo khoa được sử dụng.
Để tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Bộ GD và ĐT cần bổ sung nội dung tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giáo viên dạy chương trình mới đi sâu vào kỹ năng dạy học: thiết kế bài dạy, xây dựng tiết dạy minh họa. Tăng cường nhiều đợt tập huấn trực tiếp cho giáo viên; tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm cho giáo viên. Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chương trình theo hướng đổi mới phương pháp, đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tế và yêu cầu đặt ra.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin