Đảm bảo an toàn cho trẻ ở các khu vui chơi

10:32, 17/06/2024

Với mong muốn cho con em mình được giải trí, thư giãn sau những giờ học căng thẳng, nhiều gia đình đã lựa chọn đến những khu vui chơi có không gian rộng rãi cả ở ngoài trời và trong nhà. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhiều khu vui chơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trẻ em vui chơi tại một trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Nam Định dịp hè.
Trẻ em vui chơi tại một trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Nam Định dịp hè.

Dạo quanh các khu vui chơi ngoài trời vào những ngày cuối tuần, điều dễ nhận thấy là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ chưa được coi trọng đúng mức. Tại hầu hết các địa điểm vui chơi, chỉ thấy “bóng dáng” của nhân viên kiểm soát vé chứ không thấy nhân viên thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn trẻ vui chơi để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vui chơi không an toàn của trẻ và nhất là thực hiện cứu hộ khi có tình huống bất ngờ. 

Vào mùa hè, từ 17 giờ chiều đến tối muộn, khu vực trước Khách sạn Nam Cường, khu vực Quảng trường Hòa Bình hay khu vực Quảng trường 3-2, Tượng đài Trần Hưng Đạo… có đông trẻ em vui chơi bằng xe mô tô mini, ô tô điện, xe điện tự cân bằng... Chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng cho 10 phút, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền thuê xe điện cho con tự điều khiển xe chạy trong khu vực công viên. Đáng lo ngại là tại những khu vực này có nhiều hàng quán tự phát, nhiều phương tiện qua lại, gần khu vực đỗ xe ô tô, dễ gây ra va chạm giữa loại xe điện trò chơi với xe máy, người đi bộ… trong khi các loại xe điện trò chơi dành cho trẻ em có kích thước nhỏ, thấp, tốc độ khá nhanh, người đi đường sẽ khó quan sát. Bên cạnh đó, do số lượng xe quá nhiều trong khuôn viên hẹp, nhiều trẻ lái tự do không có kiểm soát của bố mẹ khiến hình thức vui chơi này trở nên bất cập và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đã không ít trường hợp trẻ tự lại xe điện đâm vào nhau, gây hậu quả không nhỏ. Chị Trần Thị Dung, ở thành phố Nam Định cho con đến chơi tại Quảng trường Hòa Bình cho biết: “Thấy ở Quảng trường Hòa Bình không gian thoáng mát, có nhiều dịch vụ trò chơi cho trẻ em nên tôi cũng đưa con đến chơi. Nhưng khi chứng kiến các bạn nhỏ lái xe điện chạy nhanh rất nguy hiểm, tôi thấy khá lo ngại. Có những bé đâm xe vào nhau gây trầy xước cả chân”.

Trẻ em vui chơi tại một trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Nam Định dịp hè.
Trẻ em vui chơi tại một trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Nam Định dịp hè.

Ngày cuối tuần, hầu hết nhà sách, trung tâm thương mại có các dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em đều tấp nập, nhộn nhịp với đa dạng loại trò chơi phổ biến như: Nhà bóng, nhà phao, ống trượt, tàu hỏa, xúc cát... Đa số chủ đầu tư của các khu vui chơi đều khai thác tối đa diện tích để có thể tích hợp nhiều trò chơi nên không gian khá chật chội. Thêm vào đó, không khí ngột ngạt, ánh sáng xanh đỏ lập lòe cùng tiếng ồn lớn từ trò chơi, quạt gió, loa đài có công suất quá lớn không phù hợp với môi trường vui chơi của trẻ nhỏ. Trò chơi xúc cát, sỏi hay chơi hạt xốp trắng giả tuyết thường thu hút sự thích thú của trẻ nhỏ bởi có các loại đồ chơi như máy xúc, xe tải... để chơi cùng. Tuy nhiên, những viên sỏi nhỏ khi trẻ nghịch, bốc ném đã được cảnh báo có thể trở thành dị vật gây hại khi mắc kẹt trong đường hô hấp hoặc bắn vào tai; cát có thể bay vào mắt hoặc vào đường hô hấp của trẻ… Mặc dù đây là trò chơi chỉ dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên nhưng không ít phụ huynh vẫn cho con dưới 3 tuổi chơi, người quản lý, trông coi điểm vui chơi cũng không cảnh báo nhắc nhở. Tại các bệnh viện, phòng khám nhi trên địa bàn, nhân viên y tế cho biết từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị các bệnh đường hô hấp, viêm nhiễm tai mũi, đau mắt sau khi tham gia trò chơi xúc cát do hạt muồng, cát công nghiệp lọt vào miệng, tai, mắt, mũi. Khu nhà bóng, nhà phao cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh, nuôi dưỡng mầm bệnh và làm dịch bệnh lây lan bởi những quả bóng hay sàn nhà phao ít khi được lau rửa, vệ sinh. Có nhiều phụ huynh dỗ con em mình bằng cách mang bánh trái, cháo, sữa vào trong khu vui chơi khiến vụn bánh, cơm, cháo dính vào đồ chơi.

Việc các khu vui chơi tự phát nở rộ như hiện nay đã phần nào giải quyết tình trạng thiếu hụt sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần sự quan tâm từ các cơ quan chức năng và gia đình. Để quản lý những khu vui chơi dành cho trẻ em, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác động tiêu cực của các loại trò chơi không bảo đảm an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tại các khu vui chơi; coi trọng vấn đề bảo đảm vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh tại những không gian chơi chung. Trẻ em luôn hiếu động, tò mò và ham thích khám phá thế giới bên ngoài, háo hức được trải nghiệm các trò chơi mới lạ nhưng kỹ năng phòng tránh tai nạn, tự bảo vệ bản thân chưa có. Do vậy, phụ huynh cần giám sát chặt chẽ, lựa chọn trò chơi phù hợp với con em mình và trang bị kiến thức bảo vệ sự an toàn của các em khi tham gia những hoạt động vui chơi trong nhà và ngoài trời.

Đảm bảo sự an toàn cho trẻ trong các khu vui chơi không chỉ giúp các em nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, mà còn hướng các em đến những điều mới lạ, khơi gợi hứng thú, thúc đẩy trẻ suy nghĩ, hoàn thiện quá trình phát triển về cả thể chất và tâm hồn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com