Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh dại trên cả nước diễn biến khá phức tạp, xuất hiện nhiều trường hợp người bị chó, mèo cắn, tiềm ẩn nguy cơ đối với cộng đồng. Vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống bệnh dại (PCBD) cho đàn chó, mèo cần được các cấp, ngành chức năng và các địa phương chú trọng thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tiêm phòng cho đội chó nghiệp vụ. |
Thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có từ 80 đến 98 nghìn hộ có nuôi chó, mèo với tổng số từ 110-128 nghìn con. Trong đó chủ yếu là nuôi chó làm cảnh, trông giữ nhà, mỗi hộ nuôi từ 1-2 con. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đàn chó, mèo, ngày 16/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về việc PCBD giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định. Bên cạnh đó, công tác thống kê, quản lý đàn chó được UBND cấp xã triển khai thực hiện từ tháng 2, tháng 3 hàng năm để phục vụ công tác tiêm phòng và triển khai các biện pháp PCBD. Hàng năm, tỉnh triển khai 2 đợt tiêm tập trung vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10, đồng thời chỉ đạo tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho những chó, mèo mới phát sinh. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tăng qua các năm, cụ thể năm 2022 toàn tỉnh tiêm được 57.173 con chó, đạt 42,3% tổng đàn; năm 2023 tiêm được 62.077 con chó, đạt 56,73% và năm 2024 theo kế hoạch phấn đấu tiêm đạt trên 70% tổng đàn. Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân năm 2024, ngày 22/3/2024, UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác PCBD. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là đối với bệnh dại. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật được nâng cao; tiêm vắc-xin dại cho động vật được tổ chức tốt. Đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dại được 66.344 con chó, mèo, đạt 139,1% kế hoạch, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn về các biện pháp PCBD trên động vật và kỹ thuật tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó cho gần 170 lượt trưởng thú y các xã, phường, thị trấn, đại diện các cơ sở chăn nuôi, cơ sở buôn bán thuốc thú y, người hành nghề thú y trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; các quy định về xử phạt đối với trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi, thú y để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi. Các huyện, thành phố tăng cường triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, thông qua hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã, thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Nội dung tuyên truyền tập trung cung cấp các thông tin về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống; các quy định bắt buộc về khai báo, quản lý đàn chó, mèo nuôi và tiêm phòng vắc-xin dại; các biện pháp xử lý khi bị chó, mèo cắn. Cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố còn phân công cán bộ kỹ thuật, trực tiếp xuống cơ sở: Tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dấu hiệu nhận biết bệnh dại, các biện pháp xử lý khi có chó, mèo bị dại, nghi bị dại; vận động người dân thực hiện nghiêm túc tiêm vắc-xin dại cho đàn chó, mèo…
Tuy nhiên, một số địa phương tổ chức triển khai tiêm phòng còn chậm so với kế hoạch của tỉnh; chưa kịp thời tổng hợp, báo cáo kết quả tiêm phòng theo quy định; còn tình trạng người dân không chấp hành quy định tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc, gia cầm nói chung và nhất là với bệnh dại. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các địa phương, từ năm 2022 đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 3.469 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng; trong đó năm 2022 là 1.164 người, năm 2023 là 2.305 người. Nhận thức của một số cơ sở và người dân về công tác PCBD chưa cao, còn chủ quan lơ là, không chấp hành các quy định về PCBD, nhất là việc quản lý chó nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Các địa phương chưa tập trung chỉ đạo việc thống kê, đăng ký, quản lý chó nuôi; việc sáp nhập các thôn, xóm, xã nên công tác quản lý, nắm bắt địa bàn khó khăn; còn tình trạng chó thả rông, không xích nhốt, gây ô nhiễm môi trường; chưa thực hiện bắt chó thả rông ở nơi công cộng. Công tác tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại chưa triển khai quyết liệt; một số địa phương giao cho lực lượng thú y tự tổ chức tiêm phòng nên tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc áp dụng thực hiện các chế tài xử lý vi phạm quy định về PCBD và quy định về chăn nuôi ở cơ sở còn hạn chế, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại áp dụng chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm nên không có tính răn đe cho cộng đồng, người dân.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCBD cho đàn chó, mèo, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về: Sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp PCBD; quy định về quản lý đàn chó, mèo nuôi, trách nhiệm của người nuôi trong việc quản lý và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo; hướng dẫn người bị chó, mèo cắn các biện pháp xử lý ban đầu và phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vắc-xin; giám sát, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và Y tế trong PCBD. Áp dụng thực hiện các chế tài xử lý vi phạm quy định về PCBD theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xử lý các hành vi thả rông động vật nuôi; thả rông động vật nuôi trong thành phố hoặc nơi công cộng, nuôi động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin