Với mục tiêu tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều được bảo vệ, phát triển toàn diện, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Xuân Trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cộng đồng xã hội thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em (CSTE).
Các cháu Trường Mầm non Xuân Ninh (Xuân Trường) trong giờ ăn trưa. |
Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Xuân Trường, hiện nay, toàn huyện có 51.229 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 31,10% tổng dân số, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi có 18.163 cháu; 518 cháu có hoàn cảnh đặc biệt gồm: trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật; trẻ có bố, mẹ đang thi hành án tù, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề về xã hội (ly hôn, có người nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc…) và có 1.771 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, hàng năm, UBND huyện kiện toàn Ban điều hành công tác trẻ em cấp huyện, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban bảo vệ CSTE cấp xã đầy đủ, kịp thời; xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình, mục tiêu bảo vệ CSTE, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phù hợp với trẻ em. Các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quyền cơ bản của trẻ em, các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ năm 2023 đến nay đã phát trên 50 chuyên mục về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn; tổ chức truyền thông tại trên 30 điểm trường học, cộng đồng, tại các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, tiền hôn nhân... về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, thu hút trên 15 nghìn lượt người tham gia; phát hành hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp phổ biến về các quyền trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuyên truyền đến từng gia đình những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ, nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, nhất là phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè… Qua đó nâng cao nhận thức của trẻ em và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Cùng với công tác tuyên truyền, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện đúng, đủ các quyền của trẻ em theo quy định pháp luật, trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trẻ sinh ra được đăng ký khai sinh đúng thời hạn; 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí; trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng, được kiểm tra cân nặng, theo dõi biểu đồ tăng trưởng; hầu hết trẻ dưới 3 tuổi đều được uống vitamin A đúng quy định. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bị tổn thương, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn quan tâm, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng với các trường hợp trong diện hưởng, hỗ trợ về y tế, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em. Toàn huyện có 22 trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi cả cha, mẹ, đều được người thân, người đỡ đầu nhận nuôi dưỡng và được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được ưu đãi giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề và các chính sách khác theo quy định. Bên cạnh đó, huyện tích cực vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, tạo nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo, trợ giúp trẻ em. Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện nhận được hàng trăm triệu đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Vào các dịp Tháng Hành động vì trẻ em và Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện tổ chức tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn trực tiếp đầu tư chương trình, dự án bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; trao tặng học bổng tiền mặt, hiện vật, nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên và giảm bớt khó khăn cho gia đình.
Để bảo đảm quyền học tập của trẻ em, huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các xã, thị trấn triển khai đề án phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huy động toàn dân tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững: Duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 và trẻ hoàn thành THCS vào lớp 10; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 100%; Các trường học đều có sân chơi, khuôn viên tập luyện thể thao, thư viện để đọc sách. Các nhà trường đẩy mạnh việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh về quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; Thường xuyên triển khai việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, năng lực, sự phát triển của trẻ em. Các xã, thị trấn đẩy mạnh xây dựng, duy trì các tiêu chí “xã, thị trấn phù hợp với trẻ em”; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông; kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích; hướng dẫn cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ, phòng, tránh các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, các tệ nạn xã hội; triển khai các hoạt động hè bổ ích, hấp dẫn thu hút trẻ tham gia để có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.
Các khu vui chơi, giải trí, thể thao dành cho trẻ em tại các xóm, tổ dân phố, tại các trường học được các địa phương tập trung, quan tâm quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Các cấp, các ngành, các tổ chức và toàn xã hội, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội các cấp, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, tham quan, du lịch tại các điểm di tích, lịch sử văn hóa… tạo sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích, phù hợp lứa tuổi; khuyến khích các em phát triển thể chất, tư duy, năng khiếu đồng thời tìm hiểu kiến thức pháp luật, kỹ năng để bảo vệ chính mình, nâng cao khả năng chống lại các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm, thông tin độc hại; đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt đã tổ chức thực hiện chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, tổ chức truyền thông đến các cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường về quyền tham gia của trẻ em; tổ chức diễn đàn trẻ em tại một số trường học nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội bày tỏ ý kiến và nguyện vọng của mình giúp cán bộ, giáo viên, phụ huynh hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ em để tư vấn, giáo dục cho các em phát triển toàn diện.
Bằng nhiều chương trình hoạt động, huyện Xuân Trường đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, ngược đãi. Đẩy mạnh phong trào, các mô hình để toàn dân tham gia vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay giúp đỡ về vật chất, tinh thần, cải thiện môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.
Thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ, CSTE. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành đối với công tác bảo vệ, CSTE, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ, phát triển toàn diện, giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Thực hiện tốt các chính sách quy định đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường vận động các nguồn lực xã hội hóa, xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, đẩy mạnh các hoạt động bảo trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo có cơ hội học tập và vui chơi, hòa nhập với cộng đồng. Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Thực hiện các quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin