Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong các chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, với mục tiêu hỗ trợ người lao động mất việc làm ổn định cuộc sống và tìm kiếm công việc mới. Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định (Sở LĐ-TB và XH) đã triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hưởng BHTN cho người lao động, tư vấn, hỗ trợ học nghề, giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động.
Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định được tư vấn, giới thiệu việc làm. |
Do nhiều nguyên nhân như doanh nghiệp giải thể, thay đổi cơ cấu; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải vì không đáp ứng yêu cầu công việc; hết hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc… đã dẫn tới nhiều lao động bị mất việc làm, thu nhập. Để triển khai thực hiện tốt chế độ BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm chủ động phối hợp với Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB và XH), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn, Ban quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị chức năng của các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTN cho người lao động bằng nhiều hình thức như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động, mở tổng đài tư vấn trực tuyến, tư vấn qua trang facebook, qua website; tư vấn trực tiếp cho người lao động đến giải quyết chế độ BHTN. Theo Luật Việc làm, đối tượng bắt buộc tham gia BHTN là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Tham gia BHTN, hàng tháng người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công; người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN. Khi người lao động thất nghiệp và đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng thì được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tới 60% mức bình quân tiền lương, tiền công của 6 tháng đóng BHTN liền kề trước khi thất nghiệp. Người lao động còn được giúp đỡ về tinh thần, không phải lo lắng khi ốm đau, được tư vấn tìm việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề… Nhờ đó, người lao động và chủ sử dụng lao động nắm rõ và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHTN. Đặc biệt là người lao động nắm được các điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi khi chẳng may bị mất việc làm.
Cùng với công tác tuyên truyền, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với BHXH tỉnh giải quyết chính sách cho người lao động kịp thời và đúng quy định. Người lao động khi mất việc làm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ được hướng dẫn thực hiện những thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ. Trung tâm tích cực giải quyết hồ sơ theo mô hình “1 điểm đến” từ tiếp nhận hồ sơ cho đến tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn hỗ trợ người lao động tham gia học nghề, nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Để tạo thuận lợi cho người lao động, Trung tâm bố trí 4 điểm tiếp nhận hồ sơ hưởng BHTN tại trụ sở chính (thành phố Nam Định) và văn phòng tại các huyện Xuân Trường, Ý Yên và Nghĩa Hưng. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ; thực hiện tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Những trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm đều có văn bản trả lời trên hệ thống cho người lao động.
Trên cơ sở tiếp nhận, lập danh sách, xử lý và giải quyết hồ sơ, Trung tâm kịp thời tham mưu lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH quyết định giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng theo quy định. Sau đó, Trung tâm chuyển danh sách đối tượng sang cơ quan BHXH để chi tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong quá trình chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh trao đổi thông tin về đối tượng tham gia BHXH, BHTN, kịp thời ngưng hưởng, thu hồi trợ cấp những trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm mới nhưng không thông báo với Trung tâm. Việc thường xuyên rà soát, phát triển các trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định đã hạn chế thấp nhất việc trục lợi chính sách BHTN.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm, toàn tỉnh hiện có trên 202.300 lao động, thuộc 4.965 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHTN. Năm 2023, Trung tâm tiếp nhận 12.582 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 35 người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 12.104 người có quyết định được hưởng BHTN hàng tháng; 157 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 212 người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp... Tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề gần 203,3 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã hướng dẫn, tư vấn cho 3.331 người làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 262 người sau khi tư vấn không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; 3.260 người có quyết định được hưởng BHTN hàng tháng; 45 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 101 người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; 16 trường hợp có quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp; 56 người được hỗ trợ học nghề. Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.287 người, trong đó 312 người nhận được việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Nguyễn Thanh Hà, người lao động ở phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) cho biết: Cuối năm 2023, do công ty thay đổi cơ cấu sản xuất nên không tiếp tục ký hợp đồng lao động nên chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và được hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau khi được tư vấn và giới thiệu việc làm, đầu tháng 4 chị đã vào làm việc tại Công ty TNHH Youngone Nam Định.
Ông Đàm Văn Túc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Người lao động bị mất việc làm có nhiều nguyên nhân như người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; chế độ làm việc và chính sách đãi ngộ (thời gian làm việc, tiền lương, thưởng) của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Theo phân tích, phần lớn lao động bị mất việc làm đều không có bằng cấp, chứng chỉ nghề (chiếm trên 85%). Trước khi thất nghiệp, người lao động chủ yếu làm nghề may, thêu, dệt, chế biến, chế tạo, dịch vụ… ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Việc triển khai hiệu quả chính sách BHTN đã tạo điều kiện cho người lao động mất việc được trợ cấp tạm ổn định cuộc sống; hỗ trợ người lao động tìm công việc mới phù hợp với khả năng của mình để sớm quay lại thị trường lao động; hỗ trợ học nghề để người lao động có tay nghề, chuyển đổi ngành nghề và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao hơn, qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt chính sách BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về việc làm, chế độ BHTN đến người lao động và người sử dụng lao động với nhiều hình thức phong phú, cung cấp cho người lao động đầy đủ thông tin về chế độ chính sách khi tham gia vào thị trường lao động; đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách việc làm, BHTN. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu về vị trí việc làm trống cho người lao động thông qua kênh điều tra cung cầu lao động, thu thập thông tin thị trường lao động định kỳ hàng tháng tại các địa bàn trong và ngoài tỉnh; Tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 10 hàng tháng và lưu động để kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động. Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được thụ hưởng chính sách BHTN./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin