Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Nam Trực thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Quang cảnh phiên tòa hình sự do TAND huyện Nam Trực tổ chức. |
Đồng chí Bùi Xuân Thọ, Chánh án TAND huyện Nam Trực cho biết: Đơn vị đã tích cực đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Ngay từ đầu các năm công tác, TAND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh các khâu thụ lý vụ án cho đến quá trình giải quyết án. Duy trì việc giao ban hàng tuần để kiểm tra, đôn đốc quá trình giải quyết các vụ án. Đẩy mạnh các phong trào thi đua; kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động làm thêm giờ cho kịp tiến độ giải quyết án. Ngoài việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, rút ngắn trình tự, thời gian giải quyết vụ án bảo đảm khách quan, minh bạch, thuận lợi cho người dân, đơn vị tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, nhất là từ khi TAND tối cao đưa “trợ lý ảo” vào hoạt động, các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tích cực truy cập để nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả công việc.
Không chỉ quan tâm đến tiến độ giải quyết các loại án, TAND huyện Nam Trực còn chú trọng nâng cao chất lượng công tác xét xử. Theo đó, trong quá trình giải quyết án dân sự, TAND huyện đã ký kết quy chế phối hợp với UBND huyện; hàng tháng, lãnh đạo TAND huyện làm việc với lãnh đạo UBND huyện về công tác giải quyết các vụ án dân sự để kịp thời đôn đốc các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện cung cấp chứng cứ cũng như những nội dung có thể khắc phục trong hoạt động hành chính của các cơ quan, tạo điều kiện giải quyết các vụ việc một cách nhanh nhất. Đối với các vụ án dân sự, lãnh đạo đơn vị đều yêu cầu thẩm phán lên kế hoạch giải quyết cụ thể từ khâu tố tụng cho đến quá trình thu thập chứng cứ; nâng cao chất lượng viết bản án. Những vụ án khó khăn về việc nhận thức pháp luật đều được đưa ra tập thể thẩm phán trao đổi để tìm biện pháp cùng tháo gỡ. Nhờ đó, chất lượng hồ sơ vụ án dân sự được nâng lên, khắc phục được tình trạng bản án tuyên không rõ, khó thi hành hoặc phải đính chính, giải thích...
Trong giải quyết án hình sự, TAND huyện Nam Trực đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện để giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp về quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh... đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp oan sai. Công tác xét xử lưu động được TAND Nam Trực chú trọng thực hiện. Các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm của dư luận; chủ yếu với các tội danh như: Mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, buôn bán hàng cấm, vi phạm quy định về an toàn giao thông, trộm cắp tài sản... Địa điểm xét xử lưu động tại các địa bàn gây án hoặc tại nơi cư trú của các bị cáo, qua đó góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong nhân dân. Đơn cử như cuối tháng 1-2024, TAND huyện Nam Trực tổ chức phiên toà lưu động tại Trường THPT Nguyễn Du xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Bùi Văn H (sinh năm 1983), trú tại tổ dân phố Sơn Thọ, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Theo nội dung cáo trạng, buổi trưa ngày 6-11-2023, H điều khiển xe ô tô khách 29 chỗ ngồi trên quốc lộ theo hướng thành phố Nam Định đi huyện Trực Ninh đến nơi đường giao nhau (ngã tư Km số 152+900 Quốc lộ 21 và đường xã Nam Toàn) mặc dù có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng H không giảm tốc độ đã va chạm với xe đạp điện do cháu Lê Thị Ngọc L (sinh năm 2010), trú tại xóm Thượng 1, xã Nam Toàn (Nam Trực) điều khiển từ đường xã Nam Toàn bên phải sang bên trái đường (theo hướng đi của xe ô tô) làm cháu L tử vong. Hành vi của H đã vi phạm Điều 24 Luật Giao thông đường bộ và Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 31 ngày 28-9-2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Qua xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, bị cáo H đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình; tự nguyện bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại số tiền 170 triệu đồng và được người đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo H 18 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Phiên tòa đã thu hút được đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Du và nhân dân trên địa bàn tham dự, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân và học sinh khi tham gia giao thông, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong năm 2023, TAND huyện Nam Trực đã giải quyết, xét xử 411/424 vụ, việc thụ lý, đạt tỷ lệ 97%; tổ chức hòa giải, đối thoại thành công 34 vụ, việc, đạt tỷ lệ 100%; tổ chức 10 phiên tòa rút kinh nghiệm, 3 phiên tòa trực tuyến; thực hiện công khai 242/242 bản án. Việc xét xử, giải quyết các loại án bảo đảm chất lượng, đúng quy định pháp luật, án hình sự không có trường hợp nào xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt người phạm tội, đường lối xét xử cơ bản sát, đúng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, thời gian tới, TAND Nam Trực tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử. Triển khai nghiêm túc nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án; vận hành hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm thời gian và tăng tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của tòa án, đặc biệt là tích cực vận hành phần mềm “trợ lý ảo”. Tăng cường phối hợp các cơ quan tố tụng kịp thời đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm, kiên quyết xử phạt nghiêm các loại tội phạm về tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác giải quyết, xét xử các loại án. Đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin