Nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước của học sinh qua hoạt động giáo dục địa phương

08:42, 17/05/2024

Hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang triển khai các hoạt động giáo dục địa phương (GDĐP) cho học sinh, góp phần giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều tiết học GDĐP được thiết kế có nội dung phong phú, gần gũi, phát huy được sự sáng tạo và hứng thú học tập cho các em.

Hoạt động trình diễn thời trang “Bảo vệ môi trường biển quê hương em” tại Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Hoạt động trình diễn thời trang “Bảo vệ môi trường biển quê hương em” tại Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, GDĐP là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung GDĐP vào Chương trình GDPT góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu GDĐP được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.

Chia sẻ về việc triển khai tiết học này trong Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), thầy Hiệu trưởng Đỗ Hồng Duy cho biết: “Trong Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học, nội dung GDĐP trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của tỉnh. Thông qua đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá của địa phương”. Trên cơ sở chương trình GDĐP cấp tiểu học tỉnh Nam Định, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học cho từng khối lớp. Nội dung GDĐP được tích hợp, lồng ghép thông qua các môn học và hoạt động trải nghiệm. Ngay từ đầu năm học khi xây dựng kế hoạch giáo dục, giáo viên đã xác định rõ nội dung kiến thức GDĐP cần tích hợp, phương thức tích hợp, địa chỉ tích hợp một cách cụ thể rõ ràng qua từng chủ đề của từng môn học hay hoạt động trải nghiệm. Đây là điểm khác biệt giữa nội dung GDĐP cấp tiểu học và GDĐP cấp THCS, THPT của Chương trình GDPT 2018. Những nội dung được giáo viên tích hợp hoặc sử dụng trong dạy các môn học ở khối lớp với mức độ tích hợp có thể tích hợp hoàn toàn (nội dung GDĐP trùng lặp với 1 chủ đề, bài học của môn học) chẳng hạn như chủ đề vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, hoạt động kinh tế; có thể là tích hợp bộ phận hay tích hợp ở mức độ liên hệ. Ngoài ra, nhà trường còn chỉ đạo giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng các chủ đề để tổ chức dưới các phương thức trải nghiệm như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động theo chủ đề một cách linh hoạt sáng tạo như: giao lưu giữa Hội Cựu chiến binh với học sinh nhân buổi nói chuyện truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; hoạt động tìm hiểu về địa phương em qua Tiết sinh hoạt dưới cờ; Lễ kết nạp đội viên học sinh lớp 3 tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); Hoạt động trình diễn thời trang về bảo vệ môi trường biển quê hương em; Đồng ca “Rạng Đông - nơi ấy tình yêu tôi” tại chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng các sự kiện chính trị tại địa phương, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học.

Ở các trường THCS và THPT, nội dung GDĐP được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề ở các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Không dừng lại ở việc giảng dạy trên bục giảng, giáo viên còn kết hợp các giờ ngoại khóa nhằm giúp học sinh thêm thích thú, hăng say học tập, từ đó, khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, có ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để có những hành động thiết thực, góp phần xây dựng quê hương. Tiêu biểu, Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động như: Dọn vệ sinh, thắp hương tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Trần Văn Lan; hưởng ứng chương trình “Tết trồng cây” tại xã Mỹ Hà; dâng hương tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần; tham gia chương trình văn nghệ chủ đề “Bảo tồn văn hóa dân gian”; tham quan Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy)... Qua đó, học sinh được tiếp cận và trải nghiệm trực tiếp tại các khu di tích lịch sử, địa danh văn hoá, từ đó mở rộng, củng cố kiến thức lịch sử - văn hóa, hiểu sâu hơn về quá trình phát triển của quốc gia và dân tộc và giá trị lịch sử - văn hoá của di tích. Sau hoạt động, học sinh có các hình ảnh, bài viết, video ghi lại cảm xúc về trải nghiệm. Em Trần Văn Việt, học sinh của trường cho biết: “Các hoạt động GDĐP rất thú vị và nhiều ý nghĩa, bởi từ các buổi trải nghiệm, chúng em được nghe lại những câu chuyện lịch sử, được trải nghiệm thực tiễn, được tìm  hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của các công trình này. Qua đó, biết ơn, trân trọng hơn quá khứ, nuôi dưỡng thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc”.

Môn học GDĐP đang được thầy và trò các nhà trường hứng thú “trải nghiệm” vì nội dung kiến thức gần gũi, gắn với thực tế địa phương ở chính nơi các em đang sống. Nhiều trường học đang chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung môn học GDĐP trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Đây cũng là cơ sở cho văn hóa học đường phát triển tại mỗi trường học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các nhà trường là tài liệu GDĐP chưa được phát, gây khó khăn cho tổ chức dạy học. Giáo viên phải tìm kiếm tư liệu từ các nguồn khác nhau. Kinh phí chi cho tổ chức hoạt động trải nghiệm còn hạn chế nên tổ chức dạy học tại các nơi như khu di tích, danh lam thắng cảnh, dạy học tại Bảo tàng tỉnh... còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục khó khăn, các nhà trường đã và đang vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm thực hành và sự hỗ trợ của thiết bị dạy học số để nội dung GDĐP được thực hiện hiệu quả, góp phần hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com