Xây dựng gia đình văn hóa gắn với gia đình học tập

08:15, 29/04/2024

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai sâu rộng, gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào, đã thu hút được sự tích cực tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Phong trào cũng thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình học tập như: gia đình học tập, dòng họ học tập, công dân học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập từ việc đưa các chỉ tiêu về học tập vào thang bảng điểm để xét các danh hiệu văn hoá tại cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Người dân xã Bạch Long (Giao Thủy) tìm hiểu các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập.
Người dân xã Bạch Long (Giao Thủy) tìm hiểu các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập.

Trong quá trình triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa, các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phương hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế mỗi địa phương. Đặc biệt, các địa phương đã gắn phong trào này với xây dựng gia đình học tập. Nhiều tổ chức, đoàn thể đã đẩy mạnh lồng ghép việc xây dựng gia đình văn hóa vào các phong trào thi đua, như: xây dựng “Làng văn hóa”; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; việc thực hiện nếp sống văn minh, quy ước, hương ước ở các thôn, làng... Nhiều Đảng ủy phường, xã, thị trấn còn xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng đời sống văn hóa, các khu dân cư có hương ước thực hiện nếp sống văn hóa. Nhiều chi bộ, khu dân cư đã tổ chức học tập, gắn nội dung phong trào với tiêu chuẩn thi đua hàng năm trong việc bình xét, phân loại đoàn viên, hội viên.

Việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình và cộng đồng. Các gia đình đều thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Do vậy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa những năm qua ở các địa phương đã làm chuyển biến nhận thức và thu hút được đông đảo các ban, ngành, đoàn thể tham gia. Nhiều đoàn thể có cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả như: phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nói không với ma túy”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “Rèn luyện phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”, “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đảm việc nước, giỏi việc nhà”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Học không bao giờ cùng”... Bên cạnh đó, các địa phương đã tăng cường giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc, giá trị gia đình; xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội; chú trọng tổ chức thực hành các hành vi văn hoá lành mạnh, ứng xử chuẩn mực trong gia đình nhằm tạo sự gắn kết, trao truyền và phát huy giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp. Các đơn vị, trường học tích cực lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phòng, chống bạo lực gia đình. Các phong trào thi đua của các tổ chức, đoàn thể đều gắn với xây dựng các phong trào xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Hoạt động khuyến học, khuyến tài được quan tâm và triển khai thực hiện tại cơ sở và đã xuất hiện nhiều mô hình cá nhân học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập, tạo môi trường văn hóa phát triển về mọi mặt.

Từ việc gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá” trong các mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” và “Cộng đồng học tập” đã xây dựng môi trường văn hóa toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh có 93,16% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, gần 79% gia đình đạt “Gia đình học tập”. Qua đánh giá, hầu như các gia đình văn hóa cũng là những gia đình học tập. Từ thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập, các gia đình đã nâng cao ý thức, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất để ổn định, nâng cao cuộc sống; hưởng ứng các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới ở khu dân cư; tham gia phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội cũng như thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống “Vì một tương lai tươi sáng, vì một xã hội văn minh”.

Trong các tiêu chí để xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” có nội dung về khuyến học, khuyến tài và xây dựng gia đình học tập, trong đó nội dung xây dựng gia đình học tập bao gồm việc khuyến khích công dân học tập suốt đời, nhất là đối tượng người cao tuổi và các lứa tuổi khác nhau; trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Vì vậy để phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn kết với các mô hình học tập, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động của phong trào với các nội dung của khuyến học, khuyến tài, đưa tiêu chí về khuyến học, khuyến tài và các mô hình gia đình học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập làm tiêu chí xét các danh hiệu văn hoá tại địa phương. Qua đó nâng cao tinh thần, ý thức tự học tập của người dân, động viên việc học tập suốt đời trong cộng đồng khu dân cư, góp phần vào sự phát triển bền vững của từng địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com