Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy

08:08, 24/04/2024

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng số hóa, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thiết kế bài giảng tại các trường phổ thông đang trở thành xu hướng tất yếu. Bằng cách sử dụng các công cụ và thuật toán AI như Gemini AI và ChatGPT, giáo viên dễ dàng biên soạn và tùy chỉnh nội dung bài giảng cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh mà còn nâng cao chất lượng dạy và học.

Một giờ học ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Một giờ học ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Ứng dụng AI tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị tiêu biểu sử dụng ChatGPT để soạn bài giảng và thiết kế các nhiệm vụ tăng sức hấp dẫn cho bài giảng. Nhờ khả năng phân tích dữ liệu và tự động hóa quy trình, giáo viên đã tạo ra những bài giảng chất lượng, phù hợp từng đối tượng học sinh, tăng cường sự hấp dẫn và hiệu quả của quá trình học tập. 

Cụ thể, giáo viên sử dụng ChatGPT để soạn bài giảng, giúp tiết kiệm thời gian và tăng chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Trong tạo dàn bài, bằng cách cung cấp thông tin về mục tiêu bài giảng, đối tượng học sinh, thời lượng dự kiến, ChatGPT sẽ tự động sinh ra một cấu trúc dàn bài logic và phân chia nội dung thành các phần chính, ý chính, cùng với các ví dụ minh họa phù hợp. Trong tạo nội dung bài giảng: Sau khi có dàn bài hoàn chỉnh, giáo viên tiếp tục sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung cụ thể cho từng phần của bài giảng. Bằng cách cung cấp dàn bài đã được tạo trước và yêu cầu mô hình viết nội dung, ChatGPT sẽ tự động tạo ra các đoạn văn bản có logic, dễ hiểu, và phù hợp với mục tiêu học tập; điều này giúp giảm bớt thời gian và công sức của giáo viên trong quá trình viết và biên tập nội dung. Ngoài việc soạn ra nội dung bài giảng chính, việc tạo ra các tài liệu bổ sung như bài tập, câu hỏi thảo luận, và slides thuyết trình cũng là một phần quan trọng của quá trình giảng dạy. ChatGPT được sử dụng để tự động sinh ra các tài liệu bổ sung này dựa trên nội dung của bài giảng đã được soạn sẵn. Bên cạnh đó, giáo viên còn sử dụng AI trong dịch tài liệu phục vụ dạy học môn chuyên cung cấp tài liệu dạy học bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đáp ứng nhu cầu của học sinh. Trong trường hợp cần dịch tài liệu từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ phù hợp, ChatGPT tự động dịch tài liệu một cách chính xác và tự nhiên, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình chuẩn bị tài liệu dạy học, đồng thời giúp mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả, thuận lợi.

Ngoài việc sử dụng ChatGPT để soạn bài giảng, ChatGPT còn được giáo viên nhà trường sử dụng để thiết kế các nhiệm vụ hấp dẫn cho bài giảng, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sâu sắc; khuyến khích sự tương tác, sáng tạo và hợp tác trong quá trình học tập. Giáo viên đã dùng ChatGPT để tạo ra các nhiệm vụ đa dạng và phong phú như: Tạo ra các trò chơi liên quan đến nội dung bài giảng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, vui vẻ; Tạo ra các hoạt động nhóm phù hợp với nội dung bài giảng và mục tiêu học tập, không những giúp học sinh học tập một cách hiệu quả mà còn khuyến khích sự tương tác và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm; Tạo các dự án phù hợp với nội dung bài giảng và khuyến khích tinh thần nghiên cứu và sáng tạo của học sinh, tạo cơ hội cho học sinh khám phá chủ đề học tập một cách tự do và sáng tạo. Giáo viên sử dụng ChatGPT để tạo ra các bài tập giúp học sinh củng cố kiến thức và kỹ năng đã học, bằng cách cung cấp thông tin về mức độ khó của bài tập, nội dung bài giảng, và thời gian làm bài, ChatGPT có thể đề xuất các câu hỏi, bài tập thực hành và bài tập sáng tạo để giáo viên sử dụng trong quá trình đánh giá kiến thức của học sinh. Điều này giúp học sinh được tiếp cận với nhiều loại bài tập khác nhau, từ các câu hỏi ngắn đến các bài tập tóm tắt hay trắc nghiệm khách quan. Việc sử dụng các loại bài tập đa dạng giúp giáo viên đánh giá hiệu quả kiến thức của học sinh và khuyến khích sự tương tác, sáng tạo trong quá trình học tập. Đồng thời, cũng giúp nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic của học sinh, từ đó tạo ra một môi trường học tập đa chiều và phát triển.
Thầy Bùi Thái Học, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ: “Việc áp dụng AI vào dạy học đang đem lại nhiều lợi ích và thách thức, đồng thời mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển giáo dục hiện đại. Trong đó, lợi ích chính của việc sử dụng AI bao gồm khả năng tối ưu hóa quá trình giảng dạy và học tập thông qua việc tạo ra các bài giảng và tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Ngoài ra, AI cũng giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh nhà trường thông qua các hoạt động học tập sáng tạo, thú vị”.

Ứng dụng AI góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy

Sử dụng AI đang là một bước quan trọng để nâng cao hiệu suất công tác giảng dạy của giáo viên và trải nghiệm học tập của học sinh trong bối cảnh hiện nay. Để khuyến khích các nhà trường ứng dụng AI vào giảng dạy, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tổ chức tập huấn trực tuyến ứng dụng AI trong thiết kế bài giảng cho cán bộ, giáo viên toàn tỉnh với hơn 550 điểm cầu tới tất cả các Phòng GD và ĐT, các trường tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định; hơn 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên, thành viên cộng đồng giáo viên sáng tạo dự và gần 10 nghìn lượt xem trực tuyến trên Youtube mỗi buổi. Nội dung tập huấn bao gồm: Ứng dụng ChatGPT trong quản trị nhà trường và dạy học; Giới thiệu một số công cụ AI hỗ trợ giáo viên dạy học; Ứng dụng Gamma AI, Slidesgo trong thiết kế bài giảng điện tử, buổi tập huấn đã cung cấp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn tỉnh những kiến thức, kỹ năng về cách thức sử dụng AI để xây dựng bài giảng sáng tạo, hiệu quả và hấp dẫn. Nhờ đó, giáo viên có thể đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Hiện tại, những nội dung mới nhất, cập nhật nhất, những kỹ năng để ứng dụng các phần mềm AI vào dạy học của buổi tập huấn đang được các thầy, cô giáo tại các cơ sở giáo dục áp dụng vào thực tiễn một cách hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Một số đơn vị đang ứng dụng hiệu quả AI như: THPT chuyên Lê Hồng Phong; THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định); THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); các cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng GD và ĐT Ý Yên... Thầy Trần Mạnh Cường, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) cho biết: “Khi áp dụng ChatGPT vào giảng dạy tiếng Anh, tôi đã tạo ra không gian học tập độc đáo và tương tác, nơi mỗi học sinh được khám phá và phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên và sáng tạo. Cụ thể, tôi đã sử dụng ChatGPT để: tạo bài đọc hiểu và thực hành viết, qua đó, học sinh được tiếp cận với các bài đọc hiểu đa dạng, cũng như thực hành viết với sự hỗ trợ của ChatGPT để phát triển vốn từ vựng và kỹ năng cấu trúc câu. Đối với luyện tập giao tiếp: dùng ChatGPT để tạo ra các tình huống giao tiếp giả định, giúp học sinh luyện tập kỹ năng nghe nói và phản xạ ngôn ngữ. Học sinh được khuyến khích sử dụng ChatGPT để nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, và phong tục của các quốc gia khác nhau, từ đó mở rộng hiểu biết và tăng cường sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa. Với nhiệm vụ Dự án nhóm và thảo luận: Học sinh cũng được khuyến khích làm việc theo nhóm, sử dụng ChatGPT để hỗ trợ nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề đã được giao, cải thiện kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp. Qua việc áp dụng ChatGPT trong giảng dạy, tôi thấy giúp học sinh phát triển kỹ năng ngôn ngữ và khuyến khích tư duy sáng tạo ở các em”. 

Việc áp dụng AI vào dạy học đã và đang mang lại lợi ích to lớn, nhằm xây dựng một môi trường học tập hiện đại và tiên tiến. Tuy nhiên, cũng theo các cơ sở giáo dục, việc áp dụng AI cũng đang đặt ra một số thách thức, như khả năng đào tạo và cập nhật kiến thức cho giáo viên để họ có thể sử dụng công nghệ này một cách hiệu quả, cũng như cần phải đảm bảo tính bảo mật và đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu của học sinh. Đồng thời, việc tích hợp công nghệ này vào quá trình giảng dạy cũng đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nhất định về cơ sở hạ tầng và tài chính./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com