Trực Ninh phát huy vai trò của quy ước trong hoạt động tự quản cộng đồng

08:59, 03/04/2024

Những năm qua, việc xây dựng, thực hiện quy ước thôn, xóm, tổ dân phố (quy ước) ở Trực Ninh đã được các cấp, ngành quan tâm phối hợp, triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự quản cộng đồng, phát huy phong tục tập quán văn hóa truyền thống, hỗ trợ hoạt động quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Người dân tổ dân phố Đại Cát, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) bàn phương án bảo đảm vệ sinh môi trường khu dân cư.
Người dân tổ dân phố Đại Cát, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) bàn phương án bảo đảm vệ sinh môi trường khu dân cư.

Huyện Trực Ninh hiện có 191 khu dân cư. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, ngay sau khi hoàn thành sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố (năm 2021), UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Tư pháp hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước. Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề; UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chỉ đạo các thôn, xóm, tổ dân phố tổ chức rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng quy ước đảm bảo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc xây dựng quy ước cơ bản phát huy dân chủ ở cơ sở, có sự thống nhất của nhân dân nên nội dung, hình thức các quy ước đảm bảo theo quy định và phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Đồng thời có tác dụng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng nếp sống hóa, đặc biệt trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư. Đến nay, 100% các thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng quy ước được UBND huyện quy định, công nhận và phổ biến đến toàn thể nhân dân cũng như tổ chức ký cam kết để người dân biết, thực hiện theo đúng quy định và bước đầu phát huy hiệu quả.

Khi triển khai thực hiện rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nội dung các quy ước gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… đã phát huy hiệu quả tích cực. Đơn cử như trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, quy ước đã khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tích cực lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao thu nhập. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc bàn bạc, thảo luận và quyết định đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Các tuyến đường trong khu dân cư được bê tông hóa, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh (sáng - xanh - sạch - đẹp) và lắp đặt camera an ninh tại các vị trí phức tạp về giao thông, an ninh trật tự; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất cơ bản đảm bảo. Kết quả quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã huy động các nguồn đóng góp của nhân dân hơn 608 tỷ đồng, nhân dân hiến 324,33ha đất trị giá trên 648 tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động. Đặc biệt việc tổ chức hiếu, hỷ, lễ hội theo tinh thần văn hóa, tiết kiệm dần đi vào nền nếp, xóa bỏ những thói quen không tốt trong cộng đồng (như làm cỗ nhiều và ăn cỗ lấy phần). 

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các khu dân cư trong huyện rất sôi nổi, duy trì sinh hoạt 295 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ và dân vũ thể thao với 5.078 thành viên tham gia; bình quân hàng năm có 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với sự tham gia từ 80-90% đại diện hộ gia đình trong đó có khoảng 40-50% khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết; có từ 90-95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 86-92% khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa. Đến nay huyện Trực Ninh có 21/21 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30 thôn, xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Việc thực hiện hiện chính sách đoàn kết tôn giáo và tín ngưỡng, tôn giáo ở khu dân cư đạt được những kết quả tích cực cũng có phần đóng góp quan trọng của việc thực hiện hương ước, quy ước. Trong đó, ngay từ đầu năm các tổ chức tôn giáo đăng ký với chính quyền địa phương nhiều nội dung quan trọng như: hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, trang trọng, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân; chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ trong tổ chức các lễ hội. 

Tuy nhiên việc thực hiện quy ước trên địa bàn huyện Trực Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số văn bản, hồ sơ, tài liệu của UBND một số xã, thị trấn liên quan đến công tác chỉ đạo triển khai rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước về nội dung, thể thức chưa đảm bảo theo quy định; công tác rà soát, xây dựng quy ước chưa đảm bảo trình tự. Tỷ lệ người dân, đại diện hộ gia đình tham dự các cuộc họp của thôn, xóm, tổ dân phố về lấy ý kiến tham gia bổ sung dự thảo các nội dung quy ước ở một số khu dân cư chưa cao. Việc công khai quy ước tại các nhà văn hóa chưa thuận tiện gây khó khăn cho người dân nghiên cứu và thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, sự phối hợp của Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể của một số thôn, xóm, tổ dân phố trong việc rà soát, xây dựng và thực hiện quy ước chưa được tập trung, chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, dẫn đến việc cưới một số gia đình thực hiện chưa nghiêm nội dung quy ước.

Để quy ước ngày càng đi vào đời sống, thời gian tới huyện Trực Ninh tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về xây dựng thực hiện quy ước của cộng đồng dân cư đảm bảo đúng quy định pháp luật và đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương trên địa bàn huyện. Tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc rà soát, xây dựng và thực hiện quy ước theo đúng quy định pháp luật./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com