Tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách người có công với cách mạng

08:12, 29/04/2024

Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách.

Tranh cổ động của Lê Huy Tú.
Tranh cổ động của Lê Huy Tú.

Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hàng chục nghìn người con quê hương đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần xương máu trên các chiến trường, hoặc bị địch bắt tù đày, tra tấn, nhiều người đến nay vẫn chịu di chứng nặng nề về sức khỏe. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), toàn tỉnh có trên 36 nghìn liệt sĩ; 2.902 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 25 nghìn thương binh, gần 16 nghìn bệnh binh; trên 800 người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tổng số trên 200 nghìn người tham gia kháng chiến có thành tích đã được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, Bằng khen các loại.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện tốt chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 43 nghìn người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng với số kinh phí trên 102 tỷ đồng. Để việc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước quy định về chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công được kịp thời; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương về công tác ưu đãi người có công; các ngành chức năng theo nhiệm vụ được giao cũng có văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Sở LĐ-TB và XH phối hợp các ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi mới, điều chỉnh, bổ sung chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết các chế độ chính sách đối với 32.500 lượt người có công, thân nhân người có công và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công. Trong đó, giải quyết chính sách đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên 30.900 lượt trường hợp; chế độ chính sách đối với các diện đối tượng liên quan đến lĩnh vực người có công gần 1.600 trường hợp. Quý I năm 2024, giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân người có công và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công 1.843 lượt trường hợp. Trong đó, giải quyết chính sách đối với 1.568 lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng, gồm: chế độ mai táng phí; chế độ trợ cấp một lần đối với liệt sĩ mới công nhận; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tiền tuất hàng tháng; thờ cúng liệt sĩ; điều dưỡng; trang cấp dụng cụ chỉnh hình. Giải quyết chế độ chính sách cho 275 trường hợp liên quan đến lĩnh vực người có công theo các Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg; Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg và Nghị định số 150/2006/NĐ-CP. 

Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại xã Đồng Sơn (Nam Trực) nhân dịp 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2023).

Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại xã Đồng Sơn (Nam Trực) nhân dịp 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2023).

Ảnh: Minh Tân

Cùng với việc thực hiện các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công đảm bảo kịp thời và đúng đối tượng, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương duy trì và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu và huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng chăm lo đời sống của người có công. Hàng năm, công tác thăm hỏi, chăm sóc người có công và thân nhân, gia đình nhân dịp lễ, tết như: kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7); Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán... được các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện chu đáo, đúng chế độ từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho trên 58 nghìn người có công, thân nhân liệt sĩ với tổng số tiền trên 106 tỷ đồng (trong đó: chuyển quà của Chủ tịch nước trên 35,1 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên 58 tỷ đồng; quà của cấp huyện, xã và các tổ chức, cá nhân trên 13 tỷ đồng). Thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh đang được chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công ở tỉnh ngoài. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu của tỉnh đi thăm, viếng và thực hiện các hoạt động tri ân liệt sĩ tại các Nghĩa trang liệt sĩ tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên; tổ chức đưa Đoàn đại biểu gồm 40 người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu của tỉnh đi tham quan Thủ đô Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH gặp mặt, động viên, thăm hỏi.

Đặc biệt, thời gian qua các hoạt động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2023 của tỉnh ở cả 3 cấp huy động được trên 9,17 tỷ đồng (cấp tỉnh 660 triệu đồng; cấp huyện 1,895 tỷ đồng và cấp xã 6,618 tỷ đồng); đã hỗ trợ xây mới 23 Nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp 27 nhà với tổng số tiền 2,598 tỷ đồng; Tiến hành xây dựng, tu sửa 52 công trình Nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ tại các địa phương với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã trao tặng 101 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn và trao tặng nhiều hiện vật phục vụ đời sống, sinh hoạt.

Với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng, đời sống gia đình chính sách người có công trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng lên. Đến nay, các gia đình chính sách người có công đều có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, không có hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhiều gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà ở, công trình nước sạch vệ sinh môi trường đảm bảo khang trang, cải thiện điều kiện sinh hoạt và hỗ trợ tạo sinh kế phát triển kinh tế gia đình. 

Đoàn Hội Cựu chiến binh phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trong hành trình về nguồn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Đoàn Hội Cựu chiến binh phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trong hành trình về nguồn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Xác định hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, nghĩa vụ và việc làm thường xuyên nhằm góp phần hỗ trợ gia đình, thân nhân người có công với cách mạng có cuộc sống tốt hơn, thời gian tới, các ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của dân tộc, những cống hiến to lớn của các gia đình có công với cách mạng. Qua đó đã khơi dậy lòng tự hào, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với người có công và thân nhân người có công. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này để hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình chính sách. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công phát huy ý chí tự lực, tự cường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng./.

 Minh Tân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com