Thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: Kết quả và vấn đề cần quan tâm

07:56, 04/04/2024

Thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, nhất là chỉ tiêu người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là tiêu chí khó. Bởi trên thực tế, nhiều địa phương sau khi đạt chỉ tiêu về BHYT, thời gian sau lại sụt giảm bởi nhiều nguyên nhân. Đây là “nút thắt” đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương khi thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và phát triển BHYT toàn dân bền vững. 

Trạm Y tế xã Xuân Hòa (Xuân Trường) nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Trạm Y tế xã Xuân Hòa (Xuân Trường) nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Nam Định là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện tiêu chí y tế (tiêu chí số 15) trong xây dựng NTM (theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020). Đến tháng 12-2018, toàn tỉnh có 209/209 xã, thị trấn (đạt 100%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện Nam Định đang tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu (theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025). Quý I năm 2024, toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%) và 32/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 17%).

Căn cứ Quyết định số 2373/QĐ-BYT ngày 31-8-2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao và huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Sở Y tế ban hành Công văn số 1972 ngày 10-10-2022 về hướng dẫn triển khai thực hiện và hoàn thiện hồ sơ chứng minh một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, NTM nâng cao và huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 đối với lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các xã NTM nâng cao: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh (KCB) từ xa đạt từ 40% trở lên; tỷ lệ dân số có sổ KCB điện tử đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ chủ thể hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) đạt 100%. Không để xảy ra sự cố về ATTP trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của xã. Đối với tiêu chí huyện NTM nâng cao: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do huyện quản lý tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP đạt 100%; tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản do huyện quản lý hàng năm được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đạt 100%. Không để xảy ra sự cố về ATTP trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của huyện.

Giao Thủy là huyện tiêu biểu của tỉnh thực hiện hiệu quả việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, huyện có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (90%); 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (55%); 2 thị trấn (thị trấn Ngô Đồng, thị trấn Quất Lâm) được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao trong Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy cho biết: Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân gắn với chương trình xây dựng huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT từ huyện xuống xã, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, trọng tâm là BHYT hộ gia đình bằng các hình thức treo pa-nô, áp phích, khẩu hiệu nơi đông người qua lại; BHXH huyện phối hợp các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách BHYT tại các xóm, tổ dân phố trên toàn huyện. BHXH huyện thông qua 2 tổ chức dịch vụ thu cùng với 44 điểm thu, 132 nhân viên thu tại các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về BHYT. Hết năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn huyện đạt 95,80%, tăng 9,89% so với năm 2017. Khu vực nông thôn tỷ lệ đạt 95,85%, khu vực thị trấn tỷ lệ đạt 95,28%. Các chương trình quốc gia về y tế trên địa bàn huyện Giao Thủy được triển khai hiệu quả, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Các xã, thị trấn duy trì tốt các tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, tiêu chí Trạm y tế “xanh - sạch - đẹp”. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do huyện quản lý tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP đạt 100%. Toàn huyện có 1.855 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trong đó 306 cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận ATTP, 1.549 cơ sở thuộc diện ký cam kết ATTP). Hàng năm, các cơ sở được trang bị, bổ sung kiến thức về ATTP thông qua hình thức tập huấn trực tiếp, với các cơ sở không tham gia được các lớp tập huấn, ban tổ chức lớp tập huấn gửi tài liệu qua UBND các xã  để phổ biến đến cơ sở hộ, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tập huấn về ATTP.

Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện; các trạm y tế xã được nâng cấp, sửa chữa, xây mới đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu cho nhân dân. Toàn tỉnh có 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; trong đó, 9 Trung tâm Y tế huyện, thành phố có 3 chức năng (dự phòng, KCB, dân số), 1 Trung tâm Y tế có 2 chức năng (dự phòng, dân số); 1 Bệnh viện Đa khoa huyện, 226 Trạm Y tế, gần 3.200 cán bộ y tế thôn, xóm, tổ dân phố. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở được tăng cường, trung bình toàn tỉnh có 9 bác sĩ/1 vạn dân, 31 giường bệnh/1 vạn dân. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ y tế cơ sở. Hàng năm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cử 250-300 lượt cán bộ chuyên môn xuống các trạm y tế để chuyển giao kỹ thuật lâm sàng; giúp các trạm y tế thực hiện công tác KCB theo đúng quy định. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở ngày càng được nâng lên; các trạm y tế thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trình độ trung cấp trở lên. Mạng lưới y học cổ truyền tại trạm y tế được củng cố; KCB bằng phương pháp Đông y không sử dụng thuốc đạt trên 20% tổng số ca. Đã thực hiện liên thông dữ liệu của các cơ sở KCB trên toàn tỉnh và kết nối liên thông dữ liệu của 226 trạm y tế với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Năm 2023, tổng số lượt KCB BHYT là 3.038.844 lượt người với kinh phí 1.279 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng kinh phí dự toán giao.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Trung Kiên, thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chỉ tiêu người dân tham gia BHYT là một chỉ tiêu khó. Thực tế là nhiều địa phương sau khi đạt chỉ tiêu BHYT một thời gian thì chỉ tiêu này lại sụt giảm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, không ít người dân không tiếp tục tham gia BHYT hoặc chỉ tham gia BHYT với thời gian ngắn (6 tháng). Đây là “nút thắt” trở ngại đặt ra trong việc thực hiện phát triển BHYT toàn dân bền vững.

Tháng 12-2023, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện Xuân Trường sụt giảm. Tính đến hết tháng 11-2023, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện chỉ đạt 91,3% (chỉ tiêu tỉnh giao 93,5%; Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của BCH Đảng bộ huyện giao 95,5%). Trong tháng 11 và tháng 12-2023, có 28.074 thẻ hộ mức sống trung bình và 2.419 thẻ hộ gia đình nông nghiệp hết hạn. Trước thực trạng trên, UBND huyện Xuân Trường đã ban hành Công văn số 1009 đôn đốc thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Đến tháng 2-2024, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 93,24% (chỉ tiêu năm 2024 là 95%). Vẫn còn nhiều xã có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp, trong đó, nhiều địa phương trước đó đã được công nhận xã NTM kiểu mẫu: Xuân Tiến (84,59%), Xuân Hòa (86,28%), Xuân Phương (88,28%), Xuân Kiên (90,53%)… UBND huyện chỉ đạo BHXH huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về chính sách BHYT bằng nhiều hình thức phong phú theo từng nhóm đối tượng; trong đó tập trung ưu tiên nhóm những hộ có mức sống trung bình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Tổng hợp, chuyển danh sách hộ gia đình, danh sách thẻ BHYT hết hạn hàng tháng cho các tổ chức dịch vụ thu và các địa phương. Chỉ đạo các bộ phận liên quan ở cơ sở chủ động, tích cực nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu đúng, hiểu đủ về lợi ích của việc tham gia BHYT, từ đó tự giác, chủ động mua BHYT khi đến hạn. Huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể địa phương và đội ngũ cán bộ cơ sở xóm, thôn, tổ dân phố trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân tham gia BHYT... 

Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí y tế, nhất là chỉ tiêu bao phủ BHYT trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 14-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7-2-2024 của UBND tỉnh về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Trên cơ sở chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2024, UBND các huyện, thành phố thực hiện điều chỉnh, giao lại chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2024 và những năm tiếp theo cho từng xã, phường, thị trấn; giám sát việc thực hiện chỉ tiêu của các đơn vị hàng năm. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quyết liệt đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, coi đây là một nhiệm vụ chính trị của địa phương. Không để tình trạng các xã, thị trấn sau khi được công nhận đạt tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu lại sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT. Đưa chỉ tiêu hoàn thành bao phủ BHYT là chỉ tiêu bắt buộc phải đạt khi xét khen thưởng các đơn vị (trường học phải đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đơn vị sử dụng lao động phải tham gia BHYT cho 100% người lao động trong diện). Kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn các xã, phường, thị trấn và việc chấp hành các quy định về pháp luật BHYT của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động đóng trên địa bàn. Có những biện pháp mạnh để xử lý các doanh nghiệp cố tình không tham gia BHYT cho người lao động./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com