Phát huy truyền thống những ngày tháng Tư lịch sử "thần tốc, táo bạo" gần 50 năm trước, noi gương tinh thần gan dạ, sáng tạo trong lao động sản xuất và chiến đấu của các thế hệ cán bộ ngành Bưu chính - Viễn thông tỉnh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn quyết tâm giữ vững mạch máu thông tin liên lạc phục vụ kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp cán bộ, nhân viên toàn ngành đang đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời đại cách mạng 4.0.
Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Những ký ức hào hùng
Trong những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cán bộ - công nhân viên và lực lượng tự vệ Ty Bưu điện tỉnh đã nhanh chóng chuyển sang thời kỳ vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ty Bưu điện tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng phù hợp với tình hình thời chiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu để mở rộng mạng lưới đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Để phù hợp với điều kiện thực tế, giảm bớt khó khăn trong công tác vận chuyển thời chiến, Ty Bưu điện tỉnh đã thành lập các đội vận chuyển riêng theo đường phổ thông và đường chính vụ; đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện chuyên sâu tổ chức các đường thư chính vụ kết hợp với đường thư báo hàng ngày để nâng cao tốc độ vận chuyển công văn, tài liệu, bưu phẩm, bưu kiện, đảm bảo độ an toàn trong mọi điều kiện, tình huống ác liệt của chiến tranh. Các Bưu điện huyện đã có nhiều sáng kiến trong việc vận chuyển bưu kiện, thư tín đến tay cá nhân hoặc tổ chức bưu cục lưu động; mở rộng công vụ, phát huy vai trò của bưu điện xã trong việc nhận thêm nhiệm vụ ghi số, chuyển phát bưu kiện, thư chuyển tiền… phục vụ nhân dân nên đã tiết kiệm được hàng chục ngàn ngày công cho công nhân, nhân dân và bộ đội và hàng trăm kg nguyên liệu như xi, dây buộc và giấy gói bưu kiện. Một số Bưu cục đã cải tiến khâu khai thác bưu phát, giảm bớt khâu trung gian giữa các bưu cục và lề lối làm việc đảm bảo lưu thoát hết bưu phẩm trong ngày.
Ở vùng nông thôn, giao thông viên trên tuyến đường đi phát thư đã kết hợp mang theo cả phong bì, tem và hồ dán phục vụ nhân dân kịp thời. Trong điều kiện "mưa bom, bão đạn", lực lượng xung kích tự vệ Bưu điện không quản ngày đêm có mặt kịp thời tại các trận địa phòng không và 94 cơ quan của tỉnh đang sơ tán ở ngoại thành Nam Định để chuyển phát công văn, tài liệu, thư báo. Trên đầu, máy bay địch oanh tạc dữ dội, phương tiện chủ yếu để vận chuyển thư báo, bưu kiện là xe thô sơ lại hay hỏng hóc, các chiến sĩ tự vệ có nhiều sáng kiến khắc phục kịp thời đảm bảo đúng thời gian giao, nhận. Trong đó, nhiều chiến sĩ khi xe đạp bị hỏng săm, phải lấy cỏ nhét vào lốp cho căng rồi lại tiếp tục đi hoặc vác xe vượt qua vũng lầy, ao đầm cắt đường để tránh bom đạn, bảo đảm an toàn cho thư báo. Tại các bến phà, địch thường thả nhiều thủy lôi, các chiến sĩ tự vệ Bưu điện đã dùng thuyền câu nhỏ để mang thư báo, bưu phẩm vượt sông an toàn. Đặc biệt là những sáng kiến tận dụng phế liệu để sửa chữa thiết bị phục hồi đường dây; dịch chuyển các tuyến đường thư ra xa khu vực oanh tạc của máy bay địch, phục vụ kịp thời cho sản xuất và chiến đấu. Trong 10 năm (1965-1975), cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh đã có trên 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà nước hàng chục vạn đồng, tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nhờ những sáng kiến này đã kịp thời khắc phục khó khăn, trở ngại, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong mưa bom, bão đạn, góp phần cùng quân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Những thành tích đáng tự hào của cán bộ, công nhân viên và lực lượng tự vệ Bưu điện tỉnh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiếp bước truyền thống thế hệ cha anh
Gần 5 thập kỷ đã đi qua. Tinh thần lao động sáng tạo đảm bảo “nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi” vì huyết mạch thông tin liên tục vẫn được duy trì, tiếp nối mạnh mẽ trong tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Bưu chính - Viễn thông tỉnh. Nắm bắt cơ hội đổi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Bưu chính - Viễn thông tỉnh không ngừng hiện đại hóa, số hóa hạ tầng công nghệ, phát triển đa dạng các dịch vụ kinh doanh mới; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý điều hành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đến nay VNPT Nam Định là một trong những doanh nghiệp đi đầu về dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn, luôn khẳng định được vị thế, vai trò dẫn dắt của đơn vị tiên phong đồng hành cùng địa phương trong chuyển đổi số sâu rộng, từ đó mang lại nhiều kết quả tích cực từ đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin và trong từng dịch vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. VNPT đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng mạng di động với trên 300 trạm 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh và sẵn sàng cho 5G đi vào hoạt động trên diện rộng, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc, đảm bảo cung cấp các nền tảng hạ tầng ở mọi cấp độ trên phạm vi toàn tỉnh...
Để mở rộng các dịch vụ công nghệ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, VNPT đã xây dựng, cung cấp đa dạng các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin như: Hóa đơn điện tử, chữ ký số, hệ thống thanh toán trực truyến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, VNPT cũng đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đối số cho 5 ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh là giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics. Với sự nỗ lực, quyết tâm đưa nhanh công nghệ số vào đời sống, năm 2023, VNPT Nam Định tiếp tục có nhiều bứt phá trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số với doanh thu, năng suất lao động, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng so với năm 2022.
Trong lĩnh vực bưu chính, trước yêu cầu mới, mỗi nhân viên Bưu điện đã tự học hỏi, tự nâng cao trình độ và phát huy sáng kiến để đáp ứng yêu cầu công việc, đưa Bưu điện Nam Định trở thành đơn vị thực hiện tốt việc tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch hành chính trên môi trường số, góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng. Năm 2023, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Bưu điện tỉnh đã xét và công nhận 49 sáng kiến cấp cơ sở được ứng dụng vào thực tế đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và sản xuất kinh doanh, làm lợi cho Bưu điện tỉnh cả về thời gian, giá trị kinh tế và gia tăng uy tín với khách hàng. Trong đó, các sáng kiến “Rà soát, bố trí lao động khoa học để nâng cao chất lượng nguồn lực”, “Xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên tại địa bàn trọng điểm”, “Các giải pháp nâng cao chất lượng chi COD phục vụ khách hàng bưu chính chuyển phát”... được đánh giá cao, áp dụng rộng rãi và được đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam công nhận. Nhờ đó, năm 2023 tổng doanh thu thực hiện của Bưu điện tỉnh đạt trên 275 tỷ đồng; nộp ngân sách 15,2 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022.
Dành trọn tâm huyết, trách nhiệm, luôn nỗ lực, phấn đấu và cống hiến vì mạch máu thông tin, các cán bộ, công nhân viên ngành Bưu chính - Viễn thông tỉnh qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau đảm bảo thông tin liên lạc trong thời chiến và hiện đại hóa thông tin trong thời bình, tạo nền tảng xây dựng xã hội văn minh, thịnh vượng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin