Nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới

08:31, 26/03/2024

“Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai thực hiện việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - Đây là mục tiêu cơ bản Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7-2-2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 14-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Bệnh viện Phụ sản tỉnh tập huấn công tác tiêm chủng mở rộng cho các điều dưỡng viên, hộ sinh.
Bệnh viện Phụ sản tỉnh tập huấn công tác tiêm chủng mở rộng cho các điều dưỡng viên, hộ sinh.

Y tế cơ sở ngày càng phát triển

Đồng chí Lưu Thị Nghiêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hải Hậu cho biết: Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện gồm Phòng y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế huyện và 34 trạm y tế xã, thị trấn. Ngoài y tế công lập còn có 70 cơ sở y tế tư nhân, gồm 7 phòng khám đa khoa, 22 phòng khám chuyên khoa, 36 phòng chẩn trị y học cổ truyền... Thời gian qua, hệ thống y tế từ huyện đến các xã, thị trấn được kiện toàn, củng cố, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Riêng các trạm y tế xã, thị trấn của huyện hiện có 182 cán bộ y tế, trong đó có 26 bác sĩ, 1 cử nhân phụ sản, 2 điều dưỡng đại học, 2 dược sĩ đại học, 139 cán bộ cao đẳng, trung cấp các loại… Huyện có 34 cán bộ chuyên trách dân số xã; 390 cộng tác viên dân số và 390 cán bộ y tế xóm/tổ dân phố hoạt động thường xuyên ở 390 xóm, tổ dân phố. Năm 2023, trạm y tế các xã, thị trấn huyện Hải Hậu thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, cấp cứu ban đầu cho nhân dân, nhất là các đối tượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, khám dự phòng cho 294.521 lượt người, đạt 101% chỉ tiêu kế hoạch năm; khám, chữa bệnh cho hơn 106.046 lượt người, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không có tai biến trong điều trị; khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và Đông Tây y kết hợp cho 26.511 lượt người. Toàn huyện đang quản lý 8.307 bệnh nhân tăng huyết áp, 2.852 trường hợp đái tháo đường, 1.325 người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và 1.561 trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm khác. Các xã, thị trấn triển khai chương trình quản lý, chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng. Hàng tháng thu dung bệnh nhân mới làm bệnh án, lập dự trù thuốc, lĩnh và cấp phát thuốc theo quy định; quản lý và điều trị cho 1.299 bệnh nhân tâm thần. Triển khai tốt các phong trào, mô hình, đề án về dân số như đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ cho trẻ vị thành niên/thanh niên, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Theo báo cáo của Sở Y tế, ngành Y tế tỉnh hiện có 3.617 cán bộ, nhân viên trong biên chế, trong đó tuyến tỉnh và tuyến huyện 2.519 người; tuyến xã, phường, thị trấn 1.098 người. Số bác sĩ làm việc trong y tế công lập là 1.198 người, trong đó tuyến tỉnh và tuyến huyện 1.030 người; tuyến xã 168 người. Thời gian qua, ngành Y tế thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, từng bước hình thành nền y tế thông minh (phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh). Toàn tỉnh có 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã thực hiện tiếp đón bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT (đạt 100%); có 647.113 người đã dùng CCCD đăng ký khám, chữa bệnh được hệ thống thông tin giám định ghi nhận thành công. 

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Năm 2023, ngành Y tế thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện các chương trình công tác chăm sóc vào bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn; trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, quy định của tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; bảo đảm người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Triển khai kế hoạch phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phế quản. Trong đó, phát hiện đưa vào điều trị, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho 174.707 bệnh nhân tăng huyết áp, 63.086 bệnh nhân đái tháo đường. Thực hiện hiệu quả Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, giám sát HIV/AIDS và Chương trình điều trị, đảm bảo an toàn truyền máu. Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi uống Vitamin A đạt 99,9%. Đã thực hiện liên thông dữ liệu của các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh và kết nối liên thông dữ liệu của 226 trạm y tế với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Năm 2023, tổng số lượt khám, chữa bệnh BHYT là 3.038.844 lượt người với kinh phí 1.279 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng kinh phí dự toán giao. Các chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Tổ chức sàng lọc trước sinh cho phụ nữ có thai là 20.988 người; sàng lọc sơ sinh cho 18.034 trẻ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm so với năm 2022 là 0,6%; mức giảm tỷ suất sinh so với năm 2022 là 0,36%o; tỷ số giới tính khi sinh là 113 trẻ trai/100 trẻ gái.

Góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân từ sớm

Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh không đồng đều, năng lực chuyên môn và quản lý tại tuyến cơ sở vẫn còn hạn chế. Công tác khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập vì có nhiều quy định trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong bố trí nhân lực, thiết bị thực hiện; dự toán và tổng mức chi phí khám, chữa bệnh BHYT gây khó khăn cho các đơn vị (thực tế là việc vượt trần, vượt quỹ thường xuyên xảy ra tại các đơn vị y tế) dẫn đến nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong sử dụng các nguồn tài chính, giảm dự toán và tổng mức chi phí khám, chữa bệnh trong năm tiếp theo. Chi phí khám, chữa bệnh BHYT thanh toán cho đơn vị còn thấp so với chi phí khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán. Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn còn nhiều bất cập nên thời gian thẩm định, trình duyệt kéo dài dẫn tới việc lập dự toán, tổ chức mua sắm còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc cung ứng thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh còn thiếu một số thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa do trượt thầu, nhà thầu chưa cung ứng kịp, mua sắm cấp quốc gia chưa có kết quả đầy đủ (như thuốc chuyên khoa sản, gây mê hồi sức, dự phòng và cắt cơn hen...). Nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn về công nghệ thông tin để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của các đơn vị y tế còn rất thiếu.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhằm phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7-2-2024 về thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 14-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, xóm có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số. Trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả. Trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở. Kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp. 

Tổ chức và hoạt động của trạm y tế phải phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của người dân, gắn với quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; gắn với y tế trường học; các khu công nghiệp căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com