Nhằm thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, những năm qua Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động trợ giúp hiệu quả.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn năm 2023. |
Đồng chí Trần Văn Đỗ, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Trực Ninh cho biết: Đa số người nghèo nhận thức về pháp luật còn rất hạn chế, nhiều người chưa biết về quyền được TGPL của mình hoặc còn có tâm lý e ngại khi tiếp cận với trợ giúp viên pháp lý... Thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức hội nghị phổ biến văn bản pháp luật tại 4 xã: Trực Tuấn, Liêm Hải, Trực Nội, Trực Hưng thu hút hơn 400 lượt hội viên phụ nữ tham gia, trong đó tập trung phổ biến những nội dung liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý; giải đáp, tư vấn các vướng mắc về pháp lý và cách thực hiện quyền được TGPL khi có nhu cầu theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo tất cả người nghèo được bình đẳng trước pháp luật, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền PBGDPL, cung cấp bảng thông tin về TGPL niêm yết tại trụ sở các đơn vị liên quan và UBND xã, thị trấn, cử cán bộ Phòng Tư pháp huyện trực tiếp tiếp nhận những câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc liên quan thiết thực đến sinh hoạt đời sống hàng ngày của người nghèo cần được TGPL về các lĩnh vực như: tranh chấp đất đai, hôn nhân, gia đình... Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, Phòng Tư pháp huyện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hoạt động TGPL khi có nhu cầu…
Theo số liệu thống kê của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.400 người thuộc hộ nghèo thuộc diện TGPL. Trong những năm qua, công tác TGPL cho người nghèo, người có khó khăn về tài chính được Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh quan tâm tổ chức tuyên truyền, biên soạn, phát hành các tài liệu truyền thông có nội dung về chính sách TGPL và quyền được TGPL của người nghèo, người có khó khăn về tài chính, đảm bảo thực hiện mục tiêu 100% người nghèo, người có khó khăn về tài chính được tiếp cận các sản phẩm truyền thông và được TGPL khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, Trung tâm còn cử các trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị đơn dân sự, bị can, người có quyền lợi thuộc diện được TGPL trong tố tụng dân sự, hình sự và hành chính. Các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, công tác TGPL tại cơ sở ngày càng được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các dịch vụ TGPL.
Năm 2023, công tác phối hợp về TGPL cho người nghèo có sự chuyển biến tích cực, số lượng vụ việc, đối tượng được TGPL tăng cao, đa dạng hơn về diện được trợ giúp. Nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục quan tâm, giới thiệu các đối tượng là người nghèo, cận nghèo, người có khó khăn về tài chính để Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý tham gia vào các giai đoạn tố tụng, ngay từ giai đoạn xử lý tố giác, tạm giữ trong vụ án hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong vụ án dân sự để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được TGPL. Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện 211 vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng (tăng 43 vụ so với năm 2022), trong đó có 201 vụ việc hình sự và 10 vụ việc dân sự. Số người bị buộc tội, bị hại, đương sự có yêu cầu TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL là 209 người (tăng 44 người so với năm 2022). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phối hợp liên ngành vẫn còn một số hạn chế như một số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ mới quan tâm đến người được TGPL là bị can, bị cáo mà chưa chú trọng đến bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự; việc thực hiện TGPL trong tố tụng hình sự chủ yếu thực hiện từ giai đoạn khởi tố còn giai đoạn bắt, tạm giữ còn ít; việc xây dựng và vận hành điểm cầu trung tâm TGPL trong phiên tòa trực tuyến còn chậm...
Để hoạt động TGPL cho người nghèo ngày càng đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, triển khai thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành công tác TGPL. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án về đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025. Đồng thời, tăng cường trợ giúp lưu động tại địa bàn khu dân cư, tăng cường TGPL ở cơ sở nhằm kịp thời cung cấp dịch vụ TGPL đến đúng đối tượng; quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trợ giúp viên pháp lý và đội ngũ cộng tác viên, nhằm tạo điều kiện cho người dân khi có nhu cầu được TGPL./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin