Góp phần xây dựng xã hội số, tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, thời gian qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả đưa phong trào chuyển đổi số và học tập suốt đời lan tỏa mạnh mẽ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân và hội viên.
Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, Hội Khuyến học tỉnh triển khai công việc đến các cấp Hội được kịp thời và hiệu quả. |
Hội Khuyến học tỉnh đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nhân dân về chuyển đổi số, đồng thời tích cực triển khai chuyển đổi số trong các hoạt động, phong trào của Hội. Trong đó khuyến khích cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet một cách hữu ích phục vụ cho học tập, lao động và cuộc sống hàng ngày. Từ đó, nhiều mô hình học tập được hình thành, phát triển, phong trào học tập suốt đời đã thật sự lan tỏa, mỗi nhà, mỗi dòng họ, cộng đồng và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Để khai thác các nền tảng chuyển đổi số trong điều hành công tác, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh cũng lập nhóm Zalo Thường trực Hội; nhóm Ban chấp hành; nhóm Chủ tịch Hội các huyện, thành phố; nhóm thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” phục vụ công tác chuyên môn đảm bảo nhanh nhạy, tiết kiệm về thời gian cũng như kinh phí gửi nhận văn bản. Bên cạnh đó, để tham gia quá trình chuyển đổi số, nhiều cán bộ Hội cơ sở có kinh nghiệm đã tổ chức hướng dẫn cho cán bộ, hội viên tham gia hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua cài đặt các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh; phân biệt phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm miễn phí, phần mềm trả phí... Đến nay, hầu hết cán bộ, hội viên đã biết cài đặt và sử dụng các ứng dụng để cập nhật thông tin về kinh tế - xã hội, các ứng dụng liên quan đến dịch vụ hành chính công; thanh toán không dùng tiền mặt; tham gia mua - bán trên sàn điện tử... Từ những việc cụ thể, những tiếp xúc hàng ngày của mỗi người với thay đổi và sự tiện dụng của các ứng dụng trên các nền tảng công nghệ số và thiết bị thông minh đã dần thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên về chuyển đổi số..
Hội Khuyến học tỉnh cũng tổ chức các buổi tập huấn từ Tỉnh Hội đến các đơn vị cấp cơ sở, cho hàng nghìn hội viên về công tác chuyển đổi số. Bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 10-2023 vừa qua, các cấp Hội Khuyến học đã được tập huấn sử dụng phần mềm đánh giá “Công dân học tập” góp phần xây dựng xã hội học tập cụ thể, thực chất với quy mô rộng rãi trong toàn tỉnh. Hoạt động này nằm trong kế hoạch triển khai Quyết định số 677 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 244 của Hội Khuyến học Việt Nam về Bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng mô hình học tập. Đồng thời, tăng cường năng lực kỹ thuật số cho người lao động, hình thành những “công dân số” đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Phần mềm bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030 là sản phẩm do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp thực hiện. Bộ công cụ được sử dụng trong việc triển khai công tác thu thập, minh chứng, đánh giá, cho điểm, tổng hợp, báo cáo... theo tiêu chí đánh giá về năng lực, các kỹ năng cơ bản và phẩm chất cần có đối với mỗi “Công dân học tập”. Ứng dụng bộ công cụ nhằm đạt mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và xây dựng mô hình “Công dân học tập”, hỗ trợ tối đa việc tự động hóa, áp dụng công nghệ giúp giảm công sức trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí công dân học tập, đơn vị học tập. Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng Hội Khuyến học tỉnh và các cấp Hội cơ sở sử dụng thành thạo phần mềm. Đây là bước tiến mới cho các cán bộ Hội, chủ yếu là những người cao tuổi tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và triển khai công việc. Ông Bùi Huỳnh Thạch, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phương Định (Trực Ninh) chia sẻ: “Chúng tôi tham gia công tác Hội phần lớn đều là những người cao tuổi, cập nhật công nghệ thông tin còn hạn chế, nhất là trong điều hành công việc. Vì vậy, bộ công cụ đánh giá mô hình “Công dân học tập” là sản phẩm phần mềm rất hữu ích trong việc số hóa các mô hình học tập. Triển khai Bộ công cụ này, chúng tôi sẽ dễ dàng sử dụng, quản lý từ cấp Hội đến công dân, việc tự động hóa, áp dụng công nghệ phần mềm trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” được hỗ trợ tối đa. Ngoài ra, Bộ công cụ cũng góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập, hướng tới xây dựng xã hội số, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.
Hiện tại, toàn tỉnh có 440.236/558.943 gia đình đạt gia đình học tập; 4.747/6.117 dòng họ đạt dòng họ học tập; 1.011/1.041 đơn vị đạt “đơn vị học tập”; 224/226 xã, phường, thị trấn đạt “cộng đồng học tập”; 2.092/2.381 cộng đồng đạt “cộng đồng học tập”. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2027 có 37% hội viên khuyến học; 80% đảng viên tham gia tổ chức Hội; 100% trường đại học, trường phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề, 80% trường cao đẳng có tổ chức Hội; 60% người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu công dân học tập; 85% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kỹ năng số cơ bản, 80% người trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; 90% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã theo học chương trình tin học do Nhà nước quy định. Các mô hình do cấp xã quản lý đạt từ 80-85%.
Hoạt động chuyển đổi số trong điều hành và triển khai các mô hình học tập của các cấp Hội và hội viên Hội Khuyến học trong tỉnh đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực nhằm từng bước xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số vẫn còn có nhiều khó khăn, nhất là tâm lý ngại thay đổi phương pháp làm việc, do nhiều hội viên tuổi cao, trình độ tin học chưa theo kịp; cơ sở vật chất của các cấp Hội còn thiếu thốn. Trong thời gian tới, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa để triển khai công tác chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số thực sự vào cuộc sống cũng như trong các hoạt động của tổ chức Hội và mỗi hội viên./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin