Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” do Bộ GD và ĐT phát động, siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường, nâng cao chất lượng dạy và học.
Học sinh Trường Tiểu học xã Trung Thành (Vụ Bản) đọc sách tại thư viện trường. |
Là điểm sáng về chất lượng giáo dục của huyện Vụ Bản, Trường Tiểu học xã Trung Thành luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, gắn phong trào với việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; duy trì tốt phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo. Phương pháp giảng dạy được các thầy cô đổi mới theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của các em; xây dựng giáo án, bài giảng phù hợp với đối tượng học sinh và thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng thực tiễn công việc. Nhiều giáo viên tích cực nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy và quản lý học sinh mang lại hiệu quả cao, được áp dụng rộng rãi trong quá trình giảng dạy và giáo dục học sinh; nhiều giáo viên đã phấn đấu trở thành giáo viên giỏi các cấp... Chất lượng học sinh của nhà trường về kiến thức, kỹ năng được giữ vững; năng lực và phẩm chất học sinh có tiến bộ vượt bậc, học sinh tự tin, mạnh dạn, chủ động trong việc học tập, biết lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động theo kế hoạch đã lập. Năm học 2022-2023, có 99,8% học sinh nhà trường xếp năng lực mức Tốt và Đạt; 100% học sinh có phẩm chất xếp mức Tốt và Đạt. Số học sinh lên lớp thẳng và hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 99,8%; trong đó số học sinh Xuất sắc và Tiêu biểu chiếm 50,6%.
Thực hiện “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, Trường THCS Phương Định (Trực Ninh) đã chỉ đạo thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch dạy học văn hóa tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; dạy học gắn với giáo dục bảo vệ di sản; học tập bằng hình thức câu lạc bộ; gắn học tập với các hoạt động trải nghiệm. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh học tập trải nghiệm tại các di tích lịch sử. Tổ chức các câu lạc bộ Tiếng Anh, các hoạt động ngoại khóa chuyên đề theo năng khiếu, thế mạnh và sở thích của học sinh tạo hứng thú học tập, giúp các em bộc lộ được năng lực và phẩm chất. Đồng thời, nhà trường cũng thực hiện tốt đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh linh hoạt, bằng nhiều phương pháp, hình thức; đánh giá đúng năng lực học sinh và sự tiến bộ trong cả quá trình. Nhờ đánh giá đúng năng lực học sinh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu một cách hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh giỏi. Toàn trường có 96,9% học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên, trong đó trên 62% số học sinh đạt khá, giỏi; 55 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, 8 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; 1 học sinh dự thi và đỗ vào lớp chuyên Sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; 1 học sinh đỗ thủ khoa đầu vào Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh). Chất lượng học sinh giỏi của trường được đánh giá đứng đầu huyện. Thầy giáo Vũ Văn Lăng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2023-2024, trường tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn vững, yêu nghề; triển khai thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, gắn với phương châm “Dạy thực chất - Học thực chất”. Chỉ đạo giáo viên nghiên cứu, đổi mới, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy và học phù hợp, sát đối tượng theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. Phấn đấu tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi các cấp cao hơn năm trước.
Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của ngành được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trong tỉnh theo phương châm “4 tốt” (môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt). Các CSGD đã cụ thể hóa phong trào cho phù hợp thực tiễn từng địa phương, đơn vị; tiêu biểu như các mô hình lớp học thông minh ở các trường tiểu học: Trần Nhân Tông, Nguyễn Tất Thành (thành phố Nam Định); đẩy mạnh giáo dục STEM, lập trình Robotics tại các trường học huyện Nam Trực; phát huy thế mạnh thể dục thể thao tại các trường học ở huyện Xuân Trường; dạy theo mô hình trường học mới (VNEN) tại 115 trường tiểu học...
Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, các CSGD quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội. Tổ chức tôn vinh, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị tại đơn vị; chú trọng phát hiện, lựa chọn và xây dựng các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập trong toàn ngành. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành phấn đấu là tấm gương về đạo đức, tự học tập, rèn luyện; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Từ phong trào, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình như các trường: Mầm non Sao Vàng, THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định), Tiểu học Trung Thành, THCS Tân Khánh (Vụ Bản), Mầm non Hồng Quang, Tiểu học thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Mầm non Trực Thắng, THCS Phương Định (Trực Ninh), Tiểu học Bình Hòa (Giao Thủy), Mầm non Xuân Thủy (Xuân Trường), THPT Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng)...; các giáo viên: thầy Vũ Văn Hợp, Tổ trưởng tổ Hóa học, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định); thầy Phan Văn Chiểu, Hiệu trưởng Trường THCS Giao Hương (Giao Thủy); thầy Trần Ngọc Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc); ông Phạm Văn Vinh, chuyên viên Phòng GD và ĐT huyện Vụ Bản...
Phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập” đạt được kết quả nổi bật với hàng nghìn sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp ngành, tỉnh. Trong đó, riêng từ năm 2022 đến nay, toàn ngành đã có 704/1.036 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp ngành, tỉnh; 8 đơn vị, 152 tác giả/nhóm tác giả đạt thành tích xuất sắc trong phong trào viết và vận dụng sáng kiến kinh nghiệm được Giám đốc Sở GD và ĐT khen thưởng. Hưởng ứng Cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số do Bộ GD và ĐT tổ chức, ngành Giáo dục Nam Định có 1.526 sản phẩm dự thi/16.216 bài dự thi toàn quốc, xấp xỉ 10%; trong đó có 1.327 sản phẩm dự thi đạt yêu cầu. Vòng chung khảo cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số, ngành GD và ĐT tỉnh Nam Định đoạt giải Nhất toàn đoàn, có 31/154 giải toàn quốc (chiếm tỷ lệ 20,1%) bao gồm: 2/5 giải Nhất; 4/10 giải Nhì; 8/50 giải Ba và 17/89 giải Khuyến khích...
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngày càng sôi nổi, rộng khắp tại các CSGD trong toàn tỉnh, qua đó phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo trong công tác quản lý, giảng dạy; khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện, góp phần hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin