Tích cực đưa trò chơi dân gian vào các trường học

09:27, 15/12/2023

Bên cạnh các hoạt động giáo dục tích cực, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc đưa các trò chơi dân gian vào môi trường học đường để học sinh trải nghiệm vừa học, vừa chơi một cách an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học thân thiện.

Các em học sinh Trường Mầm non Phượng Hồng (thành phố Nam Định) trải nghiệm trò chơi bán hàng.
Các em học sinh Trường Mầm non Phượng Hồng (thành phố Nam Định) trải nghiệm trò chơi bán hàng.

Trường Mầm non Nam Thái (Nam Trực) có trên 360 học sinh được chăm sóc, giáo dục ở 4 khu có tổng diện tích 2.000m2. Trong các hoạt động giáo dục, nhà trường luôn nỗ lực đưa nhiều trò chơi dân gian vào cho trẻ trải nghiệm ở cả trong và ngoài lớp học. Thông qua các trò chơi, dưới sự hướng dẫn, sáng tạo của các cô giáo, các bé chơi mà học, học mà chơi để phát triển trí tuệ, rèn luyện sự nhanh nhẹn. Ở mỗi lớp, các em được tổ chức chơi những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi và hào hứng khi tham gia các hoạt động này. Đối với những cháu từ 2-3 tuổi, các cô giáo hướng dẫn chơi những trò chơi dễ nhớ như: “chi chi chành chành”, “kéo cưa lừa xẻ”, “nu na nu nống”... Những cháu lớn hơn sẽ được các cô giáo hướng dẫn chơi các trò như: mèo đuổi chuột, kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố… Theo chia sẻ của các giáo viên nhà trường, ưu thế của trò chơi dân gian chính là ở chỗ, các trò chơi có thể phù hợp với tất cả những ai muốn chơi, không quy định số người chơi nhất định và trong khi chơi, mọi trẻ đều bình đẳng như nhau. Lợi ích trò chơi dân gian mang lại cho trẻ mầm non mỗi ngày đến trường được thể hiện trên nhiều yếu tố: giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tích lũy kiến thức, rèn luyện thể chất...

Ở Trường Tiểu học Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), vào giờ ra chơi, các học sinh đã tự tìm cho mình những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi. Sân trường trở nên nhộn nhịp hơn bởi những nhóm học sinh nhảy dây, đánh bi, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê… Em Thu Hiền, học sinh lớp 3 cho biết: “Cháu rất thích các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu và thường xuyên chơi cả ở trường cũng như ở nhà. Cháu thấy chơi các trò này rất vui, có nhiều bạn bè và chúng cháu đoàn kết với nhau hơn”. Được biết, trong những năm qua, Trường Tiểu học Mỹ Thắng đã chú trọng tích hợp giáo dục thể chất với trò chơi dân gian nhằm giúp học sinh hào hứng hơn với môn học. Không chỉ được chơi, khám phá để phát triển thể chất, các em còn có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian, qua đó khơi dậy trong học sinh tình yêu quê hương, văn hóa cũng như hiểu thêm trí tuệ cha ông, có ký ức đẹp đẽ, trong trẻo về tuổi thơ. Các trò chơi dân gian vì thế cũng được tái hiện thường xuyên hơn, không chỉ những dịp lễ hội, Trung thu... mà trong các buổi đến trường hàng ngày của các em. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh đã giúp các em thêm hào hứng với học tập, sống thân thiện, hồn nhiên, hạn chế tật xấu, tích cực rèn luyện thể chất, tâm hồn theo chiều hướng tích cực. Việc đưa các trò chơi dân gian vào giờ ra chơi và tiết hoạt động tập thể đã được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh trong trường hoan nghênh đón nhận.

Hiện nay, trước việc công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh rất dễ bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử; trong đó có nhiều trò chơi bạo lực gây những hậu quả về sức khỏe, tinh thần. Việc tăng cường đưa các trò chơi dân gian vào trường học là một trong những giải pháp để hạn chế được vấn đề này. Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng học sinh là rất khả thi. Trong các tiết học thể dục của học sinh tiểu học, giáo viên các nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo lồng ghép các trò chơi dân gian để học sinh trải nghiệm, tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng, hạn chế sự đơn điệu cho các tiết học. Ở nhiều trường mầm non, tiểu học, trong các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, ngày khai giảng năm học mới, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11,  các em còn được các thầy cô tổ chức rước đèn ông sao, gói bánh chưng, múa sạp, kéo co…

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những nội dung tích cực của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nội dung này rất phù hợp, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học vì đặc thù lứa tuổi, các em được tham gia hoạt động ngoài trời, hòa mình vào các trò chơi, có điều kiện rèn luyện thân thể. Những trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy, sự khéo léo, rèn luyện sức khoẻ mà còn là bài học giúp trẻ hiểu và thêm yêu nền văn hoá dân tộc cũng như bồi đắp thêm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục khuyến khích các nhà trường bố trí không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa, giờ thể dục; khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể dục thể thao… Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phụ trách đội để có thêm nhiều trò chơi mới tạo nên sự đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức các trò chơi dân gian tại các trường học hiện nay còn gặp phải một số khó khăn như không gian, thời gian chơi, và cách tổ chức các trò chơi sao cho lành mạnh, đảm bảo an toàn cho học sinh. Vì vậy, đòi hỏi các nhà trường, thầy, cô giáo phải lựa chọn trò chơi hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm riêng của học sinh trường mình. Hơn nữa, không phải trò chơi nào cũng có thể đưa vào nhà trường mà phải chọn lọc, đảm bảo tính giáo dục, an toàn, vệ sinh.

Không chỉ giúp rèn luyện sức khoẻ, những trò chơi dân gian lành mạnh, bổ ích sẽ mang tới một tuổi thơ đẹp và nhiều kỷ niệm với các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com