Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ra Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025”. Trong đó, ngoài việc giảm số môn bắt buộc thì điểm mới được quan tâm bàn luận nhiều nhất là môn Ngoại ngữ là một trong những môn tự chọn. Và năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thi tốt nghiệp THPT nên nội dung thi bám sát nội dung Chương trình mới.
Học sinh lớp 11, Trường THPT Giao Thuỷ (Giao Thuỷ) trong một giờ học. |
Sau khi thông tin được đưa ra, nhiều nhà trường, phụ huynh và học sinh đều phát biểu bày tỏ đồng tình với phương án này. Chị Minh Thu, có con đang học lớp 11 một trường THPT trên địa bàn huyện Nam Trực cho biết: “Sau khi Bộ GD và ĐT chốt phương án 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn, cả gia đình tôi đều rất phấn khởi, vì số môn thi giảm các con sẽ giảm áp lực thi cử, học hành”. Còn em Lê Lan Chi, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) cho biết: “Chúng em là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình GDPT 2018. Chương trình mới khiến chúng em có nhiều bỡ ngỡ, nên em mong được giảm áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, em cũng sẽ được lựa chọn được các môn yêu thích để ôn thi ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Văn”.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định), cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều rất vui bởi sẽ giảm được áp lực học hành. Mặt khác, học sinh sẽ học được theo đúng định hướng nghề nghiệp mà ngay từ khi vào lớp 10 các con đã đăng ký theo tổ hợp môn học. Do học và thi theo tổ hợp nên học sinh sẽ phát huy được năng lực thế mạnh của mình. Đơn cử như: Học sinh đăng ký học ban A thì sẽ ngoài Toán, Văn, các con sẽ tập trung vào học tốt Lý, Hóa, mà không bị phân tâm vào các môn khác”. Cùng ủng hộ phương án thi này, thầy Lê Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy) cho biết: Với những môn thi mới, học sinh được giảm áp lực thi cử, tập trung hơn cho các môn theo năng lực, sở trường, theo đúng tổ hợp môn học đã chọn ở THPT và đúng mục tiêu định hướng nghề nghiệp của mình. Về môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc thì khá bất ngờ. Cũng theo thầy Giang, đối với học sinh Trường THPT Giao Thủy, việc học ôn các môn thi tốt nghiệp còn phục vụ lấy điểm để xét tuyển vào đại học, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học và thi IELTS, do vậy, căn cứ các môn đã được Bộ GD và ĐT ra quyết định, nhà trường sẽ điều chỉnh, bám sát nền tảng kiến thức cần đạt và căn cứ nguyện vọng, mục tiêu của các em để có kế hoạch giảng dạy, ôn luyện phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh.
Đối với khối giáo dục thường xuyên (GDTX), cô Phạm Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)-GDTX huyện Mỹ Lộc cho biết: Việc Bộ GD và ĐT phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025” với 4 môn thi là phù hợp, vừa sức với các đối tượng học sinh, trong đó có học sinh GDTX. “Đầu vào” học sinh GDTX thấp hơn so với học sinh phổ thông, vì vậy việc thi 4 môn là vừa sức, tạo điều kiện cho các em có cơ hội lựa chọn được các môn thi phù hợp lực học, sở trường. Phương án thi này cũng đảm bảo công bằng giữa hai hình thức học phổ thông và GDTX. Dự đoán, đa số học sinh của trung tâm sẽ lựa chọn các môn thi khối xã hội.
Qua dư luận cho thấy, phần lớn các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh đồng tình, ủng hộ cao việc Bộ GD và ĐT “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn là phù hợp. Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 4 môn là vừa phải, phù hợp với mọi đối tượng học sinh, ít gây tốn kém cho xã hội. Học sinh có điều kiện tập trung học tốt hơn các môn mình lựa chọn và phù hợp thay vì phải phân chia thời gian ra học cả 6 môn như trước. Phương án thi này đúng chủ trương giảm nhẹ áp lực thi cử cho học sinh, đồng thời phát huy được tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018, vẫn đánh giá được năng lực của học sinh và giúp học sinh có định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp sẽ lựa chọn trong tương lai. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến e ngại nếu không đưa Ngoại ngữ vào làm môn thi bắt buộc thì học sinh sẽ không có động lực để vươn lên trong môn học này trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc biết ngoại ngữ là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng học Ngoại ngữ là một quá trình lâu dài chứ không chỉ để thi tốt nghiệp. Nhiều học sinh cho biết, do các em có thế mạnh và nhu cầu học môn này nên các em vẫn chọn Ngoại ngữ (tiếng Anh) là môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Cũng theo ý kiến từ các nhà trường, các bậc phụ huynh và học sinh, sau khi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục lên kế hoạch cụ thể giảng dạy, ôn tập, phân công giáo viên có kinh nghiệm phụ trách giảng dạy các môn học sinh chọn thi và sát sao việc giảng dạy sao cho các em học đều các môn và đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình. Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD và ĐT, dự kiến đề mô phỏng định dạng đề thi sẽ được thực hiện trong quý IV-2023. Còn theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT và Phương thức xét công nhận tốt nghiệp được Bộ GD và ĐT phê duyệt kèm theo, thì Phương án thi này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD và ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Mục đích tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin