Vào cuối tháng 11 vừa qua, lớp 11A2, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) đã thực hiện một tiết học tiếng Anh xuyên biên giới, kết nối với học sinh của 8 trường học ở Malaysia và một số trường trong nước gồm: THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Ban Mai (Hà Nội); THPT số 4 (Lào Cai); THPT Lương Sơn (Hòa Bình), dưới sự dẫn dắt của thầy Trần Mạnh Cường, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Khuyến - một MIEE (chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft). Tiết học được ứng dụng nền tảng Office 365, thầy Cường đã áp dụng Microsoft Teams để thực hiện tiết học đổi mới, sáng tạo phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dưới sự hướng dẫn của thầy Cường, lớp học kết nối diễn ra sôi nổi, không bị giới hạn trong một phòng học truyền thống, vượt qua rào cản về ngôn ngữ. Sau phần giới thiệu của các bạn học sinh Malaysia về hệ thống giáo dục và những nét văn hóa đặc sắc của nước bạn, các em học sinh 11A2 Trường THPT Nguyễn Khuyến đã lần lượt trình bày những thông tin tìm hiểu được về những nét thú vị của văn hóa, truyền thống, các danh lam thắng cảnh của đất nước Malaysia xinh đẹp. Cuối buổi học, lớp 11A2 đã tặng học sinh nước bạn một điệu nhảy trên nền nhạc Malaysia sôi động và cùng nhau lưu lại những bức ảnh đẹp cho buổi học thú vị này…
Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) trong một "giờ học kết nối". |
Thầy Trần Mạnh Cường chia sẻ: Buổi học kết nối đã góp phần gợi mở về hướng đi trong đổi mới dạy và học áp dụng công nghệ số, giúp học sinh mở rộng tầm nhìn; khắc phục hạn chế của học sinh trong tỉnh, thông thạo hơn trong giao tiếp và có thêm kiến thức về nền văn hóa các địa phương khác và nước bạn. Đặc biệt, giờ dạy kết nối đã thúc đẩy việc sử dụng công nghệ và phát triển kỹ năng số của giáo viên như: cách sử dụng video, diễn đàn trực tuyến và các công cụ trực tuyến khác để giao tiếp cũng như giảng dạy. Mặc dù còn một số khó khăn đối với các lớp học kết nối xuyên biên giới như: chênh lệch múi giờ, mạng internet, thiết bị và khả năng kỹ thuật của học sinh, vấn đề bảo mật và sự không đồng đều trong trình độ học vấn và kỹ năng..., nhưng giờ dạy kết nối đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng: Học sinh thêm hiểu biết về đất nước Malaysia, đồng thời được rèn luyện phản xạ, kỹ năng nghe - nói tiếng Anh và thể hiện sự sáng tạo của mình. Học sinh đều bày tỏ háo hức, yêu thích và mong có thêm nhiều tiết học kết nối cùng học sinh trên toàn thế giới.
“Trường học kết nối”, “Lớp học kết nối”, “Giờ học kết nối”, “Dạy học kết nối” là các nội dung của một chương trình giáo dục toàn cầu được xây dựng, phát triển bởi Hội đồng Anh cho các trường học trên toàn thế giới. Chương trình nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy, trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức mới cho học sinh. Ở địa bàn tỉnh, “Trường học kết nối” được triển khai đầu tiên ở Trường Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy) thông qua ý tưởng của cô giáo Phạm Thị Hà, giáo viên tiếng Anh với mong muốn giúp học sinh được giao lưu với học sinh các nước trên thế giới, tạo điều kiện cho học sinh trau dồi khả năng nghe - nói tiếng Anh, giao lưu học hỏi, trao đổi văn hóa với bạn bè năm châu.
Hưởng ứng phong trào “Trường học kết nối” do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phát động từ năm học 2022-2023, đến nay, nhiều trường tiểu học, 100% trường THCS và THPT đã tạo tài khoản cho giáo viên trên “Trường học kết nối”. Nhiều giáo viên ở các cơ sở giáo dục (CSGD) đã tổ chức các lớp học, giờ học kết nối với giáo viên, học sinh của các quốc gia trên thế giới, bước đầu giúp giáo viên, học sinh được giao lưu, tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau, đồng thời lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Một số địa phương tích cực triển khai dạy học kết nối như: Các CSGD thuộc Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định, huyện Giao Thủy; các trường THPT như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến, chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định)... Năm học 2022-2023, các CSGD toàn tỉnh đã triển khai 17 tiết dạy kết nối với các trường học của Ấn Độ, Israel, Bangladesh...; riêng cấp tiểu học, Sở GD và ĐT đã tổ chức cho 72 giáo viên tiếng Anh, Tin học của 63 trường tiểu học trong tỉnh dạy trực tuyến hàng trăm tiết kết nối mỗi tuần để hỗ trợ 34 lượt trường tiểu học của tỉnh Yên Bái học môn tiếng Anh, Tin học lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tổng số 70 lớp (trong đó 39 lớp tiếng Anh, 31 lớp Tin học; tổng số 2.652 học sinh). 6 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động này đã được Bộ GD và ĐT đánh giá cao và tặng Bằng khen. Nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cụ thể, khoa học; trong đó đã tiến hành triển khai các buổi sinh hoạt trực tuyến, thảo luận chuyên đề trên “Trường học kết nối”. Năm học 2023-2024, Sở GD và ĐT tiếp tục triển khai dạy học kết nối môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4, 5 của một số trường khó khăn tỉnh Yên Bái (dự kiến 112 lớp tại 30 trường) trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Ngoài ra, 2 Sở GD và ĐT Nam Định và Yên Bái, các Phòng GD và ĐT, các nhà trường thuộc Sở GD và ĐT 2 tỉnh sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh.
“Trường học kết nối” là dấu ấn đặc biệt trên hành trình đổi mới phương pháp dạy học trong thời đại công nghệ 4.0. Đây là phương pháp dạy học tích cực mà thầy và trò có thể sử dụng các công cụ kết nối (trực tuyến) dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tổ chức/hỗ trợ cho việc dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học. Không chỉ rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, “Trường học kết nối” còn góp phần nâng cao năng lực của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy học; mở ra cơ hội cho giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng dạy và học. Do vậy, chủ trương dạy học kết nối để nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới giảng dạy, cải thiện, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học giúp phát hiện và rèn luyện phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện đang là vấn đề được ngành GD và ĐT tỉnh quan tâm, chú trọng.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số giáo viên đã tham gia “Trường học kết nối”, để tổ chức được những tiết học kết nối hiệu quả thì các thầy, cô giáo và học sinh ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau cần tích cực tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, nhóm Mystery Skype/Skype in the classroom, Mystery Skype, Our global classroom, Global learning ethusiatics... để học hỏi kinh nghiệm, tìm nhóm hợp tác, thảo luận về chủ đề, các hoạt động diễn ra trong tiết học, phân công công việc mỗi bên, bố trí thời gian học phù hợp và khắc phục các khó khăn về sự khác biệt về múi giờ giữa các nước... Qua đó để mô hình “Trường học kết nối” tiếp tục được lan toả ở các trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, trở thành lợi thế phát triển của giáo dục Nam Định./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin