Nghệ nhân giữ nghề xưa

09:01, 08/12/2023

Nghệ nhân Lê Văn Hải (79 tuổi) ở phường Quang Trung (thành phố Nam Định) là một trong số ít những người còn giữ trọn vẹn quy trình sáng tạo các sản phẩm mỹ thuật, điêu khắc, giấy bồi truyền thống. Đặc biệt, các sản phẩm giấy bồi của ông luôn đảm bảo tính mỹ thuật cao, các nhân vật được chế tác đều có tích truyện hấp dẫn, từ đó tạo sức hút cho khách hàng.

Ông Lê Văn Hải vẽ các sản phẩm giấy bồi. 
Ảnh: Trương Công Hiệp

Ông Lê Văn Hải vẽ các sản phẩm giấy bồi.

Ảnh: Trương Công Hiệp

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mất sớm, cậu bé Hải ngày ấy được mẹ rèn giũa tính tự lập và ham học từ nhỏ. Vừa biết chữ vỡ lòng, Hải tận dụng những cành cây nhỏ để vẽ phác họa trên nền đất, rồi sử dụng những viên đất sét nặn thành hình các con vật yêu thích. Với năng khiếu mỹ thuật, Hải đã có nhiều tác phẩm được đăng trên Báo Văn nghệ. Trong đó, tiêu biểu là tác phẩm đắp nổi “Bộ đội với thiếu nhi” năm 1963 bằng chất liệu xi-măng khắc họa người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông Lê Văn Hải tâm sự: “Thuở đó, muốn gửi các tác phẩm đăng báo, tôi phải nhờ thợ ảnh chụp lại, sau đó gửi phim lên để tòa soạn Báo Văn nghệ chọn. May mắn, nhiều tác phẩm tôi chế tác đều được Báo Văn nghệ chọn đăng, trong đó nhiều nhất là hình tượng bộ đội và Bác Hồ”. Đam mê hội họa, năm 1963, ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1965, trước tình hình giặc Mỹ ngày càng leo thang đánh phá ác liệt, ông cùng với nhiều sinh viên, chàng sinh viên mỹ thuật đã gác lại một năm học dang dở tại ngôi trường mơ ước, quyết định lên đường tòng quân, bảo vệ Tổ quốc. Trong quân ngũ, ông được giao nhiệm vụ trang trí khánh tiết, kẻ vẽ pa-nô, khẩu hiệu và dạy vẽ cho những tân binh… Năm 1968, ông xuất ngũ và dạy vẽ tại nhiều trường tư thục tại tỉnh Lai Châu. Năm 1970, ông về quê và làm ở Xí nghiệp Sản xuất thủy tinh tỉnh. Trong thời gian này, vào các buổi tối, ông tranh thủ nghiên cứu các quy trình làm mặt nạ giấy bồi và đã cho ra lò nhiều sản phẩm chất lượng.

Năm 1991, sau khi được nghỉ chế độ, ông dành nhiều thời gian để chuyên tâm chế tác các sản phẩm từ giấy bồi như mặt nạ, đầu lân, sư, rồng. Ông Hải cho biết: Quy trình để sản xuất mặt nạ giấy bồi đòi hỏi người làm phải có tính kiên trì, tỉ mỉ và hội tụ đủ các kỹ năng hội họa, điêu khắc, tạo hình… Đầu tiên, quan trọng nhất là tạo khuôn cho các mặt nạ. Nếu như trước đây, khuôn được làm từ đất sét nung thì nay được thay thế bằng vật liệu xi măng với độ tiện dụng và độ bền cao. Trong quá trình chế tác khuôn, tùy theo từng nhân vật mà nghệ nhân phân chia tỷ lệ các chi tiết mắt, mũi, miệng cho phù hợp. Sau khi hoàn thiện khuôn, đến công đoạn chọn giấy bồi. Một chiếc mặt nạ giấy bồi sẽ có 3 lớp: lớp lót, lớp bìa gia cố và lớp ngoài trang trí. Khi đã có đủ giấy phù hợp, nghệ nhân xé từng mảnh giấy nhỏ, dùng hồ dán bồi lên khuôn đúc có sẵn. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân để mặt nạ căng, mịn và không bị nhăn. Sau khi bồi đủ các lớp giấy, mặt nạ được mang phơi khô dưới nắng để có độ cứng cáp. Một trong những bí quyết giúp sản phẩm của ông Hải luôn bền đẹp đó là chất liệu hồ dán. Không mua hồ công nghiệp sẵn có ở các cửa hàng, ông Hải tự nghiên cứu công thức, sau đó sáng tạo ra loại hồ dán chuyên cho giấy bồi. Hồ dán của ông Hải với nguyên liệu chủ yếu là bột sắn trộn với chất kết dính và loại nhựa cây chống mối mọt. Các nguyên liệu này được pha với tỷ lệ nước nhất định và đun tạo thành chất đặc quánh có màu vàng như mật ong. Bên cạnh đó, để vẽ trang trí các mặt nạ, ông còn thành thục kỹ năng pha bột màu theo đúng tỷ lệ để thành màu ưng ý, phù hợp với các chi tiết, điểm nhấn của từng nhân vật. Cuối cùng là công đoạn tô sơn. Từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ… Qua đôi bàn tay khéo léo của ông Hải, những chiếc mặt nạ giấy bồi hình ông Địa, Chí Phèo, Thị Nở, rồi hình đầu trâu, mặt ngựa, hổ, báo, đại bàng… lần lượt hiện ra sinh động và thấm đẫm hồn quê Việt.

Cùng với làm mặt nạ, ông Hải còn chế tác đầu lân bằng vật liệu cốt tre và giấy bồi. Sau khi làm khung tre, ông Hải tiến hành phết hồ và giấy lên khung rồi hong khô. Công đoạn quan trọng nhất là vẽ họa tiết trang trí và gắn các phụ kiện như lông mi, mắt, râu. Họa tiết của sừng Lân, má Lân, hay khuôn miệng đều phải tuân theo những bố cục rất khắt khe. Nếu có sự sai lệch hoặc không hài hòa, đầu Lân sẽ không đạt tiêu chuẩn. Để hoàn thiện các sản phẩm đầu lân, ông Hải đã cất công sưu tầm nhiều tài liệu, hình ảnh về lân trong văn hóa người Việt. Theo ông Hải, hình tượng đầu Lân thuần Việt nhìn hiền hậu, trong đó khuôn miệng rộng kéo dài đến mang tai; hàm răng lân mô phỏng răng người để tạo ra nụ cười vui vẻ. Đây là điều ông Hải thấy khác biệt và ấn tượng nhất trong tạo hình đầu Lân của Việt Nam, xuất phát từ tính cách hiền hòa, yêu chuộng bình yên của người Việt.

Với những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1999, ông Hải đã vinh dự được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đến nay, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Lê Văn Hải vẫn quyết tâm giữ nghề. Một trong những tín hiệu tích cực đó là thị hiếu khách hàng hiện nay đang dần quay trở lại các mặt hàng đồ chơi truyền thống, trong đó, các sản phẩm thủ công của ông Hải luôn được đón nhận. Đã nhiều đơn vị du lịch đã tổ chức các đoàn khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm quy trình làm mặt nạ giấy bổi do ông Hải trực tiếp trình diễn tại nhà. Qua đó, ông đã góp phần quảng bá nét đẹp của đất và người Nam Định đến với đông đảo du khách thập phương. Niềm vui lớn nhất của ông Hải hiện nay đó là những người con, cháu của ông đều được dạy và nắm vững các quy trình sản xuất, chế tác các sản phẩm giấy bổi; từ đó, nghề sẽ có điểm tựa và sức sống lâu bền trong tương lai./.

Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com