“Củng cố, nâng cao năng lực y tế trường học (YTTH) trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết với y tế địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh” là mục tiêu Kế hoạch số 155 ngày 30-11-2023 của UBND tỉnh triển khai Chương trình YTTH trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên y tế thực hiện kiểm tra sức khỏe cho học sinh tại Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc). |
Toàn tỉnh có 230 trường mầm non, 227 trường tiểu học, 226 trường THCS, 57 trường THPT. Xác định công tác YTTH là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh chú trọng đầu tư cả về nhân lực, vật lực về y tế trong các nhà trường.
Đến nay, có 497/740 trường học có nhân viên y tế; trong đó 10/230 trường mầm non, 218/227 trường tiểu học, 212/226 trường THCS, 57/57 trường THPT có nhân viên y tế. Có 241 cán bộ làm công tác y tế trường học tuyến tỉnh, huyện, xã và 243 cán bộ làm công tác y tế trường học kiêm nhiệm.
Theo đánh giá của Sở Y tế, các cơ sở giáo dục cơ bản đã thực hiện nghiêm túc công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của liên Bộ Y tế, GD và ĐT ngày 12-5-2016. Trong đó, bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; các điều kiện về cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường trong trường học. Hàng năm, Sở Y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố chủ trì và phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục tham mưu cho UBND các cấp trong việc lập kế hoạch, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác YTTH trên địa bàn theo phân cấp. Phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác YTTH; hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên y tế trường học; hướng dẫn triển khai quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, truyền thông giáo dục sức khỏe. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh trường học, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh và các nội dung công tác YTTH khác theo phân cấp.
Nguồn kinh phí thực hiện công tác YTTH bao gồm: nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, GD và ĐT hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành của các đơn vị; nguồn bảo hiểm y tế học sinh; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác. Qua kiểm tra đánh giá hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh, tại các trường học có nhân viên y tế đều tổ chức theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày, kiểm tra vệ sinh an toàn trường học, kiểm tra, lưu mẫu thực phẩm, vào sổ sách nếu trường có tổ chức ăn bán trú; khám sức khỏe định kỳ cho học sinh như: cân, đo chiều cao, thị lực; sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh nếu bị tai nạn thương tích, bị cảm sốt, đau đầu, đau bụng... Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 35.307 học sinh suy dinh dưỡng; hơn 14 nghìn học sinh thừa cân, béo phì; 56.964 học sinh mắc bệnh về răng miệng; 49.888 học sinh mắc bệnh về mắt…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác YTTH tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ GD và ĐT, nhiệm vụ của người phụ trách công tác YTTH “khá nặng” như: giám sát vệ sinh môi trường, nước uống, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải; giám sát các điều kiện về an toàn thực phẩm; quản lý bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh; phát hiện một số bệnh ở học sinh để xử trí, chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; sơ cứu, cấp cứu cho học sinh; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe... Đến nay toàn tỉnh có 243 trường học chưa có nhân viên y tế, nhất là khối mầm non chỉ có 10/230 trường có nhân viên y tế. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác YTTH chưa đáp ứng theo yêu cầu Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT. Một khó khăn nữa là do thiếu phòng, nhiều trường chưa bố trí riêng phòng y tế mà sử dụng ghép với phòng chức năng khác; dù có trang bị tủ thuốc nhưng hầu hết số lượng thuốc chưa đủ theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong y tế học đường; trang thiết bị phục vụ cho công tác YTTH tại một số trường còn thiếu hoặc đã cũ, hỏng. Kinh phí triển khai các hoạt động YTTH chủ yếu từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế học sinh trích lại cho các trường nên rất thấp.
Bệnh viện Mắt Nam Định điều trị bệnh về mắt cho tượng là cho học sinh. |
Để gỡ “nút thắt” nêu trên, ngày 30-11-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 155 về “Triển khai Chương trình YTTH trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác YTTH (nhân viên chuyên trách hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm theo dõi công tác YTTH) hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương. 100% chính quyền địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống YTTH trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động YTTH phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. 100% nhân viên YTTH và y tế cơ sở được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ YTTH dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Trên 95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác YTTH: phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu… theo quy định. Rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên YTTH tại các cơ sở giáo dục. Đối với cơ sở giáo dục công lập, nếu nhà trường không sắp xếp, bố trí được nhân viên chuyên trách YTTH thì phân công nhân viên y tế chuyên trách làm việc tại các cơ sở giáo dục trên cùng địa bàn (có lịch làm việc luân phiên, cụ thể tại từng cơ sở giáo dục), hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác YTTH và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để triển khai công tác YTTH. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động bố trí nhân viên chuyên trách y tế hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để triển khai công tác YTTH theo quy định. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác YTTH. Các cơ sở đào tạo y tế trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên YTTH đáp ứng yêu cầu của công tác YTTH trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác YTTH trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở, phù hợp với từng đối tượng (chuyên trách và kiêm nhiệm). Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và huy động xã hội hóa về YTTH trong các cơ sở giáo dục. Rà soát, cải tạo, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác YTTH phù hợp với thực tế của từng cấp học. Có cơ chế khuyến khích hệ thống y tế ngoài công lập tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong các cơ sở giáo dục. Huy động đầu tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho công tác YTTH, tập trung vào một số lĩnh vực: dinh dưỡng học đường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, chuyển đổi số trong lĩnh vực YTTH. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD và ĐT hướng dẫn triển khai các quy định, hướng dẫn hoạt động chuyên môn, tiêu chuẩn nhân viên YTTH tại cơ sở giáo dục; các quy định về chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở đối với công tác YTTH đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin