Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên

20:30, 27/11/2023

Mạng lưới giáo dục thường xuyên (GDTX) của tỉnh hiện được duy trì ổn định với 307 trung tâm gồm: 2 trung tâm cấp tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN)-GDTX thuộc UBND các huyện, 226 trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở các xã, phường, thị trấn và 63 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Những năm qua, hoạt động GDTX có bước phát triển, từng bước khẳng định vai trò, hiệu quả trong đời sống xã hội khi tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiết kiệm được thời gian, có thể vừa học, vừa làm, nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Một giờ học ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Mỹ Lộc.
Một giờ học ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Mỹ Lộc.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) và GDTX (Sở GD và ĐT), tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ dạy và học nhưng các cơ sở GDTX đã nỗ lực vượt khó vươn lên, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Để nâng cao chất lượng GDTX, Sở GD và ĐT tăng cường các biện pháp quản lý để đảm bảo nề nếp kỷ cương trong dạy học ở các cơ sở GDTX như: Tổ chức hội nghị duyệt kế hoạch đầu năm đối với các trung tâm, tổ chức kiểm tra chéo giữa các trung tâm, trao đổi kinh nghiệm quản lý. Các trung tâm chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học, đảm bảo những kiến thức cơ bản, tối thiểu cho học viên, giảm tính hàn lâm, tăng kỹ năng ứng dụng thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về đánh giá học viên theo học chương trình GDTX cấp THCS và GDTX cấp THPT; xây dựng kế hoạch dạy học hàng năm phù hợp với khung chương trình của Bộ GD và ĐT và có điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương cũng như thực tế học viên của trung tâm. Các trung tâm tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực; vận dụng phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng học viên GDTX. Linh hoạt trong các hình thức tổ chức dạy học, tổ chức ôn tập cho học viên thi tốt nghiệp THPT; chủ động xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 và CT GDPT 2006 bảo đảm phù hợp điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tham gia các cuộc hội thảo dạy học môn học thực hiện CT GDPT 2018 đối với lớp 10. Thông qua các video tiết dạy được các nhà trường xây dựng và các đợt tập huấn các mô-đun tập huấn nâng cao năng lực thực hiện CT GDPT 2018, quy trình kỹ thuật thiết kế bài giảng điện tử E-learning và xây dựng thiết bị dạy học số do Sở GD và ĐT tổ chức.

Các cơ sở GDTX tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù; chủ động đổi mới tư duy quản lý và phương pháp dạy học; phân định cụ thể vai trò và trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên; chủ động bố trí thời gian thực hiện các chương trình giáo dục bảo đảm tính khoa học, sư phạm. Hiện tại đội ngũ cán bộ quản lý các trung tâm GDTX trong tỉnh nhìn chung đạt yêu cầu cơ bản để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo quản lý. Tuy nhiên đội ngũ giáo viên để phục vụ việc giảng dạy chương trình hiện hành tại nhiều trung tâm GDTX, GDNN-GDTX còn thiếu. Trước thực tế đó, Sở GD và ĐT đã tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch bồi dưỡng, tuyển mới đội ngũ giáo viên để đáp ứng việc thực hiện chương trình mới.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhận được sự quan tâm tích cực hơn trước, nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của các cơ sở GDTX. Các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX có cơ sở vật chất tối thiểu đáp ứng cho việc tổ chức các chương trình GDTX. Tuy nhiên ở một số trung tâm GDNN-GDTX cơ sở vật chất đã cũ. Toàn tỉnh, ngành GDTX có tổng số 313 phòng, trong đó 25 phòng xây mới, gồm các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng máy tính... Ban giám đốc các TTHTCĐ đã làm tốt công tác tham mưu để UBND các xã quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho hoạt động của trung tâm. Hiện tất cả 226 TTHTCĐ có văn phòng làm việc riêng, đạt 100% (so với năm học 2021-2022 đã có thêm 11 trung tâm có địa điểm riêng). Các trung tâm đều có biển hiệu theo quy định, 100% các TTHTCĐ có ít nhất 1 bộ máy tính kết nối internet và tủ đựng tài liệu. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học về cơ bản có cơ sở vật chất hiện đại. Một số trung tâm có cơ sở khang trang như Sydney, Collins Edu, Ocean Edu...

Để hỗ trợ các cơ sở GDTX nâng cao chất lượng hoạt động, Sở GD và ĐT đã tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn đại trà cho cán bộ, giáo viên thực hiện Chương trình GDTX cấp THCS và THPT; tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kế hoạch giáo dục nhà trường; tập huấn giáo viên cốt cán về hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá học viên Chương trình GDTX cấp THPT, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục và sử dụng sách giáo khoa mới. Các cơ sở GDTX được tham gia các hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, triển khai các giải pháp, ứng dụng CNTT, được cấp tài khoản Office 365; được tham gia hội thảo và tập huấn về ứng dụng CNTT vào quản trị nhà trường... 

Nhiều trung tâm đã ứng dụng hiệu quả vào thực tế hoạt động. Tiêu biểu như tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mỹ Lộc, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn căn cứ kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học để xây dựng kế hoạch dạy học các môn và tổ chức các hoạt động giáo dục khác theo hướng bảo đảm yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học và học liệu phù hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học viên. Giáo viên được khuyến khích linh hoạt điều chỉnh để có sự phù hợp với việc dạy học ở từng thời điểm, từng điều kiện ở mỗi lớp học; đồng thời tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực để nâng cao hiệu quả giờ học. Các TTHTCĐ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân đến học tập theo nhu cầu thực tế với phương châm “cần gì học nấy”, góp phần thực hiện các mục tiêu về giáo dục, văn hóa, xã hội địa phương thông qua việc tổ chức các hoạt động như: Mở các lớp dạy nghề, tư vấn việc làm, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật... nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập. Trung tâm GDTX Trần Phú (thành phố Nam Định) có cơ sở vật chất khá khang trang, các phòng học được trang bị đồ dùng dạy học hiện đại cùng với hệ thống cơ sở vật chất phụ trợ như sân chơi có mái che, nhà tập thể thao, nhà đa chức năng, thư viện với hàng nghìn đầu sách phục vụ giáo viên và học sinh; các bộ dụng cụ thí nghiệm phục vụ giảng dạy, hệ thống máy tính... Giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng giáo án điện tử thực hiện bài giảng trên màn hình gây hứng thú cho người học...  

Với nhiều biện pháp, chất lượng dạy và học ở các trung tâm GDTX ngày càng được nâng lên. Năm học 2022-2023, có 59,08% học viên các trung tâm GDTX xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; 32,18% học viên xếp loại học tập khá, giỏi; 26,57% học viên xếp loại trung bình; một số trung tâm GDTX, GDNN-GDTX có tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100% như Trần Phú, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com