Trong những năm học gần đây, hoạt động liên kết giáo dục có yêu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã từng bước đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phối hợp liên kết giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Các thí sinh tham gia tại Hội thi Hùng biện Tiếng Anh cấp tỉnh năm 2023. |
Việc phối hợp liên kết giáo dục trong trường học trên địa bàn tỉnh gồm tăng cường các hoạt động giao lưu, mở rộng hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ, khuyến khích liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, các cơ sở có đủ điều kiện tổ chức giảng dạy tiếng Anh, tăng cường giáo viên là người nước ngoài, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh; hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo thí điểm các chương trình nước ngoài chuyển giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ĐT). Từ năm 2016, Sở GD và ĐT hợp tác với Hội đồng Anh (British Coucil) về một số lĩnh vực như: Bồi dưỡng giáo viên cốt cán, dạy tiếng Anh trên truyền hình; phối hợp tổ chức trại hè, các hoạt động giáo dục công dân tích cực. Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) đã tổ chức kết nghĩa với 1 trường trung học của Singapore, hàng năm 2 trường tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu trao đổi văn hóa, văn nghệ và những kinh nghiệm học tập. Trong phong trào “Trường học kết nối”, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai 17 tiết dạy kết nối trực tuyến với các trường ở Ấn Độ, Israel, Bangladesh..., hàng trăm tiết dạy kết nối mỗi tuần để hỗ trợ 34 lượt trường tiểu học của tỉnh Yên Bái dạy học các môn Tiếng Anh, Tin học lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023. 3 cơ sở đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư nước ngoài gồm 2 trung tâm ngoại ngữ (Trung tâm đào tạo Anh ngữ Mr John do nhà đầu tư Zainul Abedin, quốc tịch Bangladesh; Trung tâm Can English do Việt kiều Nguyễn Tiến Dũng, quốc tịch Canada đầu tư; 1 trường tiểu học (Trường Tiểu học Hải Lý, huyện Hải Hậu) do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ đầu tư), 32 trung tâm tư vấn du học... Nhiều trường tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh đã liên kết với các trung tâm dạy ngoại ngữ để tổ chức các tiết học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa nhằm giúp các em được học với người bản địa, tiếp cận phương thức học tập mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã có 109 trường phổ thông triển khai liên kết với 7 trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (73 trường tiểu học, 15 trường THCS, 21 trường THPT). Bên cạnh đó, Nam Định cũng triển khai dự án “Tiếp nhận tình nguyện viên nước ngoài vào hoạt động tại các CSGD phổ thông tỉnh Nam Định”; trong năm học 2022-2023 đã tiếp nhận 3 tình nguyện viên nước ngoài tham gia hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh ở một số trường của xã Nghĩa Hùng và thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Nhờ hoạt động liên kết giáo dục, phong trào học tập môn ngoại ngữ trong các nhà trường đã được nâng lên đáng kể. Kết quả thi môn Tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây và số lượng học sinh dự thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngày càng tăng. Nam Định được Bộ GD và ĐT đánh giá là 1 trong 9 tỉnh điển hình triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, nằm trong tốp 10 tỉnh có kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh cao nhất toàn quốc. Đặc biệt, năm 2023, toàn tỉnh đã có hàng trăm học sinh đạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được công nhận để miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có chứng chỉ IELTS, TOEFL...
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện hoạt động liên kết giáo dục, bên cạnh những kết quả đạt được, phụ huynh vẫn còn lấn cấn, bức xúc về một số tồn tại, hạn chế, nhất là với bậc học nhỏ tuổi. Không ít phụ huynh bức xúc về cách tổ chức chương trình liên kết trong nhà trường, việc lựa chọn đơn vị liên kết... Chị Hoàng Hà có con học tại một trường THPT trên địa bàn thành phố cho biết, gia đình rất ủng hộ việc triển khai dạy tiếng Anh với người nước ngoài trong trường phổ thông, tuy nhiên, chị lo ngại về chất lượng dạy liên kết. Nhà trường phối hợp liên kết dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài nhưng học sinh và phụ huynh không được lựa chọn trung tâm cũng như giáo viên mà trường liên kết. Theo phản ánh của con chị và nhiều học sinh THCS, THPT đã từng theo học chính giáo viên đó ngoài trung tâm, thì chất lượng dạy học của giáo viên ít hiệu quả, thiếu trách nhiệm, ít quan tâm học sinh... Theo quy định, các chương trình liên kết chỉ được tổ chức theo tinh thần tự nguyện thoả thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh, tuỳ vào điều kiện, nhu cầu của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nhà trường lại có cách vận động gần như “ép” học sinh. Phụ huynh ở một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho biết, mặc dù nhà trường phổ biến là phụ huynh đăng ký trên tinh thần tự nguyện nhưng lại xếp giờ học tiếng Anh xen kẽ các môn khác và yêu cầu gia đình học sinh tự quản con em trong tiết học ngoại ngữ nếu không đăng ký (đến đón về và hết tiết lại phải chở đến để học môn khác hoặc để các cháu tự chơi, tự quản ở sân trường, không được ở trong lớp, nhà trường cũng không bố trí phòng chờ cho học sinh?!). Điều đáng nói là ở cấp học này trong khi nhà trường nhận học sinh bán trú, tổ chức học 2 buổi/ngày thì rõ ràng đây vẫn là thời gian nhà trường phải quản lý học sinh nhưng lại yêu cầu phụ huynh phải đến đón, tự quản con em(?!). Các nhà trường đều có thư viện nhưng lại không cho các em đến thư viện nhà trường để đọc sách trong giờ học tự chọn đó! Cách làm này rõ ràng là “gây khó” cho gia đình học sinh. Vì không muốn con bị lạc lõng, hoặc không thể đến trông coi hay đón con về trong 1 tiết học nên phụ huynh đành chấp nhận viết đơn “tự nguyện” đăng ký học.
Việc tổ chức liên kết chưa thật sự khảo sát hết nguyện vọng, mong muốn của học sinh và phụ huynh, dẫn đến những ý kiến không hài lòng. Một số phụ huynh khác thì cho rằng, việc liên kết với các trung tâm đào tạo ngoại ngữ bên ngoài để tổ chức dạy học trong nhà trường như hiện nay đôi khi không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của học sinh... Phụ huynh không được cung cấp thông tin cụ thể về năng lực, tiêu chuẩn của giáo viên các trung tâm này khi khảo sát đăng ký. Do vậy, việc phụ huynh nghi ngại về chất lượng, hiệu quả dạy và học là có cơ sở. Với sĩ số vài chục học sinh một lớp, năng lực học ngoại ngữ của các em không giống nhau, trong một tiết học với giáo viên nước ngoài sẽ chỉ có một số lượng rất ít cháu (từng học tại các trung tâm) có thể phát huy khả năng và tiếp thu kiến thức, “có khi thời gian để giữ trật tự lớp học đã gần hết tiết, nhất là với bậc tiểu học”(!) Chưa kể, khi đăng ký, phụ huynh phải cung cấp số điện thoại, và cứ mỗi dịp nghỉ hè nhân viên các trung tâm lại liên tục gọi điện mời gọi tiếp thị các khóa học, gây phiền toái không ít.
Trước một số tồn tại và các băn khoăn của phụ huynh về hoạt động phối hợp liên kết giáo dục trong trường học nêu trên, ngành GD và ĐT cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành trong việc tổ chức triển khai hoạt động này theo nhu cầu người học. Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định về liên kết giáo dục trong trường học. Cần quán triệt và yêu cầu các cơ sở liên kết với các nhà trường đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, phối hợp chặt chẽ với nhà trường thực hiện các quy định về liên kết giáo dục. Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định hiện hành về liên kết giáo dục để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và người dân trong quá trình đồng hành, quản lý giáo dục. Đẩy mạnh truyền thông về căn cứ pháp lý, tính hiệu quả của hoạt động liên kết giáo dục để lan tỏa và phát huy sự đồng thuận của xã hội./.
Bài và ảnh: Thu Trang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin